Sống an vui
Cách xử trí hiệu quả khi trẻ tức giận và cãi vã
Thứ bảy, 20/04/2023 11:16
Ngày nay, trẻ em thường bị quá phấn khích, quá tải hoặc quá căng thẳng. Chúng bị ép phải học mọi thứ từ khi còn bé và lớn lên trong nhịp điệu cuộc sống vội vã. Trẻ em luôn cần một chốn bình yên, nơi mà chúng có thể cảm thấy được che chở và chăm sóc.
Đồng thời, ngôi nhà nên là nơi trẻ em có thể giải quyết mọi xung đột, học được những thói quen tốt, trải nghiệm và theo đuổi “thực hành tâm linh” bằng cách dọn dẹp, giúp đỡ và chia sẻ với mọi người.
Đa số những bậc cha mẹ thời @ có cuộc sống rất bận rộn, vì thế họ khó giữ được bình tĩnh khi trẻ cãi vã, ăn vạ. Sau đây là những bí quyết và chiến lược để giúp các bậc cha mẹ ngăn được sự lộn xộn, các cuộc cãi vã và sự mỏi mệt theo nguyên tắc kiên trì và bình tâm, dù cho hiện tại đời sống tinh thần của bạn như thế nào.
Giải quyết xung đột ở trẻ
Mặc dù việc trẻ cáu kỉnh mỗi ngày vẫn được các bà mẹ xem như phản ứng bình thường trong các giai đoạn chuyển đổi tâm sinh lý, bạn cũng nên lưu ý một chút tới những vấn đề như: Những xáo trộn đang xảy ra trong gia đình, trẻ đang bước vào một thời kỳ khủng hoảng, căng thẳng giữa bố mẹ...? Tất cả những chuyện đó đều hoàn toàn có thể khiến trẻ thường xuyên cáu bẳn, sân giận. Tuy nhiên, hãy luôn suy nghĩ rằng mọi căng thẳng, xung đột trong gia đình giữa cha mẹ và con cái hay giữa trẻ với nhau là bình thường và hoàn toàn giải quyết được. Trải qua xung đột, thử thách, trẻ sẽ trưởng thành.
Khi một mâu thuẫn giữa trẻ nảy sinh, bạn hãy dừng lại một chút trước khi bị cuốn vào vở kịch của bọn trẻ. Hãy ngồi im một lát thôi để tự nhủ bản thân phải kiên nhẫn. Đừng phản ứng ngay lập tức. Những bài tập sau đây dựa trên nguyên tắc của nhà Phật để tiếp cận nỗi tức giận và mâu thuẫn hàng ngày theo các cách khác nhau.
Bài tập thực hành giải quyết mâu thuẫn: Trò chơi vòng tròn
Khi những đứa trẻ sân giận và phá phách, thường thì sẽ chẳng có ai lắng nghe chúng cả. Sự căng thẳng làm cho việc nói chuyện trở nên khó khăn. Trong thực hành thiền định, các bậc thầy vẫn thường dạy kỹ thuật tập trung vào hơi thở khi sân giận. Tất nhiên, làm được điều này rất khó, vì nó đi ngược lại phản ứng tâm lí bình thường của con người. Chúng ta có thể sẽ muốn hét lên “Để mặc tôi đi!", hoặc tiếp tục chiến đấu hoặc chui vào một góc nào đó. Nhưng đơn giản chỉ cần hít thở một chút để thay đổi, và chúng ta sẽ có thể lắng nghe nhau tốt hơn.
Khi con trẻ đánh lộn với người khác hoặc với bạn của chúng, các bậc ba mẹ như chúng ta rất dễ bị kéo vào cùng với mâu thuẫn của chúng. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng điều đình, hòa giải thì cuối cùng lại chuốc cho mình căng thẳng thêm. Thường thì, sau khi người lớn bỏ cuộc, bọn trẻ sẽ tự giải quyết được vấn đề của chúng.
Vì thế khi mâu thuẫn nảy sinh, hãy lùi lại một bước và ngẫm xem bạn nên hành động như thế nào. Bạn không cần phải dùng uy lực của mình để trấn át và ngăn chặn ngay cuộc đánh lộn không để chúng có cơ hội xảy ra. Bởi nếu làm như vậy, bọn trẻ sẽ không bao giờ hiểu được bản chất mâu thuẫn của chúng; và chúng sẽ mãi phụ thuộc vào người lớn để giải quyết vấn để của chính chúng.
