Kiến thức
Cách trì tụng kinh Địa Tạng tại gia
Thứ ba, 20/04/2023 02:25
Nếu người Phật tử thực hành tụng kinh Địa Tạng đúng cách tại gia, họ sẽ thu được rất nhiều công đức lớn lao, đặc biệt là có thể hồi hướng đến người thân đã mất.
Tại sao nên trì tụng kinh Địa Tạng?
Sau khi Hoàng hậu Ma Da sinh Thái tử Tất Đạt Đa bảy ngày, bà đã qua đời và trở thành một vị chư Thiên trong cung trời Đâu Suất. Thái tử Tất Đạt Đa đã trở thành một vị vĩ nhân xuất chúng trên thế gian và sau này xuất gia tu hành, đạt được giác ngộ và được gọi là Thích Ca Mâu Ni. Sau khi trở thành một vị Phật, Thích Ca Mâu Ni đã hoằng truyền Phật pháp để giúp đỡ chúng sinh. Ngài đã giúp độ cho vua cha Tịnh Phạn và dòng dõi hoàng tộc Thích Ca. Trong mùa an cư kiết hạ cuối cùng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã lên cung Trời Đao Lợi và thỉnh thân mẫu từ cung Trời Đâu Suất sang để thuyết giảng Pháp cho mẹ Ngài, bằng cách truyền đạt bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Do sự nhân duyên đó, bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được coi là bộ kinh hiếu đạo.
Bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được xem là bộ kinh thiết yếu giúp hình thành đức tính và đạo đức cho người theo đạo Phật. Trong bộ kinh này, việc hiếu kính cha mẹ cùng với trách nhiệm phụng dưỡng sư trưởng được coi là nội dung trọng tâm.
Tâm điểm và chủ đề chính của Bộ Kinh Địa Tạng là tinh thần hiếu đạo và độ sinh. Hai yếu tố này tương đương và không thể tách rời. Bởi vì, để trở thành một người con Phật, ta không chỉ phải tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ của kiếp này, mà còn phải tri ân và tôn kính các tổ tiên từ nhiều kiếp trước đó, điều này nói rộng ra thì là tôn kính và yêu quý tất cả chúng sanh.
Nếu biết cách trì tụng kinh Địa Tạng tại nhà, chúng ta có thể học hỏi tấm gương từ bi rộng lớn của Bồ tát Địa Tạng. Bộ kinh này giúp ta nhận ra sự tương phản giữa tinh thần từ bi cao cả của Bồ tát Địa Tạng và sự đau khổ cùng cực của địa ngục, từ đó khơi gợi những suy nghĩ về việc từ bỏ tham sân si, tu tập những việc lành, giải trừ vô minh...
Điều này khuyến khích mỗi người hành đạo có thể tùy theo khả năng của bản thân để làm những việc lành, giúp đỡ cho các chúng sanh bị đau khổ. Ngoài ra, kinh Địa Tạng cũng tập trung vào nội dung hiếu thảo quan trọng, và phật tử cần tuân thủ những lời dạy ấy để hoàn thành nghĩa vụ của con cháu đối với cha mẹ và ông bà.
Cách tụng kinh Địa Tạng tại gia chuẩn nhất
Trước khi tụng Kinh Địa Tạng, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe.
Trong cách tụng kinh Địa Tạng tại gia, nếu muốn hồi hướng công đức cho người thân đã mất, Phật tử có thể khấn mời hương linh người quá cố cùng về nghe kinh với mình. Điều đó góp phần tạo duyên lành giúp hướng dẫn người thân quay về nương tựa giáo lý nhà Phật.
Trong lúc tụng, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh. Như vậy, chúng ta sẽ có được sự tập trung vào lời kinh để chiêm nghiệm một cách sâu sắc. Bởi, mục đích chính của tụng kinh kinh là để hiểu sâu nội dung kinh điển và vận dụng vào trong cuộc sống, từ đó mang lại lợi lạc cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đối với Kinh Địa Tạng cũng có cách tụng riêng biệt. Việc tụng Kinh Địa Tạng không chỉ giúp cho người còn sống được yên tâm, gia đình hòa thuận, bình yên. Tụng Kinh Địa Tạng trong ngày lễ tang, trong gia đình có người mất sẽ giúp họ được hướng dẫn trên con đường đi vào luân hồi. Chính vì thế tùy vào từng gia chủ và hoàn cảnh có những cách tụng Kinh Địa Tạng khác nhau.
Điều quan trọng khi tụng Kinh Địa Tạng là phải thể nhập được những ý nghĩa trong Kinh và ứng dụng, thực hành trong đời sống. Khi tụng Kinh Địa Tạng mà không phá trừ được kiêu mạn, không thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.
Lợi ích khi trì tụng kinh Địa Tạng tại gia
Xuyên suốt bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Đức Phật dạy cho chúng ta những phương pháp tu tập, thực hành bộ kinh này để mang lại lợi ích tốt đẹp cho bản thân và chúng sinh.
Đức Phật dạy rằng: “Trong đời sau, người thiện nam cùng thiện nữ nào thấy hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát và nghe kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục, vật báu mà bố thí cúng dường ngợi khen chiêm lễ thời kẻ ấy được hai mươi tám điều lợi sau đây”:
1. Các hàng Trời, Rồng thường hộ niệm.
2. Quả lành càng ngày càng thêm lớn.
3. Chứa nhóm nhơn vô thượng của Thánh.
4. Mãi không còn thối thất đạo Bồ Đề.
5. Đồ mặc món ăn dồi dào đầy đủ.
6. Những bệnh tật không đến nơi thân.
7. Khỏi những tai nạn về lửa và nước.
8. Không có bị hại về trộm cướp.
9. Người khác thấy đến sanh lòng cung kính.
10. Các hàng Quỷ Thần theo hộ trì.
11. Đời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.
12. Đời sau sẽ làm con gái các hàng Vương Giả, Đại Thần.
13. Thân tướng xinh đẹp.
14. Phần nhiều được sanh về cõi trời.
15. Hoặc làm bậc vua chúa.
16. Có trí sáng biết rõ những việc trong những đời trước.
17. Có mong cầu chi cũng được toại ý.
18. Quyến thuộc an vui.
19. Các tai vạ bất ngờ đều dứt sạch.
20. Các nghiệp về ác đạo đều trừ hẳn.
21. Đi đến đâu cũng đều không bị sự trở ngại.
22. Đêm nằm chiêm bao an ổn vui vẻ.
23. Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.
24. Nếu về đời trước có phước thời được thọ sanh về cõi vui sướng.
25. Các bậc Thánh ngợi khen.
26. Căn tánh lanh lợi thông minh.
27. Giàu lòng từ mẫn.
28. Rốt ráo thành Phật.
Đức Phật cũng dạy: “Lại vầy nữa, nầy Hư Không Tạng Bồ Tát! Như hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần ở hiện tại và vị lai nghe danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, hoặc nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Địa Tạng Bồ Tát mà ngợi khen chiêm lễ, thời sẽ đặng bảy điều lợi ích”, đó là:
1. Mau chứng bậc Thánh.
2. Nghiệp ác tiêu diệt.
3. Chư Phật đến ủng hộ.
4. Không thối thất Bồ Đề.
5. Bổn lực được tăng trưởng.
6. Việc đời trước đều rõ biết.
7. Rốt ráo thành Phật.