Đức Phật
Cảm nhận về Đức Phật Quan Âm và phẩm Phổ môn
Thứ bảy, 16/05/2020 01:43
Phật Bà Quan Âm, hay Bồ tát Quán Thế Âm, là hình ảnh quá quen thuộc và thân thương của tín đồ Phật giáo ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam.
> Vì sao có tượng Quan Âm ba mặt trong Phật giáo?
Đối với Phật tử Trung Quốc, đó là hình ảnh một phụ nữ mỹ lệ mặc áo choàng trắng, với khuôn mặt đoan trang hiền dịu, một tay cầm bình nước Cam Lồ, một tay cầm nhành dương liễu, đứng uy nghiêm trên tòa sen, nơi rừng trúc tía ở biển Nam Hải. Còn ở Việt Nam, hầu như chùa nào cũng dựng tượng Đức Phật Quan Âm theo hình ảnh đó trước sân chùa. Đặc biệt là có những pho tượng vô cùng to lớn, như tượng Đức Phật Quan Âm của chùa Linh Ứng, thành phố Đà Nẵng. Sự thờ cúng Đức Phật Quan Âm trong dân gian đã phổ biến đến mức hầu như nó có thể tách ra khỏi khối tín ngưỡng Phật giáo để trở thành một tín ngưỡng độc lập. Với pháp hiệu “Đại Từ Đại Bi, Cứu Khổ Cứu Nạn”, Ngài được xem là biểu tượng của sự cứu rỗi, luôn sẵn sàng hiện ra muôn nghìn thân tướng thích hợp để cứu giúp chúng sinh đắm chìm trong bể khổ. Ở Trung Quốc, Đức Phật Quan Âm thậm chí còn là vị Bồ-tát mang đến niềm vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Thậm chí trong văn học Trung Quốc, khi nói đến hai chữ “Bồ-tát” là người ta liên tưởng ngay đến Đức Phật Quan Âm. Nhưng lâu nay vẫn có không ít các cuộc tranh luận liệu Đức Phật Quan Âm là vị Phật có thực hay chỉ là một sản phẩm tưởng tượng? Đã có khá nhiều bài viết về vấn đề này, ở đây tôi chỉ xin trình bày những suy ngẫm nhỏ của mình, qua những gì cảm nhận được từ những trang kinh Phật.
Sự tồn tại của Đức Phật Quan Âm đa số là dựa vào truyền thuyết. Những người tin rằng Đức Phật Quan Âm là một nhân vật lịch sử thì cố dẫn chứng trong kinh điển để chứng minh rằng Ngài có thật. Nhưng rất tiếc là hiện nay không có một sử liệu đáng tin cậy nào nói về xuất thân của Ngài, dù những tín đồ tin Đức Phật Quan Âm là một nhân vật lịch sử còn cho rằng trong một kiếp nào đó, Ngài đã từng là thái tử của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến. Thậm chí, người ta còn cẩn thận ghi lại các ngày kỷ niệm như ngày 19-2 là ngày vía Đức Phật Quan Âm đản sinh, ngày 19-6 là ngày Ngài thành đạo, ngày 19-9 là ngày Ngài xuất gia.
Cảm niệm về 12 đại nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm
Những người không tin Đức Phật Quan Âm là một nhân vật lịch sử thì yêu cầu phải có chứng cứ trong sử liệu xác thực, không phải một mà là nhiều và có giá trị đối chứng, để chứng minh cho sự tồn tại của Ngài. Nhưng đôi khi sử liệu chưa hẳn đã là bằng chứng có giá trị và mang tính thuyết phục để chứng minh sự tồn tại của một nhân vật nào đó trong lĩnh vực tâm linh hay tôn giáo. Chính sự hiện hữu trong huyền thoại lại mang thêm sức mạnh tâm linh của những nhân vật có năng lực siêu nhiên. Thử hỏi có một tư liệu hay sử liệu nào nói về Chúa Jésus, ngoài những gì được môn đồ Ngài ghi chép lại trong Tân ước vào mấy trăm năm sau? Vậy liệu các học giả có thể dùng “tinh thần khoa học” để phản bác hoặc nghi ngờ sự tồn tại của Chúa Jésus chăng?
Những người cho rằng Đức Phật Quan Âm là một nhân vật tưởng tượng hoang đường, để củng cố lập luận của mình, còn cố dựa vào uy tín của các tu sĩ nổi tiếng để viện dẫn bằng chứng cụ thể là trong thiền viện của Thiền sư X. hay tự viện của Hòa thượng Y., v.v... hoàn toàn không có thờ Đức Phật Quan Âm. Để rồi từ đó khẳng định rằng Đức Phật Quan Âm không có thực. Lập luận và suy diễn kiểu đó chẳng khác nào một nhà nghiên cứu âm nhạc thấy nghệ nhân quan họ hoặc ca sĩ cải lương không bao giờ hát nhạc opera nên khẳng định dòng nhạc opera không có thực!
Tôi cho rằng các cuộc tranh luận đó đều vô nghĩa và không đáng để quan tâm, ngoại trừ những sử gia muốn tìm chứng cứ theo quan điểm sử học, vì những người tranh luận không phân biệt giá trị lịch sử với giá trị tâm linh.
Phật giáo chủ trương khước từ thế giới của chư thần, chỉ dạy chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu vào bản chất Như Thực của cuộc sống để đạt đến trạng thái giải thoát. Không hề có Thượng Đế hay một Đấng Cứu Thế toàn năng nào can dự vào quá trình tu tập đó cả. Chính vì thế mà có nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo. Có một đôi người bắt bẻ rằng Nghiệp trong Phật giáo thực ra cũng chỉ là tên gọi khác của Thượng Đế mà thôi, vì Nghiệp chi phối toàn bộ cuộc sống, song họ quên mất một điều là tuy Nghiệp cũng “toàn năng” như Thượng Đế, nhưng nó vận động theo luật nhân quả chứ không có ý chí như Thượng Đế của những tôn giáo hữu thần. Dù Phật giáo chủ trương “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, vậy mà trải qua hàng ngàn năm truyền giáo, vô số chư vị Bồ-tát quảng đại thần thông cùng vô số chư thần lại lần lượt được sản sinh ra trong giáo lý Phật giáo. Không riêng gì Đức Phật Quan Âm mà hầu như mọi vị Bồ-tát trong giáo lý Đại thừa cũng đều xuất hiện từ cuộc hôn phối giữa Phật giáo với các tín ngưỡng bình dân bản địa và yêu sách của tâm linh, trong quá trình truyền bá. Các vị Bồ-tát đó xuất hiện khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới để đáp ứng lại tín ngưỡng bình dân của đại chúng. Đức Phật Quan Âm là biểu tượng của Đại Bi, cũng như Bồ-tát Văn Thù là biểu tượng của Đại Trí trong kinh điển Đại thừa.
Thử hỏi có bao nhiêu Phật tử tiêu hóa nổi tư tưởng Duy thức? Có bao nhiêu Phật tử cảm nhận được những giáo lý cao siêu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” của Bát-nhã Tâm kinh, hay “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim cương? Đâu phải Phật tử nào tìm đến Phật giáo cũng đều mong cầu giác ngộ hay giải thoát, mà đa số tín đồ lại là đại chúng bình dân luôn cần một điểm tựa trong đời sống tinh thần để hướng đến cõi thiện, mà không cần phải hiểu biết những giáo lý cao thâm. Họ cần có một Đấng Thiêng Liêng Thần Thông Quảng Đại, thương yêu chăm lo cho họ như một người Mẹ Hiền trong những tình huống ngặt nghèo, để giúp họ vượt qua được những khổ nạn trong cuộc sống, mà khoa học và tiền bạc cũng không giúp được gì. Bản chất con người đa số là yếu đuối. Dũng mãnh tiến bước để vượt qua bao nỗi khổ đau trên đường tu tập, điều đó có lẽ chỉ dành cho những bậc thượng căn. Dù là tôn giáo đòi hỏi đến tự lực và trí tuệ, nhưng Phật giáo không thể ngoảnh mặt trước sự khổ đau của bao chúng sinh yếu đuối. Liệu luận sư vĩ đại như Bồ-tát Long Thọ với những tác phẩm thâm diệu về tánh Không, hay Bồ Đề Đạt Ma với tông chỉ “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật ”, v.v... có giúp được gì cho những chúng sinh căn cơ chậm lụt nhưng đang khát khao cần đến sự an lạc tâm linh? Đức Phật Quan Âm xuất hiện chính là để đáp ứng cho nhu cầu đó. Ngài không bước ra từ lịch sử, mà bước ra từ khát vọng tâm linh tiềm ẩn trong vô thức của muôn triệu chúng sinh qua rất nhiều thế hệ. Đức Phật Quan Âm, cũng như nhiều hình tượng Bồ-tát khác trong Phật giáo, đều là “phương tiện thiện xảo” trong lộ trình hóa độ chúng sinh.
Với tôi, tất cả các tượng Phật đều là ngẫu tượng, nhưng khi ta chí tâm đảnh lễ trước tượng Đức Phật Quan Âm hoặc Phật A Di Đà thì đó là lúc ta có cơ duyên đối diện với cảnh giới tâm linh siêu nhiên. Ta không phải đang cúi lạy trước các ngẫu tượng mà chính là đang lễ bái thế giới tâm linh trang nghiêm trong ta. Lý trí sẽ khép lại để cho thế giới tâm linh hiển lộ. Đức Phật Quan Âm hay Đức Phật A Di Đà đều không có thực theo ý nghĩa lịch sử của thế tục, nhưng lại vô giá về phương diện tâm linh. Sợ hãi để giữ tâm trang nghiêm trước những điều huyền ẩn là thiên hướng tâm linh thường tình của con người. Người nào từng đứng một mình trước biển giữa đêm khuya vắng lặng giữa tiếng sóng vỗ ì ầm vào gành đá, hoặc từng lắng nghe tiếng gió rít từng cơn giữa canh khuya ở một nơi đìu hiu cô tịch sẽ hiểu được cảm giác kỳ diệu đó. Cái hùng vĩ bao la đầy bí ẩn của trời đất khiến ta kinh sợ, nhưng điều đó có thể giúp tâm thức con người hướng đến những điều thiêng liêng tốt đẹp, và tạo nên những cảm xúc cho thi ca, nghệ thuật, và cho cả tôn giáo. Nhưng tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên từ cõi huyền ẩn đó để cầu xin ơn phước hay tài lộc là điều cực kỳ nhảm nhí từ tâm lý mê tín của những người mê muội.
Chiêm ngưỡng tượng Phật Quán Thế Âm tư thế ngồi bằng ngọc Nephrite kỷ lục Việt Nam
Cho dù Đức Phật Quan Âm chỉ là biểu tượng tâm linh chứ không phải là nhân vật lịch sử theo cách hiểu của thế tục, nhưng ta thử xem diệu dụng của việc niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm qua những gì được trình bày trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa:
Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được ly dục.
Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được lìa lòng giận.
Chúng ta dễ chấp nhận điều đó, vì khi một tín đồ chí tâm niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm thì những điều trên có thể sẽ ứng nghiệm. Nhưng đối với những đoạn sau:
Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thì dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy liền được thoát khỏị...
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.
(Bản dịch của HT.Thích Trí Tịnh).
Chỉ những ai ngây thơ lắm mới tin được những điều nói trên theo nghĩa đen. Nếu ta cứ “y kinh giải nghĩa” thì thấy toàn là những điều phi lý, thậm chí là mê muôi. Bị côn đồ tấn công, nếu không có khả năng tự vệ, dầu có niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm một ngàn lần, chắc chắn vẫn bị tổn thương. Còng số 8 khóa vào tay thì dầu có niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm một vạn lần đi nữa, vẫn không tài nào có thể thoát được. Đó là thực tế. Nhưng đối với những tín đồ thành tâm tin tưởng vào oai lực của Đức Phật Quan Âm thì đoạn kinh trên lại là những lời rất thật. Năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Diệu dụng của lời kinh chỉ diễn ra trong thế giới nội tâm, chứ không phải trong thế giới thực. Lúc thọ nạn mà ta giữ được tâm an lạc, tự nhiên ta sẽ không còn sợ hãi, xem mọi biến cố nhẹ tựa lông hồng. Tâm an lạc đó sẽ hóa giải hết mọi khổ đau và chướng ngại trong đời. Có gì trên cõi đời này có thể làm tổn hại được một người có tâm an lạc và vô nhiễm? Và niệm danh hiệu Đức Phật Quan Âm là phương tiện để đạt đến trạng thái an lạc và vô nhiễm được mô tả trong kinh. Vị Bồ-tát viết kinh hẳn viết ra những lời trên từ cảnh giới đó, qua hình tượng Đức Phật Quan Âm.
Thuở tôi còn nhỏ, cứ vào ngày rằm hàng tháng, Má tôi luôn lên một ngôi chùa địa phương để tụng kinh. Và Má tôi thường dẫn tôi theo. Trong các buổi tụng đó thường có đọc phẩm Phổ môn. Hình tượng Đức Phật Quan Âm ngày đó hiện ra trong tâm hồn trẻ thơ của tôi như một Đấng Toàn Năng. Giống như một vẻ đẹp hùng vĩ trong nghệ thuật. Về sau, đọc thêm đôi chút kinh sách, tuy hiểu rằng Đức Phật Quan Âm, cũng như nhiều vị Bồ-tát khác, đều không tồn tại trong lịch sử theo cách hiểu của thế tục, nhưng các vị vẫn luôn hiện hữu trong thế giới tâm linh, và huyền lực từ những trang kinh Phật đối với tôi vẫn không thay đổi. Đó là điều kỳ diệu mà bản thân tôi luôn cảm nhận được, nhất là trong giai đoạn dịch những tác phẩm liên quan đến Phật học. Và tôi cảm nhận được rằng cái thế giới bị chia cắt bởi không gian và thời gian, mà ta cho là thế giới thực này, chưa chắc đã là SẮC, mà cái thế giới tâm linh kia chưa hẳn đã là KHÔNG.
Không chỉ các học giả, thậm chí vẫn có không ít những tu sĩ Phật giáo, vì muốn cổ xúy cho giáo lý của tông phái mình, đã tìm mọi cách để chứng minh và khẳng định rằng Đức Phật Quan Âm chỉ là một nhân vật hoang đường, không có thực trong lịch sử, để từ đó khẳng định rằng tín ngưỡng Quan Âm hoàn toàn không có giá trị về phương diện tôn giáo. Những người đó, dù được tiếp xúc với kinh điển Phật giáo, nhưng hầu như chỉ tin vào sử liệu thành văn và những gì mà lý tính cảm nhận được. Đối với họ, dường như chỉ có những gì lý tính hiểu được và chứng minh được bằng sử liệu mới là thực hữu. Điều đó hoàn toàn đúng trong sinh hoạt đời thường của thế tục. Nhưng thử hỏi lý tính của con người là gì trước cõi thời không vô tận vô biên? Những ai chưa hiểu được giới hạn của lý tính và chưa từng cảm nhận được sự mênh mông thâm diệu của thế giới tâm linh, hãy cùng thử lắng nghe Đại sư Suzuki trả lời những người cực đoan cho rằng Đức Phật A Di Đà chỉ là một nhân vật hoang đường, không có thực trong lịch sử:
Nghiên cứu A Di Đà, nhiều người ghép Ngài vào dòng sử; trên quan điểm sử học, họ coi sự tích A Di Đà như hoàn toàn hoang đường, không đáng chú ý, hơn thế nữa không có một giá trị tôn giáo nào. Với những học giả ấy, người Phật giáo có thể hỏi: Thế nào là sử? Thế nào là nhân vật sử? Tại sao cái thế giới chia cắt bằng thời gian này của giác quan lại thật hơn, đáng tin hơn thế giới của tâm siêu việt ngoài giới hạn của không-thời? Thế giới tâm linh phải chăng chỉ do tâm ảo giác tạo ra, chẳng đáng tin chút nào? Thử hỏi, năm 1946 có thật hơn năm zêrô không, hoặc năm vô phương kể, chẳng hạn như “a-tăng-kì kiếp?” (Suzuki, Cốt tủy của đạo Phật, Trúc Thiên dịch, NXB.Hồng Đức, 2015, tr.98-99).
Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm
Sự tồn tại của Đức Phật Quan Âm cũng thế. Sự tồn tại của Ngài là sự tồn tại trong thế giới tâm linh phi thời gian. Những tín đồ tin vào sự linh ứng của Đức Phật Quan Âm vẫn luôn xem Ngài có thật và sống thật, và luôn tồn tại trong dòng lịch sử thế tục cũng như trong thế giới tâm linh siêu việt tục trí. Ngài vĩnh viễn là Đấng Hằng Hữu Toàn Nhiên Thị Hiện để lắng nghe tiếng kêu thương của vô lượng chúng sinh. Trên thực tế, từ niềm tin vào sự linh ứng, những tín đồ còn đón nhận được nguồn sinh lực và sự an lạc từ Ngài, vì cái thế giới tâm linh đó mở rộng tâm thức để con người thăng hoa với những cảm nhận thâm viễn và khát vọng siêu nhiên, khiến cuộc sống bớt nhọc nhằn và tăng thêm ý vị. Những tâm hồn khổ đau sẽ tìm được bình yên trong giọt nước Cam Lồ, những nỗi khổ nhục trong đời sẽ được xoa dịu bởi một nhành dương mềm mại. Đó là vẻ đẹp nhân văn. Nhưng nếu con người đem thói mê tín để bôi bẩn cái thế giới đó bằng những trò cầu xin tài lộc, hoặc đem cái tục trí thô thiển của mình để phá hủy cái thế giới tâm linh đó thì vẻ đẹp nhân văn sẽ bị hủy diệt, đạo đức sẽ bị suy đồi, và cuộc sống xã hội sẽ có thêm nhiều bi kịch.
>Xem thêm video: Tự tại trước khen chê: