Kiến thức
Buông xả hơn thua nhưng không im lặng
Thứ hai, 20/11/2020 05:02
Trong cuộc sống, dù khôn khéo hay thánh thiện đến mấy thì không một ai có thể tránh khỏi bị miệng lưỡi người đời chê trách, chỉ trích, gièm pha, thậm chí là mắng chửi. Ngay cả Đức Phật cũng còn bị người ta phỉ báng, mạ lỵ huống gì là mình. Có điều, trước những việc trớ trêu như vậy, chúng ta ứng xử thế nào?
Hành trang của người xuất gia: Ðức hạnh và trí tuệ
Pháp thoại dưới đây, Đức Phật đã chọn giải pháp im lặng khi vô cớ bị người mắng chửi. Ngài đi thiền hành, Bà-la-môn Kiện-mạ Bà-la-đậu-bà-giá theo sau chửi bới. Phật vẫn an nhiên với thiền hành, không ngoái lại cũng không đáp trả. Khi Phật thiền hành xong, dừng lại, Bà-la-môn ngỡ Phật đã thua nên không dám đối đáp. Phật xác định Ngài xả hết, không thua mà cũng chẳng hơn.
“Một thời Đức Phật ở trong giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, nước Xá-vệ. Bấy giờ buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến dưới bóng mát giảng đường, đi kinh hành giữa khoảng đất trống. Khi ấy có Bà-la-môn Kiện-mạ Bà-la-đậu-bà-giá, đến chỗ Phật, trước mặt Phật thốt ra những lời thô ác, bất thiện, mạ lỵ, chỉ trích. Thế Tôn kinh hành. Ông đi theo sau Thế Tôn. Khi Thế Tôn đã kinh hành xong, dừng lại một chỗ, Bà-la-môn nói:
- Cù-đàm! Bị thua chăng?
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Người hơn liền thêm oánNgười thua nằm không yênHơn thua đều buông xảLà được ngủ an lành.
Bức thông điệp từ con người của Đức Phật
Bà-la-môn bạch:
- Bạch Cù-đàm, nay xin sám hối! Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, ở trước mặt Cù-đàm thốt ra những lời thô ác, bất thiện, mạ lỵ, chỉ trích!
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1153).
Trước thị phi, Phật xả tâm, buông hết, không hơn thua với thế gian. Sở dĩ Ngài hành xử như vậy vì thấy rõ “người hơn liền thêm oán” và “người thua nằm không yên”. Hơn thua là điều quan trọng với người đời, có khi vì một chút hơn thua mà phải đánh đổi cả sinh mạng. Thắng thua là cội nguồn của mọi bất an. Đức Phật xả tâm, vượt thoát hơn thua của thế thường. Trước lời mắng chửi, Ngài xem như quà tặng. Nếu có người tặng quà mà mình không nhận, quà ấy sẽ về ai?
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Đức Phật cũng im lặng. Kinh Phật ghi lại rất nhiều trường hợp Ngài vận dụng tuệ giác để đối luận với những tà kiến, khai mở những đầu óc thiển cận và tâm niệm hẹp hòi, giúp người thấy được lẽ thật. Đức Phật tùy duyên mà vận dụng đại bi, đại trí, đại dũng chứ không phải lúc nào cũng im lặng.
Đặc biệt, pháp thoại này đã chỉ ra một điều rất đáng để suy ngẫm cho tình hình Phật giáo hiện nay. Bà-la-môn Kiện-mạ Bà-la-đậu-bà-giá trong khi hăng hái mắng chửi Đức Phật, thấy Ngài im lặng liền nghĩ rằng Phật thua, đuối lý, bị muối mặt vì ta nói quá đúng nên đành ngậm miệng. Hiện nay Phật giáo Việt Nam đang hứng chịu sự công kích, tàn phá, chỉ trích không nhiều thiện ý của những cơn bão truyền thông. Nếu Giáo hội tiếp tục im lặng, không có những ứng xử tích cực phù hợp sẽ là nguy cơ tạo cảm hứng cho các cuộc tập kích kế tiếp với cường độ mạnh và nhiều dã tâm hơn.
Đức Phật buông xả hết hơn thua, im lặng rất lâu nhưng cuối cùng Ngài đã nói lên bài kệ cảnh tỉnh, khai thị khiến cho người mê biết tỉnh thức, quay đầu. Thế nên, im lặng kiểu “mũ ni che tai” không phải là ứng xử Phật giáo. Thiết nghĩ Giáo hội cũng nên có ứng xử như Đức Phật, trong trường hợp đạo pháp bị xúc phạm, bị bôi nhọ chúng ta cần im lặng như Chánh pháp và nói năng như Chánh pháp. Ứng xử như vậy mới có thể bảo vệ được Chánh pháp, khôi phục lòng tin vào điều thiện, góp phần đem lại lợi ích cho nhân quần, xã hội.
Nếp sống lục hòa mang lại niềm hỷ lạc và lợi ích cho mọi người