Sách Phật giáo
Cám dỗ
Chủ nhật, 10/05/2015 09:47
"Tôi thật điên cuồng. Các thú vui của trần gian đã thấm nhuần, ăn sâu vào xương tủy tôi. Tôi biết rằng đời sống vật chất thật vô cùng ghê tởm, thật đáng sợ, đáng tránh. Nhưng này hỡi con người cao quý, tôi rất trìu mến nó và không thể từ bỏ nó được. Tôi chỉ cố gắng làm được một điều là tự nguyện luôn luôn phục vụ kẻ khác."
CHƯƠNG BẢY
CÁM DỖ
Dầu người say đắm nhục dục có ảo kiến thế nào đi chăng nữa thì đối với ai biết điềm tỉnh suy tư, khoái lạc vật chất quả thật là ngắn ngủi, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn và chỉ đưa đến kết quả không vui. Với người thế gian thì việc thâu nhập tài sản và hưởng thọ tài sản là hai điều vui lớn nhất, đối với bậc xuất gia chơn chánh, kẻ ấy không bao giờ thích thú chạy theo những khoái lạc tạm bợ và nhứt thời ấy.Đức Phật.
Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Đó là lời đức Phật khuyên răn các hàng đệ tử của Ngài, đó cũng là lời của những bậc tôn túc, trưởng thượng khuyên răn hàng đệ tử lớp sau này. Tôi đã từng nghe thầy tôi nhắc nhiều về câu này, và nó sẽ mãi mãi ở trong tôi như là một món quà quý báu mà thầy đã tặng cho. Nếu tôi vẫn còn đang có đủ niềm tin để tu học, để bước tới trên những đoạn đường chông gai của một bên là cám dỗ níu kéo, bên kia là sự giải thoát xa vời vợi, thì chính tôi đang mang theo bên người món quà quý mà thầy tôi tặng cho hôm nào. Đôi lúc món quà quý đó như là một phép lạ để thức tỉnh tôi, răn nhắc và thôi thúc tôi đi trên con đường đạo hạnh. Giáo pháp của đức Phật còn đó, lời thầy cũng còn đây, hai lời ấy đang hòa cùng ý thức trách nhiệm trong tôi để tạo nên một sự năng nổ hơn trong đời sống tu học hàng ngày, dù tôi phải sống xa thầy, xa bạn.
Trong cái thế giới huy hoàng và lộng lẫy của xã hội phương Tây, đời sống tu hành quả là một cái đích để những cám dỗ nhắm đến, là một người tu nên tôi phải cố gắng ý thức điều này. Nếu không ý thức để tìm một sự phản kháng trong mình, thì vô tình một ngày nào đó có thể tôi sẽ bị đời sống vật chất và cám dỗ nhấn chìm mà không có lối thoát. Đối với người thế gian thì hai chữ cám dỗ sẽ không là điều đáng sợ, vì từ ngoại cảnh như: sắc đẹp, âm thanh, mùi hương, danh vọng, tình yêu, ăn uống, xúc chạm .v.v.. chỉ là những điều tự nhiên và thường tình trong đời sống; bên trong với những phiền não, vọng tưởng khởi lên từ tâm tham, sân và si cũng chẳng làm họ lo lắng và để tâm. Thế nhưng với người tu thì từ ngoại cảnh bên ngoài cho đến những phiền não, vọng tưởng của nội tâm đều là những kẻ thù, những cám dỗ đáng sợ, vì nó có thể kéo người tu hành vào chốn đọa lạc ngay trong hiện đời, hoặc những kiếp sống về sau. Do đó đức Phật luôn luôn cảnh tỉnh đệ tử Ngài về những mối nguy hại của các cám dỗ này, thà chịu khổ, chịu đau hay bị hành hạ, cũng quyết sống cho thanh tịnh mà tu hành, quyết không để bị ô uế mà sổng với những cám dỗ thường tình của cuộc đời. Kinh Đại bát niết bàn đức Phật có nói:
"Này thiện nam tử. Thà dùng sắt nóng khoét đôi mắt này, chớ chẳng dùng nhiễm tâm mà nhìn sắc đẹp của người. Thà dùng dùi sắt mà đâm thủng hai lỗ tai này, chớ chằng dùng nhiễm tâm mà nghe tiếng hay giọng tốt. Thà dùng dao bén cắt bỏ lỗ mũi này, chớ chẳng dùng nhiễm tâm mà tham ngửi mùi hương. Thà dùng dao bén cắt rách lưỡi mình, chớ chẳng dùng nhiễm tâm tham vị ngon ngọt. Thà dùng búa bén chặt chém thân thể, chớ chẳng dùng nhiễm tâm tham chạm xúc êm dịu. Thà đem thân này nhẩy vào trong hầm lửa, trọn không hủy phạm giới cấm của ba đời chư Phật mà cùng tất cả người nữ làm điều bất tịnh. Vì sao? Vì những sự trên đây có thể làm cho nhà tu hành đoạ vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ".
