Chùa Việt

Cảnh đẹp chùa Mục Sơn trong nắng cuối thu

Thứ bảy, 31/10/2015 04:54

Chùa Mục Sơn đến hiện tại bây giờ có 3 tên gọi khác nhau. Tên cổ là chùa Múc, do sự thăng trầm lịch sử và chiến tranh tàn phá, lúc bấy giờ dòng họ Nguyễn trong làng đã hiến 2 sào ruộng mua gỗ, tre về dựng lên và đổi thành tên là chùa Mục Sơn.

Đã nhiều lần trong quá trình đi làm truyền thông Phật giáo, chúng tôi biết đến chùa Mục Sơn tại thôn Nội, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nhưng chưa một lần chúng tôi có cơ duyên đến chiêm bái. Một phần vì con đường dẫn vào chùa đang thi công, phần khác vì không biết vào chùa có gặp được Thầy trụ trì. 

Có lẽ đúng như nhưng gì chúng tôi cảm nhận về chùa trong suy nghĩ. Từ quốc lộ 391 cạnh cao tốc đường 5B mới được thông xe đoạn xã Toàn Thắng, chúng tôi đi vào đường gom gần 1km mới tới chùa. Càng đi vào sâu cảnh vật thật tĩnh lặng, yên ắng và khiến cho lòng tôi rối bời. Và kia chùa Mục Sơn đã hiện ra trước mắt chúng tôi giữa những lùm cây xanh tốt. Sau khi dắt xe qua cổng Tam quan, chúng tôi chưa kịp định hình đâu là chính Điện, đâu là phòng khách thì từ ngôi nhà mới hoàn thiện tầng 1, chú tiểu nhà chùa đon đả ra chào khách:

- Chào Chú, chú vào gặp Thầy hay đển lễ Phật 

- A Di Đà Phật! chào chú tiểu, con đến gặp Thầy và chiêm bái chùa. 

- Vậy à! Mời chú đi lối này 
 
Sau màn chào hỏi xã giao theo lối nhà Phật, chú tiểu Viễn Trí dẫn chúng tôi đi qua một khoảng sân rộng mới được đổ bê tông còn nguyên màu mới. Đợi chú tiểu vào bạch Thầy, chúng tôi chỉ kịp nhìn xung quanh với nhiều cây xanh toả bóng râm mát. Trước mặt chúng tôi là một sư Thầy đang tỉ mỉ lau từng đồ vật thờ tự ở khu nhà Mẫu. Khi biết mong muốn được đi tác nghiệp tại chùa. Đại đức Thích Minh Tánh ở nụ cười hoan hỉ: 

- Rất nhiều lần Thầy được đọc các bài viết của con trên trang thông tin của Ban TTTT T.Ư Giáo hội, nay mới có cơ duyên gặp con. 

- Dạ vâng! Con cảm ơn Thầy. 

Không làm mất thời gian của Thầy và mọi người đang bận rộn dọn dẹp trong các gian phòng của chùa. Chúng tôi xin phép Đại đức đi chiêm bái chùa Mục Sơn trong cái nắng hanh vàng có phần oi nồng cuối thu. Khi bước ra khỏi phòng khách, lòng chúng tôi như trút được sự mặc cảm và suy nghĩ đan xen trước khi vào chùa. Dẫn chúng tôi đi chiêm bái, chú tiểu Viễn Trí vừa giới thiệu từng hạng mục của ngôi chùa. 
 
Đứng trước cổng Tam quan nhìn vào, chúng tôi dễ dàng nhận ra ngôi Chính điện được xây kiên cố, theo thiết kế sẽ có hai tầng, tầng 1 là phòng khách và hội trường, còn tầng hai là Tam Bảo. Do nhà chùa chưa có kinh phí nên sẽ đặt tạm Tam Bảo ở tầng 1. Ở Chính điện những người thợ và người nhà chùa đang làm việc tỷ mỉ, trận trọng, nhìn mọi người làm việc chúng tôi mới thấy hết cái tâm khi xây dựng chùa. Mỗi người một việc, từ tô tượng, lau dọn các gian phòng đến việc bố trí treo các bức tranh nhà Phật. Ai cũng tích cực làm việc, cẩn trọng trong từng động tác.

“Chùa cũ được xây dựng vào năm 1998 bằng tranh tre, vách đất nên bị xuống cấp. Năm 2010 được sự phát tâm công đức của mọi phật tử, nhân dân gần xa và cái Tâm của nhà tu hành. Đại đức Minh Tánh đã cho xây dựng khu nhà Mẫu, nhà khách. Đến năm 2014, sư Thầy xây dựng ngôi Tam Bảo 2 tầng có diện tích 500m2. Đến nay mới hoàn thiện tầng 1 và các công trình phụ trợ khác” – chú tiểu Viễn Trí cho biết.

Hồ Quan Âm được toạ lạc giữa khoảng không thật đẹp có cây xanh toả bóng mát, có cầu nhỏ đi vào và được trồng hoa sen dưới hồ thơm ngát về mùa hè. Bên phải của cổng Tam quan là vị Bồ tát được khoác trên mình chiếc áo màu vàng của đức Phật đứng giữa những hàng cây cổ thụ tạo nên sự linh thiêng, uy linh cho tự viện. Trước cửa phòng khách và nhà Mẫu là hệ thống cây xanh đang đung đưa trước những cơn gió mùa thu dịu nhẹ.
 
