Kiến thức

Cách làm Phật tử chân chính trong thế kỷ 21

Thứ ba, 16/04/2023 08:30

Tôi luôn luôn nói với người Tây Tạng, cũng như người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Ladakh và tất cả những người theo đạo Phật ở vùng Himalaya – rằng hiện giờ, mình đang ở trong thế kỷ 21, nên chúng ta nên làm Phật tử của thế kỷ 21.

Audio

Điều đó có nghĩa là có kiến thức đầy đủ hơn về giáo dục hiện đại, khoa học hiện đại, và tất cả những điều này, và cũng sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng đồng thời cũng có tín tâm xác tín, trọn vẹn với giáo huấn của Đức Phật về lòng vị tha vô hạn, bồ đề tâm và tri kiến về tánh phụ thuộc lẫn nhau, pratityasamutpada [duyên sinh]. Rồi thì bạn có thể là một Phật tử chân chính, và cũng thuộc về thế kỷ 21.

Phật dạy về cách thức tu hành căn bản của hàng Phật tử

Ảnh: Bảo Tâm.

Ảnh: Bảo Tâm.

Gần đây tôi đã đến Nubra (Ladakh), và dừng lại trên đường để ăn trưa. Một số người địa phương đã đến – có một số người trong đó mà chúng tôi đã quen biết trong 20 hoặc 30 năm – nên tôi đã trò chuyện với họ. Tôi nói với họ rằng chúng ta phải là Phật tử của thế kỷ 21, và việc học hỏi cũng rất, rất là quan trọng. Rồi tôi hỏi họ, “Đạo Phật là gì?”, và họ nói, “Buddham saranam gacchami. Dharmam saranam gacchami. Sangham saranam gacchami. [Con quy y Phật, Pháp và Tăng.] Đó là đạo Phật.”. Điều này quá đơn giản. Sau đó, tôi hỏi họ về sự khác biệt giữa Phật, Chúa Giê-su và Muhammad là gì? Họ nói, ”Không có sự khác biệt.”. Điều đó không đúng. Là những bậc thầy vĩ đại của nhân loại thì họ đều giống nhau, nhưng khi nói về giáo lý của họ, thì có một sự khác biệt lớn, vì đạo Phật thì vô thần.

Một ngày nọ, tôi đã hỏi các bạn liệu đạo Phật có phải là một hình thức của thuyết vô thần hay không, và các bạn đã nói rằng thuyết vô thần (atheism) có nghĩa là “chống lại Thượng đế”. Đạo Phật không chống lại Thượng đế – đạo Phật tôn trọng tất cả các tôn giáo – nhưng đạo Phật là vô thần, theo nghĩa là không có đấng sáng tạo, không có khái niệm về đấng sáng tạo. Vì vậy, về mặt giáo lý, về mặt triết học thì có những khác biệt lớn giữa đạo Phật và các tôn giáo khác, nhưng những người dân làng này cảm thấy chúng đều giống nhau.

Điều đó nhắc nhở tôi có một lần ở Tây Tạng, một vị Lạt ma đang thuyết Pháp, và người ta hỏi ông rằng, “Tam Bảo ở đâu? Phật ở đâu?”, và ông đã im lặng một chút, rồi chỉ lên trời và nói, “Ồ, Đức Phật ở trong một cung điện pha lê trong không gian, có những ngọn đèn rực rỡ bao quanh.” Đó không phải sự thật. Nói một cách tối hậu thì Phật ở đây, trong tim của chúng ta, đó là Phật tánh.

Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với các bạn là chúng ta phải đi đến nền tảng thật sự của Phật pháp [giáo huấn của Đức Phật]. Giống như khi bạn có món ăn chính, là gạo hay bột, hoặc trong trường hợp của người Tây Tạng là tsampa, sau đó là một vài loại rau. Rau cải thì tuyệt vời, chúng rất tốt. Nhưng nếu không có món ăn chính, mà chỉ có một vài loại rau, chỉ có một vài món ăn phụ, thì không đủ. Và đây là điều rất quan trọng để hiểu.

loading...