Hỏi - Đáp

Cảnh giác với tà kiến tụng kinh vào buổi tối bị... ma nhập

Chủ nhật, 31/07/2022 04:29

Học Phật phải lấy kinh điển làm chỗ y cứ, xem kinh cần dùng Tam pháp ấn để thẩm định, nghe thuyết pháp của các bậc thầy hay chia sẻ kinh nghiệm tu tập của đạo hữu phải trong tỉnh thức và chánh kiến.

Hỏi: Tôi có tham gia sinh hoạt với nhóm Phật tử trên mạng xã hội. Người cư sĩ nhóm trưởng nói rằng, Phật tử tại gia không nên đọc kinh, trì chú sau 19 giờ vì lúc đó người âm rất nhiều. Phật tử tại gia đạo hạnh không cao nên nếu đọc kinh, trì chú buổi tối lâu ngày sẽ bị vong hồn, ma quỷ nhập vào người. Ban đầu tôi không tin điều ấy nhưng không hiểu sao dạo gần đây mỗi lần tụng kinh, trì chú vào buổi tối tôi cảm giác ớn lạnh như có người ở sau lưng mình. Cảm giác này làm tôi sợ hãi và từ đó đến giờ tôi không tụng kinh vào buổi tối nữa. Hiện tôi vẫn rất hoang mang về việc này. Mong được quý Báo hướng dẫn và sẻ chia.

(TRUNG VŨ, [email protected])

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: Bạn Trung Vũ thân mến!

Trong thời đại công nghệ, việc tham gia sinh hoạt tu học theo nhóm trên các ứng dụng mạng xã hội là điều tốt. Thường các nhóm này cung thỉnh một vị Tăng (Ni) chứng minh hoặc giáo thọ, khi gặp những vấn đề cần thảo luận, truy cứu hay đối chiếu sâu vào giáo điển, chư vị Tăng (Ni) sẽ giảng giải, phân tích và định hướng phù hợp với chánh kiến.

Riêng nhóm của bạn, nhóm trưởng là một cư sĩ có tâm mà thiếu tuệ nên không định hướng cho các nhóm viên nhận thức đúng Chánh pháp. Lời khuyên của vị ấy, “Phật tử tại gia không nên đọc kinh, trì chú sau 19 giờ vì lúc đó người âm rất nhiều. Phật tử tại gia đạo hạnh không cao nên nếu đọc kinh, trì chú buổi tối lâu ngày sẽ bị vong hồn, ma quỷ nhập vào người” không chỉ thiếu cơ sở Phật học mà còn khiến cho người sơ học sợ hãi, bất an, thối thất, rơi vào tà kiến.

Trong tinh thần chánh kiến, đọc tụng kinh sách cốt để hiểu lời Đức Phật dạy mà ứng dụng thực hành, đọc kinh hay nghe Pháp vào giờ nào là tùy điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người. Mặt khác, tụng đọc kinh sách hay thực hành các pháp tu đúng Chánh pháp lâu ngày thì tội diệt phước sinh, nhân thiên hoan hỷ, quỷ thần kính trọng, chướng nạn tiêu trừ, thân tâm an lạc.

Ban đầu bạn nghe một điều gì có vẻ mông lung thì không vội tin, đây là ứng xử đúng đắn trong cuộc sống. Nhất là trong quá trình học Phật, cần suy xét kỹ càng, sau đó đối chiếu với kinh điển xem quan điểm đó có phù hợp với tinh thần chánh kiến hay không rồi mới tin hay không. Tiếc rằng bạn đã không suy xét đến cùng của vấn đề, cũng không tham vấn với một vị Tăng (Ni) nào nên hoài nghi không được hóa giải.

Về sau bạn lại có cảm nhận “mỗi lần tụng kinh, trì chú vào buổi tối tôi cảm giác ớn lạnh như có người ở sau lưng mình”. Tại sao có hiện tượng này? Vì bạn đang tự ám thị bởi tà kiến của người nhóm trưởng đã gieo rắc nhiều lần trước đó. Một điều vô căn cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ được lưu lại trong tâm, nếu không dùng chánh kiến để dỡ bỏ, xóa sạch đi thì sẽ lớn dần và dấy khởi. Trong không gian tịch mịch, vắng vẻ của bóng đêm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự tưởng tượng và sợ hãi tăng thêm. Hậu quả là bạn sợ hãi thật sự và bỏ luôn sự tu niệm.

Thế nên, tìm được thầy sáng và bạn lành trong tu học là điều kiện tiên quyết để tu tập thành công. Nếu không có thiện tri thức chỉ bày thì người học đạo cứ lòng vòng, nhặt được cành lá mà cứ tưởng là lõi cây, thậm chí phải bỏ cuộc hay rơi vào tà kiến phỉ báng. Học Phật phải lấy kinh điển làm chỗ y cứ, xem kinh cần dùng Tam pháp ấn để thẩm định, nghe thuyết pháp của các bậc thầy hay chia sẻ kinh nghiệm tu tập của đạo hữu phải trong tỉnh thức và chánh kiến. Không nghe vội và tin suông dù điều đó được nhân danh hay là lời của bất cứ ai.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ 

loading...