Sách Phật giáo
Cần có hướng quản lý mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa PGVN
Thứ hai, 21/11/2017 03:27
Bảo tồn văn hóa Phật giáo là một vấn đề cần nhận diện lại và nhận thức đúng, bởi đó không chỉ là di sản của Phật giáo, mà là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc.
1. Khái niệm:
Văn hóa là khái niệm rất rộng, từ định nghĩa mang tính tiên phong được nhiều người chấp nhận của nhà nhân loại học người Anh Edward Burnet Tylor trong tác phẩm Văn hóa Sơ khai (1), đến nay, theo UNESCO, có hơn 250 định nghĩa khác nhau, được sắp xếp từ “cách ứng xử có học thức”, đến “những ý niệm trong tâm trí”, “một cơ cấu tâm lý”, “một giả tưởng bằng thống kê”, “một cơ chế bảo vệ tâm lý”, v.v…
Trong ý nghĩa chung nhất, theo cư sĩ Võ Đình Cường (1918 - 2008), nguyên Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN: Văn hóa là một mẫu thức tập hợp kiến thức, tín ngưỡng và thái độ ứng xử của con người; bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán, luật tắc, thể chế, công cụ, kỹ thuật, nghệ thuật, nghi lễ và các thành tố liên hệ khác. Sự phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng học tập và truyền đạt kiến thức từ thế hệ trước cho thế hệ sau (2). Về mối liên hệ mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc, Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) đã nhận định “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”.(3)
Như vậy hiển nhiên, với hai ngàn năm lịch sử kể từ khi du nhập và hòa vào lòng dân tộc, Phật giáo đã dung hợp với tín ngưỡng bản địa cùng các tư tưởng khác, tham dự vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, theo đó góp phần hình thành một nền văn hóa phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc. Mối tương quan giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc là rất mật thiết, hòa quyện như nước với sữa, đến nỗi có thể nói nền văn hóa Phật giáo là nền văn hóa dân tộc.
Chúng ta có thể thấy qua thực tế, trong các di sản văn hóa của quốc gia được công nhận trong thời gian qua có rất nhiều hạng mục là chùa chiền, tượng tháp, văn khắc kinh điển, mộc bản kinh văn Phật giáo… Đó là chưa đề cập đến kho tàng di sản phi vật thể khác ẩn trong hình thái tín ngưỡng, ngôn ngữ, tập quán, niềm tin, lối sống, văn học, nghệ thuật… chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách hợp lý.
2. Nhận định từ tình hình thực tế:
Nhận thức di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta cần được bảo tồn và phát huy, năm 2001, Quốc hội đã ký sắc lệnh ban hành Luật Di sản gồm 74 điều trong 8 chương. Theo đó, hàng năm, số lượng các di sản văn hóa được công nhận và xếp hạng các cấp, từ địa phương đến quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt ngày càng nhiều, trong đó có các di sản Phật giáo gồm chùa, tượng pháp, pháp khí...
Nhưng thực trạng của các di sản văn hóa đã được xếp hạng là như thế nào? Chúng ta không cần nói nhiều, vì báo chí và các nhà chuyên môn đã liên tục gióng lên những tiếng chuông cảnh báo. Ngoại trừ một số rất ít các di sản đã xếp hạng có sự đầu tư bảo tồn và được bảo tồn tương đối đúng phương pháp. Xin nói thêm rằng số lượng này là rất ít. Còn lại có công trình được quan tâm bảo tồn, nhưng sau khi được đầu tư trùng tu đã bị biến dạng, có khi khiến di sản ngàn năm tuổi sau khi trùng tu trở thành công trình mới toanh. Còn lại, đa số di sản sau khi trao bằng xếp hạng, gắn biển di tích qua một lễ nghi rầm rộ thì di sản lại rơi vào quên lãng, ít được ngó ngàng tới.
Gần đây, Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh cùng một số cơ quan báo chí khác đã phản ánh thực trạng hàng loạt các di tích chùa cổ xuống cấp vẫn đang diễn ra liên tục trên khắp cả nước, cùng với đó là sự nhập nhằng về luật và phức tạp trong trách nhiệm của mỗi phía - quản lý về nhà nước về di sản và trách nhiệm của Giáo hội đối với một cơ sở tôn giáo - mà chưa có lời giải đáp và hướng giải quyết thích đáng. Đây là nguyên nhân đưa đến hiện tượng “sợ” danh hiệu di tích, vốn dĩ đáng tự hào.
Đơn cử một trường hợp, với ngôi Quốc tự Thánh Duyên tại Thừa Thiên Huế được chính thức công nhận là Di tích cấp quốc gia (1996), với tác động của thời tiết khắc nghiệt ở vùng duyên hải miền Trung, nhiều hạng mục trong quần thể kiến trúc chùa bị xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn khi nhà Tăng bị tụt ngói trong mùa mưa, người trực tiếp quản lý đã kêu cứu, báo cáo, xin phép tu bổ lợp lại, nhưng chờ đợi gần hai năm qua mà các cơ quan chức năng từ cấp huyện đến tỉnh và ra bộ vẫn không có hồi âm về phương hướng hay kế hoạch gì cụ thể, nhà chùa phải lấy bạt “sơ cứu” tạm và tiếp tục chờ đợi. Trong khi đó, do bị ràng buộc về pháp lý phải theo trình tự từ cấp địa phương đến tỉnh thành và lên bộ mất rất nhiều thời gian, các hạng mục này vẫn tiếp tục chờ đợi trong tình trạng như thế càng khiến cho di tích bị xuống cấp trầm trọng hơn.
Mặt khác, việc chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về di sản với Giáo hội trong quyết định bổ nhiệm trụ trì - người trực tiếp điều hành các hoạt động ở các cơ sở di tích là chùa chiền như lâu nay, phân công người không phù hợp đã dẫn đến những chuyện ngoài ý muốn. Có nhiều trường hợp đau lòng khi người trụ trì do thiếu nhận thức đã có những tu bổ tượng pháp sai nguyên tắc, làm mất giá trị của di sản; đồng thời tùy tiện cho xây dựng một số hạng mục phát sinh thêm làm mất cân đối quần thể di tích đã được quy hoạch; hoặc đáng báo động hơn là nạn thất thoát hiện vật trong các di tích diễn ra liên tục trong mấy năm qua.
Về vấn đề này, Ban Văn hóa Trung ương đã có những nỗ lực, mở lớp tập huấn, trong đó có nội dung bảo tồn di sản, mời các chuyên gia và lãnh đạo Cục Di sản thuyết trình, đối thoại và tư vấn cho chư tăng ni, cư sĩ ngành văn hóa Phật giáo các tỉnh thành tại tuần Văn hóa Phật giáo tổ chức tại Nha Trang năm 2009. Gần đây, trong 4 đề án được Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Thiện Nhơn phê duyệt giao Ban Văn hóa Trung ương thực hiện trong sự phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban Ngành Viện liên quan, cũng có nội dung là di sản Phật giáo (cùng với pháp phục, ngôn ngữ và kiến trúc Phật giáo).
Ban cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo của cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, thực trạng trên và vấn đề nhập nhằng về pháp lý, trách nhiệm và quyền hạn của vị trụ trì đối với các hạng mục công trình và các giá trị văn hóa vật thể trong các chùa được công nhận di tích cũng đã được đặt ra bàn thảo, nhận diện và cùng tìm giải pháp cho một hướng quản lý mới khả quan hơn.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như chưa có tác dụng trong thực tế. Vì mọi ứng xử đối với các di sản, trong đó có di sản Phật giáo hiện vẫn phải tuân thủ các điều khoản trong Luật Di sản, mà chưa có một tín hiệu khả quan nào là giải pháp lâu dài nhằm bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo. Nói như bà Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị liên kết giữa Bộ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Ban Văn hóa Trung ương đề xuất tổ chức tháng 4 năm 2017, rằng trong hệ thống văn hóa của dân tộc, các công trình, hoạt động Phật giáo và liên quan đến Phật giáo chiếm tỷ trọng lớn; do đó cần phải có sự phối hợp giữa Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ nhằm có sự quản lý, duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị các cơ sở và các hoạt động Phật giáo là di sản văn hóa một cách tốt hơn. Việc làm đó là cần thiết và rất cần được tăng cường để công tác bảo tồn di tích đạt hiệu quả thiết thực.
3. Kiến nghị:
Thứ nhất, với cơ sở nhận thức và thực trạng như đã đề cập, qua ý kiến tổng hợp từ các tọađàm, hội thảo, hội nghị liên quan do Ban Văn hóa Trung ương tổ chức, ghi nhận từ chuyên gia, đối với các di sản được công nhận các cấp là chùa chiền vẫn là cơ sở tôn giáo, nơi diễn ra các sinh hoạt đặc thù về tu hành của tăng, ni, hoạt động tín ngưỡng của của bá tánh thập phương hàng ngày. Do đó, nhu cầu phục vụ sinh hoạt là căn bản và quan trọng, rất cần có sự tu bổ để đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt thực tế.
Do vậy, nếu không điều chỉnh được về khung pháp lý hiện hành thì các cơ quan chức năng cùng với Giáo hội nên có sự rà soát, đánh giá lại, cân nhắc việc xếp hạng các di tích liên hệ trực tiếp đến Phật giáo. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thà rằng số lượng di sản được công nhân ít đi, nhưng cần có sự đầu tư, chăm sóc, quản lý, bảo tồn một cách chu đáo, hiệu quả. Việc làm này chắc chắn rằng sẽ không những giữ gìn được di sản của tiền nhân mà còn phát huy được giá trị di sản trong đời sống xã hội hiện đại và cho cả sau này.
Thứ hai, việc bổ nhiệm nhân sự trụ trì các cơ sở chùa chiền là di tích cần có sự lựa chọn phù hợp. Hoặc phải có các điều kiện, chẳng hạn sau khi được bổ nhiệm phải tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về các nguyên tắc ứng xử đối với di sản văn hóa. Và tất nhiên, Giáo hội cùng các cơ quan chức năng phải có chương trình tập huấn - giao các Ban, Viện chuyên trách tổ chức thực hiện và giám sát, có ý kiến - đối với các vị trụ trì này.
Giáo hội cũng cần có chế độ đặc biệt đối với trụ trì, hoặc thay thế bằng chế độ quản lý “Ban Quản trị”, “Ban Trụ trì”, có chính sách điều chuyển khi không đáp ứng yêu cầu, có những sai phạm nghiêm trọng, tránh việc biến cơ sở tự viện là di sản trở thành ngôi chùa riêng, thầy truyền trò như đã và đang diễn ra. Việc đó cũng hạn chế tình trạng tùy tiện và có những ứng xử không phù hợp, vô tình làm mất giá trị của di sản, bảo tồn nhưng lại “tam sao thất bản”, thậm chí làm mất mát - “chảy máu di sản”.
Thứ ba, bên cạnh sự bảo vệ, bảo tồn định kỳ, cần có một cơ chế “cấp cứu” đối với các di sản được xếp hạng quốc gia, đánh giá là “đặc biệt”, “quan trọng”, đó là giảm thiểu tình trạng quản lý nhập nhằng giữa các cấp, nhất là các cấp địa phương (phòng văn hóa quận/huyện) không có chuyên môn, mỗi khi có sự cố khẩn cấp do thiên tai vẫn phải theo trình tự về pháp lý qua nhiều cấp, đến mỗi cấp phải chờ đợi, xin ý kiến, chuyển đề nghị… có khi phải chờ cả mấy năm trời, mức độ hư hại trở nên quá nặng nề, đã tốn kém lại càng tốn kém hơn trong khi ngân sách dành cho việc bảo tồn di sản thì khiêm tốn. Do đó, cần phân trách nhiệm giám sát và có thêm quy định cho các trường hợp khẩn cấp.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Di sản, ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã từng đề cập đến những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo. Bảo tồn văn hóa Phật giáo là một vấn đề cần nhận diện lại và nhận thức đúng, bởi đó không chỉ là di sản của Phật giáo, mà là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc.(4) Bảo tồn di sản Phật giáo cũng có nghĩa là bảo tồn di sản dân tộc, do vậy rất cần có sự chung tay, phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, cụ thể là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Cần phải nhìn lại thực trạng và cùng tìm giải pháp hiệu quả hơn trước khi di sản ngày càng bị biến dạng, hoặc mai một đi, nói cách khác là trước khi đã quá muộn.
Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Chú thích:
(1) Primitive Culture, London, 1871
(2) Vài ý kiến về Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Phật giáo Việt Nam, tạp chí Văn hóa Phật giáo số 1 (2005)
(3) “Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam”, in trong “Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng của dân tộc”, Viện Triết học, Hà Nội, 1998, trang 15.
(4) Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (23) – 2008