Chùa Việt
Bút ký: Trở lại Tu viện Giác Hải chiêm bái bức tranh Kinh Phẩm Phổ Môn
Thứ bảy, 18/07/2023 01:23
Vào năm 2009, được sự hướng dẫn của Mẹ, Phật tử thọ Bồ tát giới Tâm Tấn, tôi đã ra đến Tu Viện Giác Hải (thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, cách TP. Nha Trang khoảng 60km) để chiêm bái bức tranh "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Phổ Môn".
Bức tranh nói về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát do "Cư sĩ Đặng Như Lan - quán xã Yên Đổ - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam (Bắc Việt) - Nhà ở phố Hàng Phèn - Hàng Bút - Hà Nội viết tại chùa Vĩnh Nghiêm - đường Công Lý - năm 1966 - Bính Ngọ”.
Bài viết bản Tranh Kinh độc nhất vô nhị này với đề xuất kỷ lục Việt Nam được gửi đến Báo Giác Ngộ (TP.HCM) và được chư tôn đức đăng trên báo giấy lẫn báo điện tử vào tháng 10 năm đó. Bức Tranh "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Phổ Môn" có chiều ngang 1,8m, cao 2,8m nếu tính luôn cả khung gỗ (phủ bì). Đo (lọt lòng) riêng bản kinh thì ngang 1,5m và cao 2,5m.
Vào năm 1956, HT. Thích Viên Giác - pháp danh Tâm Trí, pháp hiệu Chiếu Nhiên, một môn đồ xuất chúng của Bích Không đại sư (tức HT.Thích Giác Phong, chùa Hải Đức) - sau nhiều năm hoằng pháp khắp các tỉnh miền Trung và cao nguyên, đã chọn nơi đây để tạo lập nên một chốn già lam thanh tịnh mang tên Giác Hải. Tu viện kiến trúc đơn sơ, không nguy nga tráng lệ, không đồ sộ cầu kỳ, nhưng hiển hiện giữa một vùng hoang sơ thanh vắng vào thời điểm đó, đã nghiễm nhiên trở thành một danh lam của xứ Trầm hương Khánh Hòa. Đặc biệt nhất là điện thờ Quán Âm Nam Hải được kiến tạo ngay trên đỉnh núi, bên trái phía sau ngôi chánh điện, với thánh tượng Bồ tát bằng thạch cao trắng muốt đứng nhìn ra hướng Đông có vịnh Vân Phong biển xanh biêng biếc, mênh mang mây trời, đã đi vào huyền thoại với bao câu chuyện linh ứng nhiệm mầu…
Trở lại Tu Viện lần thứ 2, tôi có phước duyên bái yết Hoà thượng trụ trì Thích Tịnh Diệu, đệ tử của Hoà thượng khai sơn lập tự, bấy giờ đang là Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN huyện Vạn Ninh, được Ngài ban cho một xâu chuỗi đá quý đeo tay và đọc thơ của Ngài cảm tác cho nghe, trong đó có nhiều bài thơ được Nhạc sĩ Hằng Vang (1933-2021) phổ nhạc.
Lần thứ 3 tôi ra lại Tu Viện để bái Phật lễ Tăng là dịp bào đệ Vĩnh Thanh Bình cùng các học trò đang sơn sửa tô vẽ những tôn tượng chư Phật và Bồ tát, Thánh chúng.
Trở lại Tu Viện lần gần nhất là vào năm 2021, mục đích là kiểm chứng, bổ sung lại thông tin sử liệu của Tu Viện để góp bút vào quyển sách "Lịch sử Phật giáo Khánh Hoà" do chư tôn đức Ban Văn Hoá Tỉnh Giáo Hội Khánh Hoà thực hiện biên soạn, đồng thời tận mắt thấy những đổi thay mới mẻ thật nhanh chóng của quang cảnh Tu Viện qua từng năm tháng...
Lần này là lần thứ 5, ngày 15-7-2023 (nhằm 28 tháng 5 Quý Mão), tôi trở ra Tu Viện Giác Hải với công chuyện thật đặc biệt: hướng dẫn người cháu Nội, thay mặt cho thế hệ tử tôn của Cụ Đặng Như Lan - Pháp danh Tuệ Đăng ở Hà Nam, Hà Nội và nước ngoài, tìm đến tận nơi các tự viện có lưu trữ, còn bảo tồn những bức Tranh Kinh do Cụ công phu chấp bút đã thành kính cúng dường từ những năm xa xưa...
Người cháu nội của Cụ Tuệ Đăng từ Cộng hoà Séc về quê hương, đã lặn lội vào các tự viện ở Sài Gòn xưa mà Ông Nội đã từng sinh hoạt, tham gia Phật sự, vẽ tranh viết kinh cúng dường như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Phổ Quang, Phước Hoà... Nay, trước khi trở ra Hà Nội, đã ghé Nha Trang nhờ tôi hỗ trợ hướng dẫn ra Vạn Ninh để được chiêm bái Bản Kinh Phổ Môn đang còn được Tu Viện bảo quản trang nghiêm.
Thầy Thích Quảng Thuyết, là đệ tử của Hoà thượng trụ trì (hiện đang đi vắng, Rằm tháng 7 tới mới về) đã hoan hỷ, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho chúng tôi được thuận lợi tiếp cận bản Tranh Kinh, lên đồi bái lễ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Bảo Tháp của Tổ khai sơn, giới thiệu những công trình kiến trúc mỹ thuật, nghệ thuật đã góp phần làm cho chốn già lam thanh tịnh Giác Hải trở nên một danh thắng của Xứ Trầm Hương Khánh Hoà...
Riêng về bản Tranh Kinh Phẩm Phổ Môn, do đang được bảo quản treo tạm thời trong một gian phòng thiếu sáng, nằm trong khung kính, nhưng nếu bật đèn sáng hết lên thì càng khó cho việc chụp ảnh vì bị phản quang, vì vậy chúng tôi phải chụp ảnh quay video ở góc nghiêng góc xéo để né bóng chói, hoặc chụp cắt cận cảnh từng phần chi tiết của bản Tranh Kinh để lưu giữ làm tư liệu.
Thầy Quảng Thuyết đã có hứa rằng khi nào Tổ đường đang xây dựng trên đỉnh đồi hoàn thành, bức Tranh Kinh sẽ được đưa lên trưng bày ở gian tầng trên cùng với những di vật, kỷ vật của Tổ khai sơn, Thầy sẽ cho người chụp lại ở ngoài trời qua ánh sáng tự nhiên. Ngày đó chắc cũng không còn xa lắm. Mong lắm thay!
Chúng tôi vui mừng và an tâm, lòng nhẹ nhõm thư thả dạo quanh một vòng vãng cảnh chốn thiền môn đấy ắp thi ca và huyền thoại đến xế chiều mới rời khỏi 3 lớp cổng cửa rộng lớn của Tu Viện Giác Hải.