Hỏi - Đáp

Cái biết thường hằng sẽ đi đâu khi bị gây mê?

Chủ nhật, 07/12/2023 12:50

Hỏi: Chúng ta có cái biết thường hằng, bất sinh bất biến, nhưng khi chúng ta bị một tai nạn làm bất tỉnh, chẳng hạn như chúng ta bị chụp thuốc mê để giải phẫu, thì chẳng hiểu cái biết thường hằng đó nó đi đâu , xin Thầy hoan hỷ giải thích cho.

00

Đáp: 

Đây là câu hỏi trúng ngay cái ưu tư của tôi.

Quý vị biết, sở dĩ sức khỏe tôi yếu là vừa rồi tôi cũng mới qua lần giải phẫu, bị chụp thuốc mê.

Quãng thời gian chụp thuốc mê, tôi hoàn toàn không có cảm nhận gì hết, không biết gì hết.

Khi nằm trong phòng giải phẫu, bác sĩ vừa vỗ tôi một cái, ông lấy cái gì chụp lên mũi tôi, lúc đó tôi quên bẵng đi cho tới hồi nghe có người cũng vỗ mình, biểu phải mở con mắt ra, rồi kêu uống nước, chừng đó tôi mới sực tỉnh.

Thời gian từ khi chụp thuốc mê cho tới hồi kêu dậy, tối thiểu cũng phải hai tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn nữa.

Tôi nhớ lại trong kinh Phật cũng nói Bồ-tát cách ấm còn phải lo.

Cách ấm tức là khi mình bỏ thân này cho tới lúc nhận được thân sau, trong quãng đó chúng ta quên hết chuyện đời trước.

Ở đây nói riêng với người tu thiền thì thế này, chủ trương của người tu thiền là trí tuệ, tỉnh táo, sáng suốt.

Cho nên chủng Phật phải được phát huy để trí tuệ luôn phát sáng.

Ngay khi chúng ta còn mạnh khoẻ, nếu không cố gắng nhận cho được trí tuệ chân thật không sanh không diệt của mình thì khi các căn đóng lại, ta sẽ không còn cơ hội nhận kịp nữa.

Do vậy, trong trường hợp bị chụp thuốc mê là các căn tạm thời đóng lại, nên tánh biết không có chỗ hiển lộ ra ngoài.

Song không có nghĩa là nó không có.

Chỉ vì chúng ta chưa nhận và sống được với nó nên thân căn khép lại, ta có cảm giác mình không biết gì nữa.

Đối với người đạt đạo, nếu lìa rời thân tứ đại, tánh giác hòa cùng hư không trùm khắp.

Chỗ này phải thân chứng, không thể dùng suy luận mà biết được.

Nó không mất, chỉ không đủ duyên thì không hiển lộ ra thôi.

Điều này có thể minh chứng được, vì khi thuốc mê hết, có người lay dậy chúng ta liền biết.

Nếu tánh biết không sẵn có, làm sao mình biết được?

Nó là cái chủ đạo, cái sẵn có của mình, luôn hiển lộ qua sáu căn.

Nếu sáu căn tạm thời dừng hoạt động hay dừng hẳn thì tánh biết ấy sẽ trở về thể không lặng của nó, khi nào đủ duyên nó sẽ phát ra.

Chúng tôi chỉ có thể tạm giải thích như vậy, nhưng thật ra điều này chúng ta phải thân chứng mới biết một cách đích thực, không thể suy nghĩ mà hiểu được. Suy nghĩ tức không đúng.

Vì tánh biết vô tận nên lòng từ vô biên…

loading...