Sống an vui
Buông xả là “TÂM BUÔNG”
Thứ năm, 15/12/2021 09:30
“Buông xả” mọi cảm xúc là cách duy nhất giúp chúng ta nhận diện được bản chất thật sự của chân tâm.
Khổ đau và hạnh phúc là hai mặt của cuộc sống, trong hạnh phúc có ẩn chứa khổ đau và trong khổ đau đã có sẵn hạt mầm của hạnh phúc.
Chúng luân phiên xuất hiện trong cuộc đời của mỗi người để dạy cho ta bài học rằng tất cả mọi cảm thọ đều là một phần của bản ngã.
“Buông xả” mọi cảm xúc là cách duy nhất giúp chúng ta nhận diện được bản chất thật sự của chân tâm.
Việc mắc kẹt, dính chấp vào bất kỳ trạng thái cảm xúc nào cũng sẽ đem tới sự bất an cho “tâm”. Vì niềm vui nào rồi cũng sẽ mất, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua, nên để có thể bình thản sống giữa thế gian “vô thường”, chúng ta cần học cách buông xuống mọi cảm xúc hình thành ở bên trong.
Mọi người thường nhầm lẫn giữa “buông xả” với hành động lảng tránh phiền nhiễu. Buông xả giúp con người giải quyết triệt để mọi áp lực tinh thần trong khi việc “né tránh khó khăn” chỉ là một cách giải toả tâm lý tạm thời. Khi một người sợ hãi điều gì đó, họ thường có xu hướng né tránh, không đối diện với thực tại, và họ nhầm tưởng hành động này là “buông xả”.
Một số người thường cố gắng “quên” đi những ký ức buồn trong quá khứ, quên một ai đó đã làm tổn thương mình. Nhưng càng ép buộc bản thân phải quên thì những tổn thương về mặt tinh thần sẽ đọng lại càng sâu trong tàng thức. Buông xả thực sự không phải là trốn tránh việc đối diện với nỗi buồn, mà phải tỉnh thức quan sát và không để tâm dính mắc vào những cảm xúc tiêu cực. Về bản chất, không một ai có thể mang đến phiền não cho ta, trừ chính bản thân ta. Mọi nhân tố bên ngoài đều chỉ xuất hiện với vai trò nhân duyên, thông qua quá trình tương tác, thái độ và cảm xúc của chúng ta được biểu hiện, nhờ đó ta biết mình đang buông xả, chánh niệm hay có xu hướng bám chấp níu giữ!
Phiền não và an lạc đều không có thật, chúng chỉ là những ảo tưởng do bản ngã tự tạo nên và khiến chúng ta dính chấp vào đó mà thôi. Có câu: “Tự do là ung dung trong ràng buộc còn hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Vậy nên giá trị thật của hai chữ “buông xả” nằm ở chỗ: làm mà như không làm, có phiền não mà như không có phiền não, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe nhưng không để tâm dính mắc vào bất kỳ điều gì, chỉ như vậy ta mới có thể quay về với cái tâm chân thật, rỗng lặng và vô vi.
Buông xả đích thực là TÂM BUÔNG chứ không phải buông về mặt hình thức. Một khi tâm còn dính mắc thì phiền nhiễu vẫn sẽ tới tìm. Chỉ khi nào chúng ta sống trọn vẹn trong từng phút giây thì mới có thể tham thấu được niềm vui mộc mạc, thanh đạm thật sự của một kiếp người!