Nếu lũ trẻ đánh lộn và réo tên nhau chửi, chắc chắn chúng muốn người lớn can thiệp. Thay vì cho chúng những gì chúng cần bằng cách đứng lên, can thiệp trực tiếp vào trận chiến giữa chúng, bạn có thể chỉ ngồi và nói lớn. Hoặc nếu chúng bất đồng về trò chơi hoặc một quy tắc nào đó, chúng nên được tự giải quyết với nhau.
Thay vì can thiệp ngay vào các cuộc đánh lộn của con, hãy dừng lại và lắng nghe. Điều gì đang xảy ra với bọn trẻ vậy? Chúng đang thực sự cần gì? Có thể cãi vã sẽ giúp bọn trẻ học cách đàm phán, tự mình quyết định chúng muốn gì và tự giải quyết mọi vấn đề của chúng. Cứ để chúng xộc xệch và xả hơi một lát. Hãy thở sâu, thông cảm cho chúng và để cho mọi thứ tự nhiên. Đừng lao vào trận chiến cùng với chúng để rồi tức giận vì bạn bị chính lũ trẻ cản lại. Nổi nóng là điều rất dễ hiểu, nhưng bạn hoàn toàn có thể ngồi yên với cảm giác đó một lúc mà, và bạn sẽ nhận ra rằng “Đúng, mình đang rất nóng giận, nhưng mình đã không để sự tức giận đó làm ra những chuyện không hay”. Và nhiều lần như thế, chính các con sẽ dạy cho bạn thực hành hạnh nhẫn nhục.
Khi mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát, và rõ ràng là năng lực đàm phán của bọn trẻ không đủ để tự giải quyết vấn đề của chúng, thì lúc này bạn có thể can thiệp. Nhưng hãy giữ sự bình tĩnh đã được “tôi luyện” trong bạn. Bình tĩnh phán đoán chuyện gì đang xảy ra. Bạn sẽ phải tách bọn trẻ ra bằng cách yêu cầu một đứa sang phòng khác chơi một lát. Nếu đứa trẻ tiếp tục đánh lộn và réo tên nhau mà chửi, thì bạn sẽ phải “hộ tống” đứa trẻ đó về nhà, và giải thích với nó rằng nó vừa phá vỡ quy tắc ứng xử. Nếu đứa trẻ đang ở nhà, hãy cho chúng “nghỉ ngơi” bằng cách ngồi im một chỗ để tự ngẫm lại những việc vừa làm và tại sao việc chúng làm là sai. Bạn hãy yêu cầu con trẻ làm tất cả những việc này một cách bình tĩnh và dịu dàng.
Một bài tập rất đơn giản là khi các con của bạn cãi vã với nhau hay với bạn bè của chúng, hãy bắt chúng ngồi lại với nhau thành vòng tròn. Hãy chuẩn bị một cái đũa hoặc một đồng xu để làm trò “cái đũa/đồng xu biết nói”. Cho bọn trẻ chuyền đũa cho nhau. Mỗi khi đũa đến tay ai thì người đó phải kể lại những gì đã xảy ra hoặc chúng đang cảm thấy như thế nào. Những đứa trẻ khác phải ngồi yên lắng nghe cho tới khi đến lượt mình. Như thế, tất cả mọi người đều được lắng nghe.
Góc thảo luận: Đức Phật có bao giờ tức giận không?
Chúng ta có thể sẽ trả lời ngay được rằng “Chắc là không”. Tuy nhiên, trên thực tế, đức Phật đã từng chia sẻ rằng: “Người đời vẫn cho rằng thực hành nhẫn nhục với người khác rất khó, nhưng sân giận cũng chẳng làm con người ta cảm thấy nhẹ nhàng chút nào”.
Đề Bà Đạt Đa, người anh em họ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, luôn nuôi lòng đố kị với đức Phật, liên tục tìm cách hãm hại đức Phật bằng thuốc độc và đẩy những tảng đá lớn vào Ngài. Tuy nhiên, dường như chẳng có gì có thể hại đến Ngài. Đề Bà Đạt Đa tự đắc rằng: “Nếu Phật có thể ăn tất cả chỗ thuốc độc đó, thì ta còn có thể ăn gấp đôi”. Thế rồi hắn ăn một lượng lớn thuốc độc để chứng minh điều hắn nghĩ, và hắn cận kề với cái chết. Đức Phật khi ấy mới nói: “Nếu ta không có một chút lòng thù hận và ghen ghét với Đề Bà Đạt Đa, ta luôn đối xử với Đề Bà Đạt Đa giống như với con trai ta La Hầu La vậy, thì Đề Bà Đạt Đa sẽ bình phục”. Quả nhiên, ngay lập tức, Đề Bà Đạt Đa hồi phục trở lại.