Tại sao những thứ mà người thế gian cho là rất thường trong cuộc sống như ăn ngon, mặc đẹp, nghe những âm thanh hay, ngửi các mùi thơm, thấy các cảnh sắc đẹp hoặc tìm các cảm xúc êm dịu.v.v... mà đối với người tu đức Phật lại răn dạy khuyến giáo một cách thẳng thừng như thế. Tội lỗi hoặc xấu xa nào ở trong các thứ ấy khi mà con người sinh ra, chẳng mấy ai có thể tránh khỏi hoặc vươn mình lên khỏi những thứ cám dỗ ấy. Phải chăng những thứ ấy nhơ nhuốc, xấu xa, hay phải chăng tâm tham ái, si mê, nhiễm ô vào những thứ ấy là nhơ nhuốc xấu xa. Nếu tâm tham ái và nhiễm ô ấy là xấu xa thì quả thật là đáng sợ, nhất là nó còn hiện hữu và bám chặt trong tâm của mỗi con người trần thế. Nếu những người tu hành nhiễm trước tâm ấy, dễ duôi buông thả đời sống theo các ngũ dục bên ngoài để một mai phải bị đọa lạc vào chốn trầm luân, ác đạo; thì người thế gian khi cũng bị nhiễm và sống chìm đắm trong ngũ dục như vậy, chắc gì sẽ không bị đọa lạc vào khổ cảnh khi thân này mất đi.
Những ví dụ mà đức Phật dạy trong kinh quả là những ví dụ rất mạnh; đáng sợ có tính cách lay chuyển tôi thức giấc khỏi cơn mê tham lam và đắm trước vào cuộc đời, vào những thứ cám dỗ đầy mê hoặc của trần thế. Thế nên riêng tôi cũng thường hay mặc cảm, và có sự sợ hãi trong đời sống tu hành của mình là vậy. Sống tu hành ở những xứ Tây phương mà không bị cám dỗ nhấn chìm là một điều khó, mà bị sa đắm vào cám dỗ thì như đức Phật đã nói: "Thà chịu những hình phạt khốc liệt còn hơn tu mà mang đầy những nhiễm tâm bất tịnh." Do đó mà tôi quyết định rời bỏ những xứ phương Tây để sang Đông phương cầu tu học. Nơi xứ này có nhiều trợ duyên cho việc tu tập, cũng bớt đi nhiều cám dỗ chung quanh. Sống được ở xứ này tức là có thể sống được và gần hơn với những gì mà đức Phật đã từng chỉ dạy trong các kinh điển. Còn ở lại và phải sống giữa một môi trường đầy đủ sự quyến rũ của các cám dỗ trong những xã hội phương Tây, thì chắc gì một ngày nào đó tôi không khỏi buông xuôi. Đối với cám dỗ và đời sống vật chất, thì ngay cả một vị Bồ tát cũng thú nhận về sự bất lực của mình đối với nó. Trong kinh Bổn sanh vị ấy đã nói trước đức Phật Độc giác như sau:
"Tôi thật điên cuồng. Các thú vui của trần gian đã thấm nhuần, ăn sâu vào xương tủy tôi. Tôi biết rằng đời sống vật chất thật vô cùng ghê tởm, thật đáng sợ, đáng tránh. Nhưng này hỡi con người cao quý, tôi rất trìu mến nó và không thể từ bỏ nó được. Tôi chỉ cố gắng làm được một điều là tự nguyện luôn luôn phục vụ kẻ khác."
Đối với tôi thì những cám dỗ cuộc đời luôn luôn đi đồng nghĩa với sa ngã và khổ đau, nên do đó tôi rất sợ bị cám dỗ. Những cám dỗ đối với một người tu thì rất nhiều, nhưng đại loại có 7 thứ cám dỗ mà qua quá trình tu học và kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rất đáng sợ nên muốn trình bày ra đây. Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ (ngũ dục), tình yêu và lòng đam mê khát dục là những thứ cám dỗ mà tôi đã, đang và phải đối phó suốt cả cuộc đời. Đối phó một thời gian như mấy vị sư Thái Lan thì không phải là một vấn đề, vì họ chỉ đi tu vài ba năm rồi sau đó hoàn tục lập gia đình. Tuy nhiên để đối phó và ý thức vấn đề ấy trong suốt cuộc đời tu hành thì cần phải có một sự chịu đựng, kham nhẫn lâu dài. Thầy Nhất Chân trong một lần giảng, thầy có nói:
"Người tu hành là người có sự kham nhẫn cao nhất, vì nếu không có sự kham nhẫn thì họ không thể mặc và giữ chiếc áo tu này suốt đời".
