Đức Phật
Bốn sự từ bỏ cao thượng của Đức Phật
Thứ ba, 14/07/2023 12:19
Lần giở từng trang kinh Trung bộ - một trong 5 bộ kinh thuộc Kinh tạng Pāli, người đọc có thể dõi theo những bước chân của Đức Phật trải khắp các xứ sở quanh vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Chúng ta có cơ hội lắng nghe những cuộc thảo luận, những lời giáo hóa, những cách hành xử… mà Đức Thế Tôn dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Đồng thời, có cả những lời tự thuật về chính cuộc đời Ngài.
Trước nay, hầu hết mọi người đều ca ngợi rằng Đức Phật từ bỏ ngai vàng là sự từ bỏ vĩ đại. Tuy nhiên, Ngài không chỉ có một lần từ bỏ và đó cũng không hẳn là sự từ bỏ lớn nhất, mà còn nhiều sự từ bỏ khác. Trong đó, Đức Thế Tôn có bốn sự từ bỏ cao thượng, để lại bài học quý giá, đáng cho người đời sau suy ngẫm.
Thứ nhất, từ bỏ đời sống phú quý
Chúng ta đã biết, Đức Phật vốn là Thái tử Siddhāttha Gotama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm), con vua Suddhōdana (Tịnh Phạn), tiểu quốc Sakya (Thích Ca). Từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, Thái tử sống trong sự sung túc cùng cực về vật chất. Ngài có tài sản, danh vọng, địa vị, gia đình… và trên hết là có cả một vương quốc.
Đó là những điều mà bao nhiêu con người trên địa cầu này mải miết tìm kiếm. Trái lại, Thái tử có tất cả nhưng lại từ bỏ tất cả. Ngài nhận ra rằng con người bị chi phối bởi sinh, già, bịnh, chết, nhiễm ô… nhưng chính con người lại làm nô lệ cho sự sinh, già, bịnh, chết, nhiễm ô…
Trong kinh Thánh cầu, Đức Phật tự thuật: “Khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình (1)”.
Do xuất thân đặc biệt như thế, nên việc Bồ-tát xuất gia được mọi người đánh giá là sự từ bỏ hy hữu. Bởi, mấy ai có thể từ bỏ đời sống hưởng thụ dục lạc. Tuy nhiên, tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời Ngài, chúng ta sẽ thấy nhiều sự từ bỏ khác cao thượng không kém.
Thứ hai, từ bỏ địa vị lãnh đạo tôn giáo
Khi Bồ-tát theo học với hai đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta, Ngài nhanh chóng thông suốt giáo lý và chứng đắc các thiền chứng của họ. Thấy được tố chất đặc biệt của Bồ-tát, cả hai người thầy đều mời Ngài cùng lãnh đạo hội chúng với họ.
Ngài một lần nữa từ chối, vì các thành quả đó chưa đi đến mục tiêu tối thượng là giải thoát: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn” (2) (Kinh Thánh cầu).
Điều này khiến chúng ta thấy rõ Bồ-tát xuất gia không phải vì để trở thành nhà lãnh đạo tôn giáo. Mặc dầu trên thực tế, sau khi giác ngộ, Đức Phật thật sự trở thành đạo sư, nhà lãnh đạo tôn giáo. Song, đó không phải mục đích của Ngài. Bởi, nếu đó là mục đích, thì trước đó Ngài đã chấp nhận lời mời lãnh đạo hội chúng từ hai vị thầy mình để đạt được mục đích rồi.
Thứ ba, từ bỏ các phương pháp sai lầm
Sau khi từ giã hai vị thầy, Bồ-tát tu khổ hạnh cùng năm vị đạo sĩ gồm Koṇḍañña (Kiều-trần-như), Bhaddiya, Vappa, Mahānāma, Assaji. Thời bấy giờ, lối tu khổ hạnh đang trở thành trào lưu thịnh hành trong đời sống tôn giáo Ấn Độ. Ngài đã thực hành khổ hạnh, bần uế, yểm ly, độc cư đến độ vượt hơn sự nỗ lực của năm bạn cùng tu.
Tuy vậy, Bồ-tát nhận thấy rằng: “Với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh” (3) (Đại kinh Saccaka). Ngược lại, một thể trạng kiệt quệ không thể nào đưa đến giác ngộ. Do đó, Ngài từ bỏ phương pháp khổ hạnh mà mình đang thực hành.
Thấy được sự sai lầm, công khai thừa nhận mình sai lầm, mạnh dạn bước khỏi sai lầm - đây là điều rất đáng để chúng ta nghĩ suy. Từ xưa đến nay, nhiều người đi vào những con đường sai lầm, sau đó biết rõ mình đang sai lầm, nhưng không mấy ai dám thừa nhận điều đó và bước ra khỏi con đường ấy. Một mặt, có thể con đường ấy mang đến cho họ những lợi ích nào đó, khiến họ không nỡ từ bỏ. Mặt khác, khi bước ra khỏi sai lầm, họ sợ bị người đời chế giễu, vì sĩ diện nên họ không đủ dũng khí để làm điều đó.
Thứ tư, từ bỏ sự trói buộc của chân lý
Chân lý ra đời để cởi trói cho con người, chứ không phải buộc chặt thêm con người. Nếu con người vận dụng chân lý một cách đúng đắn và linh hoạt sẽ có được hiệu quả tích cực. Trái lại, nếu con người nhân danh chân lý mà vận dụng một cách máy móc và sai lầm sẽ biến chính mình trở thành nô lệ. Song, không phải ai cũng có thể nhận thức rõ điều đó.
Trong kinh Ví dụ con rắn, Đức Phật tuyên bố: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè… Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp” (4). Giáo pháp Thế Tôn cũng như chiếc bè, nếu sử dụng đúng chức năng thì sẽ phát huy hiệu quả. Chiếc bè có công dụng đưa người qua sông, không phải để vác trên vai, đội trên đầu, di chuyển trên đường bộ… Nói cách khác, không phải cứ mang chiếc bè khư khư bên mình mọi lúc, mọi nơi.
Cho nên, giáo lý nhà Phật có tính thực tiễn cao, đưa đến giải thoát con người, chứ không trói buộc con người. Đó là: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí chứng hiểu” (5) (Kinh Ví dụ tấm vải).
Tóm lại, trong cuộc đời Đức Phật, nếu sự từ bỏ ngôi vua là sự từ bỏ liên quan đến vật chất, thì ba sự từ bỏ về sau là sự từ bỏ liên quan đến tinh thần. Ngài từ bỏ vị trí lãnh đạo tôn giáo vì đó không phải là mục đích tối thượng. Ngài từ bỏ phương pháp sai lầm vì nó không đưa đến mục đích tối thượng. Khi đã đạt được mục đích tối thượng là giác ngộ thì Ngài vẫn không trói buộc vào những gì đã chứng ngộ.
Cuộc đời Đức Phật là cuộc đời một vị đạo sư lớn của nhân loại. Người đời sau ghi nhận về Ngài qua cả hai phương diện là lịch sử và huyền sử. Đó cũng là điểm chung đối với các danh nhân tôn giáo lỗi lạc trên thế giới xưa nay. Tuy nhiên, nếu tạm gác qua những yếu tố mang tính huyền sử, thì cuộc đời lịch sử của Đức Phật đã để lại nhiều bài học sâu sắc, khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Chú thích:
1. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.214;
2. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.217;
3. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.306;
4. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.179; 5. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr. 62.