Hỏi - Đáp
Buông bỏ tất cả để tu hành có bị xem là ích kỷ?
Thứ năm, 21/03/2024 04:00
Sau thời gian tìm hiểu về đạo Phật, tôi muốn tu thiền để an tịnh, thảnh thơi và giải thoát. Tôi có gia đình và con nhỏ nên dự định tầm 50 tuổi sẽ xuất gia sau khi dàn xếp ổn thỏa mọi việc, như vậy có quá muộn không? Nếu buông bỏ tất cả để tu hành, có bị xem là ích kỷ không?
Hỏi:
Sau một thời gian tìm hiểu về đạo Phật, tôi muốn tu thiền để an tịnh, thảnh thơi và giải thoát. Xin hỏi tại Việt Nam có các cơ sở tự viện hay trung tâm nào chuyên dạy tu thiền không, hay tôi phải ra nước ngoài (Myanmar) học thiền? Tôi có gia đình và con nhỏ nên dự định tầm 50 tuổi sẽ xuất gia sau khi dàn xếp ổn thỏa mọi việc, như vậy có quá muộn không? Nếu buông bỏ tất cả để tu hành, vậy có bị xem là ích kỷ không?
Đáp:
Việt Nam là nơi giao thoa, dung hội các truyền thống Phật giáo trên thế giới. Bạn quan tâm đến tu thiền nên bài viết chỉ nói đến Thiền tông. Ở nước ta có hai truyền thống thiền học lớn đó là thiền Phật giáo Nguyên thủy và thiền Phật giáo Đại thừa. Trong mỗi truyền thống đều có các thiền phái nhỏ tuy cùng mục tiêu giác ngộ, giải thoát nhưng có những đặc trưng riêng khác biệt nhau.
Về thiền Phật giáo Đại thừa, hiện thiền phái Trúc Lâm (do Thiền sư Thích Thanh Từ lãnh đạo) được truyền thừa và tiếp nối mạnh mẽ trong các thiền viện thuộc hệ thống thiền Trúc Lâm có mặt trên toàn quốc và ngoài nước. Thiền phái Làng Mai (do Thiền sư Thích Nhất Hạnh lãnh đạo) khá thịnh hành trong nước và nước ngoài (với các trung tâm lớn ở Pháp, Đức, Thái Lan). Ngoài ra, còn rất nhiều chùa, viện chuyên tu tập và giảng dạy thiền Đại thừa.
Về thiền Phật giáo Nguyên thủy, tuy có mặt ở Việt Nam (trong cộng đồng người Kinh) khá muộn, từ khoảng giữa thế kỷ XX nhưng đến nay đã phát triển khá mạnh mẽ, có ảnh hưởng tích cực. Hiện có một số chùa thuộc hệ phái Nam tông (Kinh) dạy thiền Phật giáo Nguyên thủy (Vipassana) như chùa Nguyên Thủy, chùa Bửu Long, chùa Bửu Quang (TP.HCM); thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai); thiền viện Viên Không (Bà Rịa-Vũng Tàu); Huyền Không Sơn Thượng (Huế). Trong đó, có nơi tổ chức những khóa thiền 10 ngày do các thiền sư nước ngoài như Myanmar, Sri Lanka hướng dẫn.
Bên cạnh đó, thiền Vipassana, thiền phái S.N. Goenka (Ấn Độ) được giảng dạy tại Sóc Sơn (Hà Nội), Củ Chi (TP.HCM), tịnh xá Ngọc Thành, Thủ Đức (TP.HCM). Ngoài ra, tịnh xá Ngọc Đăng, Bình Thạnh (TP.HCM), chùa Hồng Trung Sơn, Tân Phú (Đồng Nai) cũng thường tổ chức dạy thiền Vipassana.
Như vậy, một người Việt phát tâm tu học thiền Phật giáo Nguyên thủy hay Đại thừa (tùy nhân duyên) đều có thể dễ dàng tìm hiểu và đăng ký tu học ngay tại trong nước, không cần vội ra nước ngoài. Sau khi tu học xong các khóa căn bản và nâng cao, người học thiền có thể du phương tham học nơi các bậc đại thiền sư tại các trường thiền hay những thiền viện nổi tiếng ở nước ngoài.
Còn việc bạn phát tâm tu hành là tốt nhưng đối với người có gia đình thì điều đó còn tùy thuộc nhân duyên, hội đủ duyên lành mới xuất gia được. Phải được sự hoan hỷ đồng thuận và sắp xếp ổn thỏa mọi thứ cho vợ con thì bạn mới được phép xuất gia.
Thiết nghĩ, bạn không nên quan niệm xuất gia tại thời điểm ấy (sau khi thu xếp ổn thỏa việc gia đình) là sớm hay muộn mà phải hoan hỷ chấp nhận với cái nhân duyên xuất gia của mình. Thậm chí có thể bạn không xuất gia được vì nhiều chướng ngại, gia duyên không thể nói trước được. Tuy vậy, đó không phải là trở ngại lớn, bởi cốt tủy của việc tu hành là thanh tịnh ba nghiệp ngay bây giờ và ở đây chứ không phải đợi đến ngày nào đó ở tương lai.
Buông bỏ tất cả để tu hành vốn không bị xem là ích kỷ, thậm chí đó là cao thượng nhưng rũ bỏ trách nhiệm trước một thực trạng gia đình ngổn ngang là không thể chấp nhận, đáng bị phê phán. Nếu xuất gia với tâm thái này thì cũng không thể tịnh tâm tu hành được. Buông bỏ là xả tâm với mọi dính mắc và chấp thủ, còn trách nhiệm với gia đình thì phải chu toàn. Thiển nghĩ, với người có gia đình thì gia đình là trên hết, tu thiền trong đời sống hàng ngày là ưu tiên, còn xuất gia thì tùy duyên.