Sống an vui

Cách thoát khỏi ác mộng để có được giấc ngủ ngon!

Thứ sáu, 17/12/2023 03:39

Tình trạng gặp ác mộng khi ngủ đã trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi của rất nhiều người. Việc này gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như sức khỏe của người gặp ác mộng.

Audio

Vậy đâu là nguyên nhân tạo nên việc gặp ác mộng khi ngủ và làm cách nào để có giấc ngủ ngon? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết: “Cách thoát khỏi ác mộng để có được giấc ngủ ngon” qua lời chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Câu hỏi về việc ngủ mơ thấy ác mộng

Trong buổi chia sẻ với các bạn trong CLB Tuổi Trẻ Ba Vàng, bạn Thùy Trang đã gửi câu hỏi thỉnh Đại đức Thích Trúc Thái Minh giải đáp về vấn đề gặp ác mộng khi ngủ như sau: “Kính bạch Thầy! Con muốn hỏi vì sao mỗi lần ngủ dù ít hay nhiều, con đều gặp ác mộng? Có lúc còn mơ mình ăn thịt người và bị chết. Có lúc ngủ dậy toàn thân kinh hãi rồi khóc. Con rất là sợ! Con nghĩ, về đêm con là quỷ nên mới như vậy. Mong Thầy giúp con! Con phải làm gì để thoát khỏi những cơn ác mộng này? Con xin cảm ơn Thầy!”.

Về vấn đề này, Đại đức đưa ra nhận định: “Đúng là thời đại công nghiệp, xã hội phát triển, bệnh mất ngủ rất nhiều, không những là tuổi già mất ngủ, mà trẻ cũng mất ngủ. Và những cơn ác mộng cũng nhiều hơn, các con ạ”.

Yếu tố tâm linh cũng là một trong ba nguyên nhân dẫn đến cơn ác mộng

Yếu tố tâm linh cũng là một trong ba nguyên nhân dẫn đến cơn ác mộng

3 nguyên nhân chính dẫn đến việc mơ thấy ác mộng khi ngủ

Trong giấc ngủ của mỗi người thường xuất hiện những giấc mơ khác nhau, có những giấc mơ gây ra sự lo lắng, bất an; nhưng lại có những giấc mơ đẹp đẽ khiến ta cảm thấy nuối tiếc khi tỉnh dậy,... Vậy giấc mơ từ đâu mà hình thành?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thứ nhất, hàng ngày các con làm công việc gì thì tối cũng có thể xuất hiện giấc mơ về việc đó. Thứ hai là tâm trạng các con thường mong mỏi, mơ ước, ham muốn một điều gì, mà ham muốn nhiều, ham muốn mạnh mẽ, mãnh liệt thì sự việc ấy cũng sẽ xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta. Các con đang khao khát, ham muốn, ham thích một điều gì thì điều đó có thể trong giấc mơ, các con sẽ thấy để thỏa mãn được khao khát của mình. Nguyên nhân thứ ba là tâm các con lo lắng, sợ hãi, nơm nớp điều gì thì có thể trong giấc ngủ cũng xuất hiện sự kiện đó”.

Từ lời Đại đức giải thích, chúng ta có thể biết những giấc mơ trong khi ngủ được hình thành từ suy nghĩ, hành động, việc làm của mình thường ngày. Tuy nhiên, tình trạng gặp ác mộng khi ngủ mơ là do nguyên nhân từ đâu? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu 2 yếu tố sau đây:

1. Do yếu tố bên ngoài 

Thứ nhất, phòng ngủ bí bách, ngột ngạt và tư thế ngủ không hợp lý là một nguyên nhân dẫn đến những cơn ác mộng. Đại đức giảng giải: “Có những cơn mộng mị là do chính phòng ngủ và tư thế ngủ của các con không đúng. Ví dụ để tay lên ngực, đè vật nặng lên ngực khiến cho tim bị chèn ép. Hoặc là phòng ngủ của các con rất bí, không thoáng không khí, để quá nhiều máy móc hay điện thoại để cạnh đầu cũng khiến cho tác động lên giấc ngủ, giấc mơ. Tức là phòng ngủ không hợp với vệ sinh”.

Phòng ngủ không hợp vệ sinh có thể sẽ dẫn đến việc ngủ hay gặp ác mộng (ảnh minh họa)

2. Do yếu tố bên trong

Đại đức giảng giải: “Và một điều nữa rất quan trọng liên hệ đến thân thể chúng ta, đó là giấc mơ báo bệnh. Khi thân sắp sửa xuất hiện bệnh gì đó thì có thể được báo lên bằng một giấc mơ. Người ta bảo đấy là những giấc mơ dữ. Hoặc ví dụ, trong giấc mơ các con thấy đau tai, điếc tai, sáng hôm sau dậy ở tai có cái nhọt. Tức là giấc mơ báo về bệnh tật, các con ạ. Giấc mơ báo bệnh này cũng rất hay thường xuất hiện”. Qua những chia sẻ của Đại đức, chúng ta biết rằng có những giấc mơ điềm báo về bệnh tật, sức khỏe mà bản thân mỗi người phải hết sức chú ý đến điều này.

Điềm báo về bệnh tật, những điều không hay sắp xảy ra thường hay xuất hiện trong giấc mơ (ảnh minh họa)

Phương pháp tu tập thoát khỏi ác mộng để có giấc ngủ ngon

Những cơn ác mộng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, trước hết cần tìm hiểu xem việc mình hay gặp ác mộng là do đâu. Nếu xét thấy mình có vấn đề về bệnh lý, Đại đức đưa ra lời khuyên: “Ví dụ như nguyên nhân là sức khỏe, mình cũng đang thấy người mệt mỏi, căng thẳng đầu óc thì phải nghĩ cách điều trị về sức khỏe”.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân của những cơn ác mộng không phải do sức khỏe thì có thể đó là điềm báo về ác nghiệp, quả báo sắp đến với mình. Đại đức khuyên rằng: “Thứ nhất để chuyển hóa những giấc mơ ác nghiệp, ác mộng thì bạn phải tu tập. Bạn nên thường sám hối, lễ Phật và tụng kinh. Có những quyển kinh sám hối như kinh Từ Bi Thủy Sám, kinh Lương Hoàng Sám, Sám Hối Hồng Danh. Tại chùa mình có quyển kinh Nhật Tụng (Chư Kinh Nhật Tụng), các bạn có thể tụng quyển kinh này. Thứ nữa là nghe giảng Pháp”. Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, đối với những trường hợp có nguyên nhân do ác nghiệp tạo nên thì cần chuyển hóa bằng việc tinh tấn tu tập, sám hối, nghe giảng Pháp để có chính kiến trong cuộc sống; từ đó sửa mình, hành thiện bỏ ác.

loading...