Trở lại với phòng khách, cũng là lúc Đại đức Minh Tánh đã hoàn thành công việc sắp xếp các đồ thờ tự. Lúc này câu chuyện giữa chúng tôi và sư Thầy đã gần gũi và cởi mở. Suốt câu chuyện mà Thầy kể với tôi, chúng tôi cảm phục những người hành Đạo khi vừa phải truyền bá giáo lý nhà Phật, vừa phải vận động mọi người xây dựng nơi thờ tự. Nhưng đối với Thầy sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi sư Thầy là người Huế ra hoằng pháp và có cơ duyên với mảnh đất khó khăn nhưng đượm tình người này. 

Hồi hướng lại những tháng năm vất vả khi về mới nhận trụ trì từ năm 2009, Đại đức Minh Tánh nhớ như in những xúc cảm khác nhau khi đứng trước ngôi tự viện xuống cấp nằm giữa gò đất cao của cánh đồng hiu quạnh. Nhân dân đón sư Thầy trong niềm vui hoan hỉ, cùng nhau xây dựng tạo lập tự viện và truyền bá đạo pháp. Đang nhanh tay lau dọn đồ đạc, bác Nguyễn Văn Triển – là người làng ra giúp việc cho nhà chùa tâm sự: “Trước năm 2009 chùa Mục Sơn hoang vắng và khó khăn lắm. Nhưng từ khi nhân dân thỉnh Thầy Minh Tánh về, Thầy đã vận động, kêu gọi mọi người tập trung xây dựng chùa. Thầy mua thêm đất mở rộng diện tích khuôn viên, trồng cây. Cháu nhìn xem bây giờ chùa Mục Sơn mới được như thế này”. 
 
 
Đúng vậy! trước mắt chúng tôi là một tự viện rộng mát với hệ thống cây xanh bao phủ. Mà sao nhà chùa nhiều cây vậy, từ cây cổ thụ, cây ăn quả đến cây cảnh. Mỗi một loại cây cho một hình hài, sắc thái biểu cảm và có nét đẹp khác nhau. Chúng bổ trợ cho nhau, dựa vào nhau mà sống như những kiếp người luân hồi trong thế giới nhà Phật bao la. Trước khi Thầy về trụ trì, chùa Mục Sơn chỉ có 500m2 do dòng họ Nguyễn hiến tặng, nhưng đến nay diện tích của chùa lên tới 3000m2. Sư Thầy đã bỏ tiền mua thêm đất để rộng khuôn viên. Trước đây chùa chỉ có một ít cây cổ thụ, nhưng khi Thầy về, thầy đã đi xin, đi mua và có một số phật tử công đức, nên bây giờ tự viện mới đẹp và xanh mát. 

Đem băn khoăn hỏi Đại đức Minh Tánh về tên hiệu của chùa. Đại đức cho biết: “Do lịch sử của chùa đang được biên soạn và thống nhất nội dung, nên con có thể hiểu về tên hiệu của tự viện như sau. Chùa Mục Sơn đến hiện tại bây giờ có 3 tên gọi khác nhau. Tên cổ là chùa Múc, do sự thăng trầm lịch sử và chiến tranh tàn phá, lúc bấy giờ dòng họ Nguyễn trong làng đã hiến 2 sào ruộng mua gỗ, tre về dựng lên và đổi thành tên là chùa Mục Sơn. Đến năm 2009, khi Thầy về trụ trì, sau khi tìm hiểu lịch sử và xin phép ý kiến của BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương, chùa có tên là Linh Sơn Vạn Đức”. 
 
 
Đứng tầng thượng của nhà Mẫu nhìn xuống khuôn viên chùa Mục Sơn chúng tôi mới thấy được cảnh đẹp của làng quê và tự viện. Dưới ánh nắng hanh vàng và những cơn gió thu se lạnh, chúng tôi như thấy tự viện Mục Sơn chìm đắm trong thế giới hào quang của nhà Phật. Kia hồ Phật Quan Âm với hương sen toả hương thơm cuối mùa. Kia tượng Phật Quan tâm đứng giữa những hàng cây xanh mát toả bóng và phía đằng này mọi người đang tất bật chuẩn bị các đồ lễ, lau dọn chuẩn bị cho buổi Lễ An vị tượng vào sáng ngày 20 tháng 9 năm Ất Mùi.  

Càng về trưa, ánh nắng càng lên cao khiến cho cảnh sắc của chùa Mục Sơn càng trở lên lung linh huyền ảo. Sự tĩnh lặng của tự viện làm mê đắm lòng du khách viếng thăm. Chỉ cách đó chưa đầy 100m là nhịp sống hối hả của con đường cao tốc quốc lộ 5B Hà Nội – Hải Phòng. Còn trong tự viện Mục Sơn vẫn tĩnh mịch đến lạ thường với những con người cần mẫn làm đẹp cho đời, cho đạo.

Đức Tuỳ
loading...