Sống an vui

Cách nói: Có bao nhiêu cách nói

Thứ sáu, 30/07/2023 01:15

Có hai cách nói là nói cho hiểu và chỉ cho thấy. Vậy thì thế nào là nói cho hiểu và chỉ cho thấy?

Có hai cách nói: Nói cho hiểu và chỉ cho thấy.

1. Nói cho hiểu: Là cách diễn đạt về một mệnh đề để người nghe nhận hiểu và ghi nhớ.

2. Chỉ cho thấy: Là không diễn đạt hay nói thẳng về mệnh đề ấy, mà khéo dẫn dắt, gợi ý cho người nghe cảm nhận hoặc thấy ra, hay ra điều ấy nơi chính họ.

3. Ví dụ minh họa. Ví dụ khi nói cho mọi người biết định nghĩa Thiền là gì?

Nếu trong trường hợp “Nói cho hiểu” thì sẽ nói. Thiền: Tiếng phạn gọi là Thiền-na. Trung Hoa dịch là Tĩnh Lự. Nghĩa là làm lắng đọng các tư tưởng nghĩ suy của mình xuống thì gọi là Thiền.

Như vậy là có một định nghĩa về Thiền để hiểu, để ghi nhớ. Nhưng trong bản thân người học chưa thể thấy ra, nhận được Thiền là gì ngay nơi chính họ. Đó là nói cho hiểu chứ chưa thể cảm nhận, hay ra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cách thứ hai, không nói, không đưa ra trước mệnh đề về Thiền hay bất cứ gì cả. Chỉ đặt vấn đề bằng một sự dẫn dụ.

Hôm nào đó khí trời oi bức căng thẳng, người không được khỏe, trong nhà có việc xích mích không vui, ra đường gặp toàn những việc vớ vẩn không đâu, lên công sở, ra chợ bị đồng nghiệp bạn bè hiểu nhầm hoặc quấy phá... Khi ấy, nếu phải duyệt một tập tài liệu gì đó, hoặc đọc một cuốn sách hay phải xem một tờ báo, chúng ta sẽ bị lủng củng, không trôi chảy thông suốt tí nào. Đọc thì đọc chữ vậy thôi, chứ ý này cứ đá ý kia, rất khó tiếp thu một cách đầy đủ trọn vẹn. Cho thấy, nếu để những thứ lăng xăng lộn xộn của cuộc đời chi phối trong đầu thì sẽ làm cho trí tuệ bị mờ tối, con người không được ổn định.

Một hôm khác thức dậy với một sức sống tràn trề, mọi chuyện trong nhà ổn định, vui vẻ, khí trời mát mẻ dễ chịu, ra đường yên ả, mọi việc tại công sở đều được trôi tròn, đồng nghiệp thân thiện đáng quý. Nhân khi rảnh rỗi, cầm một tờ báo hay một quyển sách thích ý lên đọc sẽ thấy phấn khởi, suốt thông. Không những dễ hiểu mà còn hiểu sâu, phát minh ra những điều mới lạ, thâu gọn hết ý bài văn mà tác giả muốn chuyển tải trong đó.

Hoặc cả ngày tại công sở phải giải quyết rất nhiều công việc, hợp đồng… Cuối ngày về nhà ăn uống, tắm rửa xong xuôi. Vào phòng mát, trả lại sự yên tĩnh cho mình, liền sực nhớ ra, phát hiện nhiều điều còn sơ suất.

Cho thấy, khi tâm ổn định, tĩnh lặng, là lúc trí tuệ được phát huy đúng mức của nó. Ngay khi tâm tĩnh lặng, tinh thần tươi sáng, an định, trí tuệ phát huy đến mức cao tột; ngay đó là Thiền.

Từ dẫn dụ câu chuyện khiến người nghe ngỡ mình chỉ đang nghe một câu chuyện bình thường trong đời và gật gù cảm nhận từng phân đoạn, từng ý một. Cho đến khi đã đồng ý tất cả những dữ liệu đầy đủ; đã thẩm thấu và cảm nhận được điều ấy như đang thấy việc nơi mình. Quý Thầy liền buông một câu khẳng định để kết luận: “Ngay đó là Thiền”. Người nghe liền giật mình, ồ lên: “Thì ra là vậy. Trong mình đang có Thiền”.

Đây là cách “chỉ cho thấy”. Bằng cách này, người nghe không có cảm giác bị học Thiền, học đạo; mà nhận ra, hay ra Thiền và đạo ngay nơi mình, ngay đây, bây giờ. Mình đang cảm nhận rất rõ, thấy ra, hay ra chứ không vì ai, vì triết lý hay một mệnh đề nào đó áp đặt, bắt buộc phải hiểu và ghi nhớ. Cách này các Thiền sư thường sử dụng để khai thị, chỉ thẳng tâm tánh nơi hành giả tu Thiền.

Người có công phu chín muồi, tương ưng sẽ khéo ngay lời liền chợt nhận lại, ngộ ra bản tâm chân thật vốn sẵn nơi chính mình, chứ không gom lý thuyết, kiến thức còn sanh diệt, vọng động làm thứ của mình để phải dẫn đến sai lầm như đức Phật đã dạy: “Nhận giặc làm con”.

loading...