Kiến thức
Cái nhìn về nhân quả cũng thay đổi dần theo mức độ tâm linh
Thứ ba, 18/05/2023 08:30
Chúng ta bước vào giai đoạn “làm phước mà không cầu phước”, làm với tất cả lòng vị tha và tình thương yêu thật sự mặc dù vẫn biết rõ nhân quả, tin chắc nhân quả, ở giai đoạn này ta thấy tu như thế mới thật sự đúng.
Đầu tiên, khi chưa biết về nhân quả thì chúng ta thấy cuộc đời này là mạnh được yếu thua, ai khôn ngoan, có sức mạnh thì sẽ thành công, sẽ chiến thắng. Người nào sống hy sinh, nhường nhịn thì bị cho là dại dột, nhu nhược, không biết đấu tranh. Chân lý của chúng ta khi đó là “thành công nằm trong bàn tay và khối óc của mình”.
Đến khi đủ nhân duyên gặp được Phật Pháp chân chính, được các bậc minh sư chỉ dạy, cảm hóa thì chúng ta mới thấy “thành công thực sự có được là do một quá trình dài trước đó chúng ta đem hạnh phúc đến cho người khác”. Lúc này, quan điểm của ta đã thay đổi, đó là “sống trên đời phải biết hy sinh, nhường nhịn thì hạnh phúc và thành công mới tìm đến với mình”.
Khi đã biết nhân quả thì chúng ta bắt đầu chăm chỉ làm phước, nhưng “làm với tâm cầu phước”. Vừa cúng dường được 100 ngàn liền nghĩ ngày mai mua vé số biết đầu sẽ trúng 1 triệu. Hoặc khi bố thí người này, giúp đỡ người kia trong tâm thầm thầm mong những may mắn sẽ đến với chính mình. Như thế có nghĩa là người ta kiếm lời bằng kinh doanh ngoài xã hội, còn mình kinh doanh nhờ luật Nhân Quả.
Ta cứ cố gắng bố thí, làm phước nhưng là vì lợi ích của chính mình. Yên tâm rằng làm phước thì thế nào mình cũng có lời, cũng sẽ giàu. Đây là sự hiểu nhân quả ở giai đoạn thứ nhất.
Sau khi tu một thời gian ta mới vỡ lẽ ra là làm phước mà cầu phước là vị kỷ, là còn niềm tiềm ẩn nhiều đau khổ trong đó. Chúng ta bước vào giai đoạn “làm phước mà không cầu phước”, làm với tất cả lòng vị tha và tình thương yêu thật sự mặc dù vẫn biết rõ nhân quả, tin chắc nhân quả. ở giai đoạn này ta thấy tu như thế mới thật sự đúng. Ta hiểu rằng người nào dạy làm phước để cầu phước là dạy trật mà phải làm phước không cầu phước mới là chân lý thực sự.
Nhưng, đến khi trở thành Bồ Tát ta lại thấy làm phước mà không để ý tới quả báo lại là trật. “Làm phước phải để ý tới quả báo mới đúng”. Nghĩa là với tâm thanh tịnh của một vị Bồ Tát, hiểu rất rõ về nhân quả, về quả báo phía sau từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình và trước mỗi việc làm đều tính toán rất kỹ. Vậy điều này có mâu thuẫn gì không?
Ta thấy có hai hạng người làm phước mà có tính toán” thứ nhất là người mới biết nhân quả, bỏ ra 100 ngàn mong thu về 1 triệu và thứ hai là Bồ Tát. Nhưng cái tính toán của hai trường hợp này không hề giống nhau. Người mới biết nhân quả tâm còn loạn động nên khi làm phước thì tính toán cái lợi cho mình và sẽ rơi vào tham lam, ích kỷ, khổ đau. Còn Bồ Tát tâm đã thanh tịnh rồi, cũng tính toán tội phước nhưng không phải vì lợi ích của bản thân mà để giáo hóa chúng sinh cho hiệu quả. Cái tính toán này là vị tha, là vì chúng sinh. Rất khác nhau là như vậy.