Kiến thức

Bốn oai nghi của người xuất gia dưới góc nhìn y học - đứng như cây tùng

Thứ năm, 21/10/2022 12:25

Trong bốn hoạt động đi đứng nằm ngồi, tư thế đứng có vẻ chiếm ít thời gian sinh hoạt trong ngày. Nên thường chúng ta cũng ít chú ý đến tư thế đứng hơn các tư thế khác.

Audio

Tuy nhiên, trừ các công việc có tính cách đặc trưng phải đứng nhiều như lễ tân, giáo viên, phẫu thuật viên… thì đa số chúng ta không đứng quá lâu trong ngày. Các khoảng thời gian sinh hoạt trong ngày vẫn không thể không kể đến các tư thế đứng mà chúng ta dễ bỏ qua, ít chú ý như: đứng chờ thang máy, đứng nấu ăn, làm công việc nhà… Những lúc đứng để làm việc cũng chính là lúc chúng ta lại ít chú ý đến tư thế cơ thể do tập trung tâm trí vào các công việc đó. Vì vậy để có một tư thế đứng tốt và nó trở thành thói quen và hằng định trong sinh hoạt cá nhân là việc phải rèn luyện.

Để hiểu về tư thế đứng tốt, bạn cần biết về cấu trúc cơ bản của cột sống. Nhìn theo chiều trước sau, cột sống như thẳng đứng. Nhìn từ phía bên hông, cột sống có 4 đoạn cong sinh lý tự nhiên xếp xen kẽ nhau: đoạn cổ và đoạn thắt lưng cong lồi ra trước xen kẽ với đoạn ngực và đoạn cùng cụt thì cong lồi ra sau. Cột sống được cấu thành bởi 33 đốt xương sống, giữa các đốt xương sống có đĩa đệm lót ở giữa đóng vai trò như một “tấm đệm” giúp hấp thu lực và làm cho chuyển động của cột sống trở nên mềm mại, linh hoạt. Cột sống đóng vai trò là trục nâng đỡ sức nặng toàn cơ thể.

Ảnh hưởng của sai lệch tư thế đứng đối với vóc dáng của cơ thể được minh họa trong hình. Theo đó, tư thế đứng chuẩn là hình A: dáng đứng thẳng lưng và cổ, trọng tâm của đầu và thân mình rơi vào đúng trục chịu lực của cơ thể. Đây cũng chính là trạng thái vững vàng nhất của cơ thể ở tư thế đứng.

Tư thế không vững (hình B) cho thấy phần thân trên và xương chậu bị ngã về phía sau và chứng gù lưng xuất hiện ở dáng đứng này. Để bù trừ lại trọng tâm bị ngã về phía sau so với trục thẳng đứng, cơ thể phải thay đổi để giữ thăng bằng: gối hơi gập nhẹ chứ không thể duỗi thẳng, bụng bị đẩy ra trước tạo dáng bụng phệ và đầu cũng bị cúi về phía trước nhiều hơn. Đây cũng là dáng đứng thường thấy của người già khi cột sống bị còng do tuổi tác.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tư thế trái ngược với dáng đứng hình B là dáng đứng bị ưỡn quá mức ở hình C. Theo đó, trọng tâm của cơ thể lại có khuynh hướng đổ về trước nhiều hơn do vùng cột sống thắt lưng bị ưỡn. Tư thế đứng này cũng gây đau mỏi vùng thắt lưng và làm cho bụng không phẳng. Với hai dáng sau cũng góp phần gây ra tình trạng bụng to – vốn là một tướng xấu theo quan niệm của nhà Phật lẫn của y học hiện đại.

Đau thắt lưng là một triệu chứng phổ biến. Khoảng 80% số người bị đau thắt lưng ít nhất một lần trong đời. Theo quan sát lâm sàng, phần lớn những người bị đau thắt lưng đều bị lệch tư thế trong sinh hoạt mà chính người bệnh không hay biết. Đặc biệt, các tư thế đứng gù lưng hay ưỡn thắt lưng quá mức, được ghi nhận trước thời kỳ dậy thì, là những sai lệch tư thế điển hình liên quan đến đau thắt lưng. Việc điều chỉnh dáng đứng cần phải làm từ lúc trẻ nhỏ, vì khi trưởng thành, bộ xương bắt đầu cốt hóa thì việc thay đổi dáng đứng là điều không dễ dàng chút nào.

Các phân tích trên đây cho thấy dáng đứng có liên hệ chặt chẽ với cột sống. Những người thường phải đứng lâu còn gặp phải vấn đề đau ở vùng gót chân, bàn chân. Trục của cẳng chân bình thường tiếp giáp với xương gót. Do đó khi đứng lâu hoặc đứng tập trung làm một công việc nhất định dễ khiến chúng ta đứng chỉ bằng gót mà không phải bằng cả bàn chân. Điều này làm gia tăng áp suất lên vùng gót và gây ra các triệu chứng vùng gót chân, bàn chân. Hãy thử điều chỉnh chịu lực lên cả bàn chân, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi phải đứng lâu.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

loading...