Sau một thời gian tu tôi mới thấy điều này thật đúng làm sao. Có người nói: tu hành thì giai đoạn khó nhất chính là thời gian khi còn trẻ, vì còn trẻ nên rất dễ bị những cám dỗ cuộc đời như: tài sắc, tình yêu, danh lợi quyến rũ. Nhưng cũng có người nói: tu khó nhất là khi về già vì thời gian ấy những người tu đã có đầy đủ danh lợi như: Thượng tọa, Hòa thượng, có đầy đủ tiền bạc, vật chất và chùa chiền làm sở hữu nên dễ bị quyến rũ. Riêng đối với tôi thì giai đoạn nào trong đời sống tu hành cũng có những khó khăn và thử thách chồng chất; khi thì bị cám dỗ từ những vật chất, ngoại cảnh bên ngoài lúc còn trẻ, khi thì bị phiền não của tâm tham danh, tham lợi, bên trong khởi lên khi về già. Do đó có thể hiểu rằng, cám dỗ chính tự nó có muôn vàn bộ mặt khác nhau; khi ẩn khi hiện, khi bên ngoài, khi bên trong, nên thật khó mà biết ngoại trừ người tu ấy phải có sự giác tỉnh, có trí tuệ để phân biệt, để thấy và phải nhớ lấy mục tiêu tối hậu của mình là cầu giải thoát giác ngộ và làm lợi ích cho tha nhân. Không có được những điều này thì người tu có thể bị dễ duôi, tha thứ, bỏ qua lấy mình khi bị cám dỗ lôi cuốn và dần dần sẽ chấp nhận nó như người đời đã chấp nhận.
Một bậc thầy tâm linh vĩ đại cũng là một nhà thần bí Tây Tạng, ngài Terton Sogyal nói:
"Tôi không khâm phục gì một người có thể biến hóa được lửa ra nước, đất đai ra vàng bạc. Nhưng với người biết chế ngự và giải tỏa những tính tình tiêu cực bên trong, tôi chắp tay mà lạy".
Các bậc thầy và ngay cả đức Phật đã cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của sự tu hành, đơn giản, tầm thường nhưng thiên nan vạn nan. Sự tu hành chính là sự thay đổi có tính cách chế ngự và chuyển hóa bên trong mỗi con người. Thay đổi những điều đáng phải thay đổi, chế ngự và chuyển hóa những điều đáng chế ngự và chuyến hóa. Con người khi không biết sống với những sự thay đổi, chế ngự và chuyển hóa lấy chính mình, thì tự giá trị và ý nghĩa đời sống của một con người đã là đánh mất. Tuy nhiên sự chuyển hóa này lại thường khi lặng lẽ, âm thầm, chẳng có sự phô trương để con người và thế giới bên ngoài biết. Thế nhưng trong sự lặng lẽ âm thầm ấy tôi được học và hiểu rằng, đây mới chính là những gì cao cả và ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Cái khó mà đức Phật và ngài Terton Sogyal nói đến là cái tâm biết chế ngự, tâm biết chuyển hóa, và tâm biết chịu đựng sống trong lặng lẽ âm thầm.
Trong những phần trình bày sau về những cám dỗ mà người tu phải đối mặt, tôi chỉ trình bày với những hiểu biết giới hạn của mình. Do đó không tránh khỏi nhiều sự thiếu sót và chủ quan. Dĩ nhiên khi trình bày một vấn đề, nhất là trình bày cho nhiều người đọc ta nên trình bày theo khách quan thì vẫn hơn. Tuy nhiên ở đây tôi lại muốn trình bày theo cái nhìn và những suy tư chủ quan của tôi về vấn đề. Vì sao? vì những cái nhìn và sự suy tư chủ quan này đã đánh dấu và tạo cho tôi sự vững tin hơn trong thời gian mười năm tu học đã qua. Nó đã góp phần vào sự hình thành một nền tảng căn bản, có thể nói rằng một nền tảng căn bản nhận thức để người tu hành có thể được tồn tại trọn vẹn suốt trên con đường phấn đấu tự thân để đi đến quả vị giải thoát cuối cùng. Thế nên tuy mang cái nhìn và sự suy tư chủ quan về vấn đề, nó vẫn có những giá trị tốt đẹp của nó để người đọc có thể suy tư và chiêm nghiệm lấy chính mình.
Còn nữa...
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện
Còn nữa...
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện