Chùa Việt

Cận Tết Canh Tý, viếng chùa Phước Bửu lần thứ ba

Chủ nhật, 16/01/2020 10:12

Chừng hơn tuần lễ đến giao thừa Canh Tý 2020, quyết định viếng chùa Phước - Bửu ở Vĩnh Hưng -  Vĩnh Lợi - Bạc Liêu lần thứ ba, bất chấp đường  xá xa xôi cách trở, do một thôi thúc tâm linh…

> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt

Đến trung tâm thành phố Bạc Liêu, hướng đến Cầu Sập, rẽ phải đến chợ Vĩnh Hưng, thêm chút xíu rẽ trái vào đường làng đầy đủ hương vị quê mùa với xóm thôn mộc mạc cảnh nghèo, đồng đang lún phún mạ non, cánh cò trắng phau chấp chới là đà trên những mương nước nhỏ, dòng kênh hiền hòa đang được nạo vét, trẻ thơ í ới gọi nhau trên xe đạp…Lại rẽ phải, vào lối nhỏ hơn có hai hang cây không xanh tốt mấy, cổng khu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Tháp Vĩnh Hưng hiện dần - chùa Phước Bửu ẩn mình trong khu đất thiêng ấy…

Hình ghi tại Tháp và Chùa phước Bửu, Vĩnh Hưng - Vĩnh Lợi - Bạc Liêu.

Hình ghi tại Tháp và Chùa phước Bửu, Vĩnh Hưng - Vĩnh Lợi - Bạc Liêu.

Lần thứ ba, một sự bâng khuâng hoài cổ khó phân tích, linh cảm thiêng liêng, cảm giác trở về xen nhau chi phối tâm trạng. Qua cổng, tháp cổ hiện ra với dáng vẻ không hề lẫn nơi đâu, một kiến trúc tháp không cao, tuyệt mỹ về hình học, tinh hoa còn lại từ nền văn minh bản địa cách đây 1.500 năm – nền văn minh Óc Eo ngự trên vùng đất phù sa, có một trình độ xây dựng, kiến trúc đến chừng ấy. Báu vật kia là di sản duy nhát còn lại ở cả vùng châu thổ rộng lớn, cả Nam Bộ Việt Nam - vùng đất rộng lớn từng tồn tại nền văn minh kia, không còn cái thứu hai để so sánh đối chiếu!

Từ trong long tháp cổ, ống kín máy ảnh bắt dễ dàng hình ảnh thánh tượng Quan Âm lộ thiên và sau đấy là ngôi chùa nhỏ nhắn cũng có ít nhiều rêu cũ thời gian chùa Phước Bửu.

Phước Bửu tự xây dựng từ 1915, cách chân Tháp cổ mấy bước chân, theo một cách nói về sự gần, kiến trúc đơn giản – bên trái là con rạch nhỏ được bậc cao niên kể lại rằng ngày rất xưa ấy lối muông thú đi mãi mà thành. Cả khu đất Tháp trong một vùng rừng rậm hoang sơ…

Hình ghi tại Tháp và Chùa phước Bửu, Vĩnh Hưng - Vĩnh Lợi - Bạc Liêu.

Hình ghi tại Tháp và Chùa phước Bửu, Vĩnh Hưng - Vĩnh Lợi - Bạc Liêu.

Trước chùa Phước Bửu hàng cây to xoắn xuýt thanh long buông thả xanh tốt, vết rễ ăn sâu vào thân cây hằn lên trông rất lạ - thanh long đã nhiều tuổi rồi. Cũng lạ, ba lần đến viếng chùa, chưa đủ duyên một lần nhìn thấy thanh long kết trái.

Sau chùa, có mấy cội khế trái trĩu cành, từng được bởi sự cho phép của sư cô trú trì, hái mang về nhà sau chuyến đi. Nay mấy cội khế kia không còn. Công trình chùa Phước Bửu mới đã khởi công hơn năm, nhà quản lý dựng lên trơ trọi chỉ có chút nền móng cùng hai tấm biển lớn trình bày thiết kế và ghi rất rõ tài khoản để tiện cúng dường xây dựng chùa của hai quý tang ni khách nhau: Sư cô Thích Nữ Nghiêm thành Phó Ban Trị sự Phật giáo Vĩnh Lợi và thầy Thích Lệ Trang trú trì đương nhiệm của chùa Phước Bửu - quý sư cô Diệu Phước mà người viết từng được đảnh lễ, mời chay, đã không còn trách vụ trụ trì.

Chùa Phước Bửu, một kiến trúc Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhỏ nhất mà người viết từng được biết, đơn sơ một chính điện cũ kỹ kết cấu nhẹ nhàng phủ màu thời gian, nơi ấy tam bảo thanh tịnh căn bản như mọi ngôi chùa Phật, cạnh bên khi nhà sinh hoạt, nhà bếp không khác một mái tranh nghèo bình thường trong vùng. Ngôi chùa ấy đã ở cạnh tháp cổ hơn 100 năm và đang chờ được thay thế bởi công trình mới ở phía sau, nơi phàn hoàn thành là một chiếc nền.

Khế không còn, chùa vắng lặng không một bóng người, lạy Phật, viếng tháp, thành kính đảnh lễ thánh tượng Quan Âm lộ thiên trước một ao cạn nhỏ xíu cạnh tháp, ra về…

Đường quê trẻ nhỏ vẫn í ới gọi nhau, “họ” đến một ngôi trường gần chùa, học đường có tên anh hùng Lý Thường Kiệt giữa vùng lúa Vĩnh Hưng, Bạc Liêu.

Tết đến rất gần…

loading...