Kiến thức

Bốn hạng người hiện hữu trên đời

Chủ nhật, 09/12/2022 09:34

Bài kinh “Bốn Hạng Người Hiện Hữu Ở Đời” được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh I, chương 4, phẩm Bhandagàma, phần Thuận Dòng. Bài pháp này đức Thế Tôn giảng dạy cho các vị Tỷ-kheo, khi Ngài đang trú tại làng Ghanda, nơi dân Vajji cư ngụ.

Nội dung bài pháp ngắn này, đức Thế Tôn cho biết ở đời có bốn hạng người hiện hữu. Đó là hạng người đi thuận dòng, hạng người đi ngược dòng, hạng người tự đứng lại và hạng người khác là vị Bà-la-môn vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền.

Qua hình ảnh các hạng người này, đức Thế Tôn đã không kêu gọi chúng ta phải trở thành hạng người này hay hạng người kia, mà Ngài chỉ khai mở cho chúng ta thấy cách sống của mỗi hạng người sẽ đưa đến hậu quả khổ đau hay an lạc hạnh phúc thực sự.

Qua hình ảnh các hạng người này, đức Thế Tôn đã không kêu gọi chúng ta phải trở thành hạng người này hay hạng người kia, mà Ngài chỉ khai mở cho chúng ta thấy cách sống của mỗi hạng người sẽ đưa đến hậu quả khổ đau hay an lạc hạnh phúc thực sự.

Nội dung bài kinh: 

“Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajji, tại làng Bhanda. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

“Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, hiện hữu có mặt ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người đi thuận dòng, hạng người đi nghịch dòng, hạng người tự đứng lại, vị Bà-la-môn đã vượt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đi thuận dòng? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người thọ hưởng các dục và làm ác nghiệp. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người đi thuận dòng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đi ngược dòng? Ở đây này các Tỷ-kheo, có hạng người không thọ hưởng các dục, không làm ác nghiệp, với khổ, với ưu, nước mắt đầy mặt, khóc than, sống phạm hạnh viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người đi ngược dòng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tự đứng lại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời ấy nữa. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người tự đứng lại.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Bà-la-môn đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người do hoại diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các tỷ-kheo, đây gọi là Bà-la-môn, đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền.

Bốn hạng người này, này các tỷ-kheo, hiện hữu có mặt ở đời” (hết trích)

Một người từ lúc sinh ra, lớn lên và chết đi. Khoảng thời gian này được xem như là một đời người. Mỗi người có một cuộc đời không ai giống ai. Người ta thường ví von cuộc đời như một dòng sông. Những người sống trong cuộc đời xem như là những chiếc thuyền qua lại trên dòng sông. Chiếc đi chiều này, chiếc ngược chiều kia. Dòng sông thì có đoạn ngắn, đoạn dài, đoạn trong sạch, đoạn đục dơ, đoạn phẳng lặng, đoạn xoáy tròn, đoạn bình yên, đoạn nguy hiểm. Người thuận theo dòng là người chấp nhận để thuyền trôi theo dòng sông không phản kháng.

Dòng đời không lúc nào dừng lại cũng như dòng sông nước chảy không bao giờ ngừng. Một người không tự chủ sẽ dễ dàng bị cuốn theo những thứ hào nhoáng ở đời như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, của cải, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp… Vì tham lam khát ái, muốn đạt được mục đích hưởng thụ các dục vọng hiện tại, người này sẽ không từ những thủ đoạn xấu xa tạo nghiệp ác.

Ai sống trên đời này, mà không trải qua những kinh nghiệm ham thích đó chứ? Một thứ kinh nghiệm ngọt ngào hạnh phúc chen lẫn nỗi sợ hãi mất mát bởi trong niềm vui luôn chứa sẵn nỗi buồn! Tuy biết thế, nhưng đa phần không mấy người chế ngự được các dục, họ không thể từ bỏ được ly tham, cứ tiếp tục gieo nhân tốt hoặc xấu. Làm sao cũng được, miễn đạt mục tiêu mong muốn của mình là tốt. Họ cứ tiếp tục thọ hưởng các dục vọng, và sống như thế cho đến hết cuộc đời. Rồi do nghiệp lực dẫn dắt người ấy tiếp tục lặn ngụp trong dòng sông sinh tử hết đời này sang đời khác. Đây là loại người mà đức Thế Tôn xếp vào hạng người đi thuận dòng.

Trên dòng sông đông đảo thuyền bè chen chúc qua lại với những tranh đua, giành giựt để lúc vui vẻ, hả hê, lúc buồn bực, đau khổ đó… cũng có những chiếc thuyền trí tuệ nhận ra đâu là bến đổ thực sự sẽ mang đến bình yên an lạc cho mình, nên mới quay thuyền ngược dòng. Những chiếc thuyền ngược dòng ví như những người từ bỏ đời sống hưởng thụ các dục, họ tu tập an trú trong chánh niệm. Dù gặp phải nhiều khó khăn, đau khổ hay thiếu thốn, họ cũng không làm những việc xấu ác trái với lương tâm. Nghĩa là không có hành động gây phiền não cho người khác và cho ngay cả chính mình. Loại người này được đức Thế Tôn xếp vào hạng người đi ngược dòng.

Có những chiếc thuyền chấp nhận nghịch lưu, mặc cho dòng sông đời lúc nào cũng bận rộn ngược xuôi, xuôi ngược. Thuyền vẫn âm thầm lầm lũi đạp sóng ngược dòng và đến một ngày thuyền dừng lại trên bến vắng yên lặng, vì đã vượt khỏi năm ngọn sóng lớn lúc nào cũng muốn nuốt lấy con thuyền nhỏ bé cô đơn.  Những chiếc thuyền vượt qua năm cơn sóng to gió lớn này, chính là những vị cư sĩ hay các vị Tỷ-kheo vượt qua mọi dính mắc, mọi dục vọng đưa đến kết quả đoạn diệt năm hạ phần Kiết sử theo lời Phật dạy, không còn cái nhìn sai lệch về thân tâm của mình nữa (Thân kiến), người đó thấy biết con người chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn nên nó vô thường, biến hoại từng giây từng phút. Không còn hoài nghi con đường đã chọn, bởi họ tin sâu vào Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Không bị những mê tín dị đoan ngoại đạo cuốn hút (Giới cấm thủ), diệt tận tham lam và sân hận. Những người này khi thân hoại mạng chung sẽ hóa thân về cảnh giới thanh tịnh, tiếp tục con đường tu tập và nhập Niết-bàn ở đó, không trở lại cuộc đời này nữa. Đây là những vị đã chứng quả vị Bất Lai (không trở lại). Loại người này, đức Thế Tôn xếp là hạng người tự đứng lại.

Vượt qua những chiếc thuyền đứng lại, có những chiếc thuyền kiên nhẫn tiếp tục lướt trên những đợt sóng khát ái, dục vọng, tiến thẳng tới bờ, đậu yên lành trên mảnh đất bình yên giải thoát. Rồi vì lòng từ bi giục giã, thuyền xuôi trở lại dòng sông sinh tử để độ người.  Những chiếc thuyền này ví như những vị Tỷ-kheo đã diệt tận năm hạ phần Kiết sử, tiếp tục tu hành, loại trừ luôn các nhận thức sai lầm về Sắc ái, Vô sắc ái, Trạo cử, Mạn và Vô minh gọi là năm thượng phần Kiết Sử. Vị này đã tận diệt mười nguyên nhân đưa đến khổ đau phiền não, dẹp sạch lậu hoặc, chứng quả A-La-Hán, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Với lòng từ bi thương chúng sanh còn vô minh, các Ngài bước xuống dòng sông đời, tức dòng sông sinh tử, để độ người thoát khổ qua kinh nghiệm của các Ngài. Những vị này được đức Phật xếp là hạng người đã vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền.

Tóm lại bốn loại thuyền ngược xuôi trên dòng sông tham ái, chính là bốn hạng người sống trên đời này. Sống ở đời ai cũng muốn được an lạc hạnh phúc, nhưng hạnh phúc an lạc cũng có hai loại. Loại say mê hưởng thụ dục lạc thế gian dễ khiến con người sa vào ác đạo. Tu tập vượt ra ngoài thế gian sẽ giúp con người đạt được thánh quả.

Với hạng người thứ nhất, là những người chưa biết Phật pháp thì họ sống thuận theo đòi hỏi của bản năng, của dục vọng làm những điều xấu ác để đạt được ước vọng hạnh phúc của bản ngã. Họ không biết rằng sống như thế sẽ khiến họ phải chịu cảnh luân hồi sinh tử, tử sinh … trong lục đạo từ đời này sang đời khác.

(1) “Những ai sống ở đời

Không chế ngự các dục

Không từ bỏ ly tham

Thọ hưởng các dục vọng

Họ đi đến sanh già

Đến rồi lại đến nữa

Bị khát ái trói buộc

Họ đi thuận dòng đời “ (hết trích)

Loại người thứ hai là những người sống đạo đức, không thọ hưởng dục lạc, giữ giới hạnh thanh tịnh. Hằng ngày làm lành tránh dữ, sống trong chánh niệm tức giữ tâm ý trong sạch, dù cho có phải chịu đựng những khó khăn, ngập tràn nước mắt, họ vẫn chấp nhận đi ngược dòng đời. Đây là loại người chịu khổ trước sướng sau.  