Điều mà những đứa trẻ có thể học được từ câu chuyện trên là chúng cũng có thể làm được như đức Phật, tức là có thể đánh thức trong chúng khả năng chuyển hóa sân giận, nuôi dưỡng sự kiên nhẫn và lòng yêu thương.
Trong mắt mọi người, mọi Phật tử và các hành giả của thời đại mới là những người luôn nở nụ cười nhân hậu, điềm đạm và quảng đại vô tư – với cái tâm trong sáng bay cùng với gió và luôn nói về tình yêu và ánh sáng. Bất cứ ai đang cố gắng nuôi dạy con nhỏ theo cách này hẳn phải hiểu được hình ảnh đó đã thay đổi nhiều như thế nào. Làm cha mẹ thực sự “mệt lử” về cả thể chất và tinh thần. Khi “tuyến phòng thủ” của chúng ta bị suy yếu, ta rất dễ nổi nóng với con cái.
Hãy để bạn được là chính mình. Sống tận tâm đúng nghĩa là người cha người mẹ theo con đường của đạo Phật (hoặc Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái) không có nghĩa là bạn lúc nào cũng phải giữ phong thái ung dung và vui vẻ mọi lúc mọi nơi. Bản chất ở đây là bạn luôn sống tận tâm về cả thể chất lẫn tinh thần, là bạn luôn ý thức được rằng “Hôm nay mình mệt mỏi căng thẳng quá. Mình không ổn chút nào. Nhưng mình sẽ cố không trút mọi điều đó xuống các con.” Đảm bảo rằng bạn sẽ tuyệt đối không bao giờ làm như thế, cả khi bạn phải giải quyết các đòi hỏi của con về đồ ăn, tiền bạc và sự quan tâm.
Bổn phận của cha mẹ là cố gắng làm mọi điều tốt đẹp nhất cho các con, để bớt các cơn giận chứ tuyệt nhiên không phải cố gắng hoàn hảo mọi lúc. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi các con mình sự hoàn hảo; chúng ta phải thấu hiểu tính cách của con mình và bao dung với những thiếu sót của chúng. Nếu bạn lỡ tức giận với con cái, cũng đừng quá tự trách bản thân vì điều đó. Đơn giản hãy thừa nhận rằng bạn đã sai. Hãy nói cho các con biết bạn cảm thấy như thế nào khi bạn nói ra được những điều bạn đã làm và nhắc chúng phải biết suy nghĩ về điều đó. Chỉ xin lỗi khi thực sự cần thiết. Lời xin lỗi không nên buông ra một cách dễ dàng và tùy tiện bởi nó sẽ dễ hình thành suy nghĩ nguy hiểm trong đầu con bạn rằng bạn đã giải quyết vấn đề không thỏa đáng hoặc chúng đã bị buộc tội. Hoàn toàn khác biệt khi bạn nói “Mẹ xin lỗi vì mẹ đã la mắng con” và “Mẹ đã thấy rất mệt mỏi và mất bình tĩnh, vậy nên mẹ mới la mắng con.” Câu đầu tiên sẽ chỉ khiến con bạn nghĩ rằng bạn đã sai và chúng đã đúng. Còn câu thứ hai lí giải được tại sao bạn lại hành động như thế, và câu này không có ý chỉ rằng con bạn đã đúng, nó chỉ nhấn mạnh rằng hoàn cảnh lúc đó không đúng mà thôi.
Cha mẹ nên xem lời xin lỗi như một cơ hội học tập dành cho trẻ. Nếu chúng ta nói xin lỗi một cách hợp lý, mỗi sai lầm chúng ta mắc phải có thể dạy cho trẻ nhỏ cách cư xử và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Hãy nhớ rằng dù có lần bạn quên không tham gia các bài tập tinh thần cùng con, bỏ lỡ một khoảnh khắc có thể dạy con được một điều quan trọng gì đó, hoặc bạn đã nổi nóng và thiếu kiên nhẫn với con, thì bạn vẫn phải bao dung với chính mình. Bạn sẽ tha thứ và yêu thương các con được không nếu như bạn không thể bỏ qua cho chính mình. Hãy nhớ, đây là bài tập về tinh thần, và bạn cần luyện tập – bạn sẽ không thể cư xử hoàn hảo mọi lúc, nhưng kiên trì luyện tập sẽ giúp bạn tiến bộ.
(Trích ấn phẩm: “Những đứa con của Phật”
Nguyên tác: “Karma Kids”
Tác giả: Greg Holden)