  (2)  “ Do vậy bậc có trí

Ở đời, trú chánh niệm

Không thọ hưởng các dục

Không hành trì điều ác

Dẫu chịu sự khổ đau

Từ bỏ các dục vọng

Họ được gọi hạng người

Đi ngược lại dòng đời “ (hết trích)

Loại người thứ ba là những người từ bỏ gia đình, chọn đời sống xuất gia tu tập mở mang trí tuệ, có Chánh kiến tức kiến thức đúng đắn diệt trừ được năm phiền não do: Tham, Sân, Nghi hoặc, Thân kiến, Giới cấm thủ mang đến. Các vị này đạt được quả vị Bất Lai. Khi thân hoại mạng chung sẽ hóa sanh về cõi Tịnh Cư Thiên, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời này nữa nên gọi là người tự đứng lại.

(3) “Những ai quyết đoạn tận

Năm phiền não kiết sử

Bậc hữu học viên mãn

Không còn bị thối thất

Đạt được tâm điều phục

Các căn được định tĩnh

Vị ấy được gọi là

Người đã tự đứng lại.” (hết trích)

Loại thánh tăng thứ tư là những vị A-La-Hán đã không còn bị dính mắc vào hai cõi Sắc (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền) và Vô Sắc (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô Sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Nghĩa là khi tọa thiền có an lạc không thích thú, không trụ vào sự an lạc đó, cũng không có tâm ý mong muốn đạt được cảnh giới nào trên con đường tu tập. Tâm của vị đó không còn bị dục ái, sắc ái và vô sắc ái tác động, nên hoàn toàn yên lặng tức không còn trạo cử. Không trạo cử, không chấp ngã, không còn lo sợ mất cái thân do năm uẩn kết hợp nữa nên dẹp được ngã mạn (không ta, không của ta, không tự ngã ).  Vị ấy đã diệt tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình thắng trí, chứng ngộ bản thể thật của thân tâm mình, thấy biết rõ bản chất thật của hiện tượng thế gian, rằng tất cả đều không thực chất tính nên Vô thường-Khổ-Vô ngã. Nhận thức của vị ấy vượt ra ngoài thế gian, an trú trong vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Bấy giờ không còn một phiền não nào ngăn che trí tuệ của vị đó nữa. Trí tuệ sáng suốt khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Đó là vị ấy đã chứng quả A-La-Hán .            

(4) “Đối các pháp thắng liệt

Vị ấy được giác tri

Đã được quét, quạt sạch

Các pháp được chấm dứt

Vị ấy bậc trí giả

Phạm hạnh được thành tựu

Được tên gọi danh xưng

Bậc đã đi đến nơi

Chỗ tận cùng thế giới

Bậc đã đến bờ kia.” (hết trích)

Gút lại, qua bài pháp ngắn này, đức Thế Tôn đã minh họa một bức tranh vô cùng sống động. Đó là cảnh trên dòng sông có nhiều thuyền bè qua lại. Người xem nhìn thấy có những chiếc thuyền con lơ lửng vô tư nhàn hạ trên sông, cũng có những chiếc thuyền thuận theo những đợt sóng đẩy nhanh về phía trước, cũng có chiếc chậm chạm một cách mệt nhọc vì ngược dòng. Cảnh sông nước thuyền bè lung linh ẩn hiện hình ảnh cuộc đời, mỗi chiếc thuyền là hình ảnh một con người sống trên cõi đời này. Là một bậc giác ngộ, đức Thế Tôn đã nhìn thấy trên đời này có bốn hạng người hiện hữu. Đó là hạng người thuận dòng, hạng người ngược dòng, hạng người tự đứng lại và vị thánh A-La-Hán đã giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Qua hình ảnh các hạng người này, đức Thế Tôn đã không kêu gọi chúng ta phải trở thành hạng người này hay hạng người kia, mà Ngài chỉ khai mở cho chúng ta thấy cách sống của mỗi hạng người sẽ đưa đến hậu quả khổ đau hay an lạc hạnh phúc thực sự. Việc còn lại là sự chọn lựa của mỗi người trong chúng ta mà thôi!

(1) (2) (3) (4):  Tăng Chi Bộ Kinh, chương 4, phần Thuận Dòng (văn vần) 

loading...