Kiến thức
Cầu an theo tinh thần Kinh Phước Đức
Thứ năm, 16/12/2023 01:16
Cầu mong sự an lành là một nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người nói chung và của Phật tử nói riêng. Thông qua Kinh Phước Đức, Đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta cần phải làm những gì để có được phước đức và từ đó có được sự an lành ngay trong cuộc sống hiện tại.
Kết quả an lành đó không thể có được do sự ban phước từ một đấng thần linh nào cả, mà nó phải đến từ sự nỗ lực tu tập của tự thân mỗi cá nhân dựa trên nền tảng của Giới, Định và Tuệ để chuyển hóa Nghiệp của chính mình và vun bồi thêm phước đức.
Cầu an là một sự gửi gắm những ước vọng của người Phật tử tới chư Phật, chư Bồ tát nhằm mong cầu sự chở che, phù hộ từ các Ngài; để có được sự an lành, may mắn trong công việc hay trong sinh hoạt hằng ngày. Khi Tết đến, xuân về, cũng là lúc hoạt động cầu an được thực hành nhiều nhất; vì hầu hết Phật tử đều cho rằng đầu năm là khoảng thời gian bắt đầu cho một chu trình mới, là lúc thiêng liêng nhất khi có sự giao hoà giữa đất, trời và vạn vật; nếu cầu an và làm những điều tốt lành, thì cả năm sẽ được hạnh phúc, may mắn và sung túc. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ tường tận bản chất của việc cầu an thì Phật tử sẽ dễ dàng rơi vào hiện tượng mê tín dị đoan, dẫn đến không có sự nỗ lực trong công phu tu học và xa rời tinh thần tự giác ngộ của Đạo Phật.
Bài kinh phước đức
Vậy thế nào mới là sự cầu an một cách chân chính? Trong bài Kinh Phước Đức, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: người có phước đức phải là một người hội tụ được những yếu tố như thế nào. Nên dựa vào bài kinh, ta có thể học tập được phương pháp cầu an một cách chân chính nhất; để từ đó tự thân chúng ta có được sự an lành nhờ vào việc thực tập đúng theo lời Đức Phật đã chỉ dạy, chứ không phải chỉ trông chờ vào tha lực của chư Phật, Bồ tát để có được sự an lạc trong cuộc sống.
Kinh Phước Đức [1] còn được gọi Kinh Điềm Lành [2] (Mangala Sutta) hay là Kinh Hạnh Phúc, là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya), được Đức Phật giảng dạy tại tịnh xá Kỳ Viên thuộc thành Xá Vệ. Nội dung bài kinh nói về nếp sống đạo đức mà một người cần phải thực tập hằng ngày, để có thể gặt hái được những điều phước đức. Khởi đầu bài kinh, một vị Thiên tử đại diện khởi thỉnh bằng bài kệ:
“Thiên và nhân thao thức
Muốn biết về phước đức
Để sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy”.
Đấy chính là lời khởi thỉnh đến từ một vị Bà-la-môn muốn biết về phước đức, những điềm lành nào để có thể sống một đời sống hạnh phúc. Đấy cũng là niềm mong mỏi chung của loài người và cả chư Thiên. Và sau đây là câu trả lời của Thế Tôn:
“Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất”.
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, để chỉ cho tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tượng để chúng ta giao du, kết bạn. Ở đây, Đức Phật dạy rằng phước đức lớn nhất, chính là rời xa những người bạn xấu ác. Bạn xấu ác là những người bạn khi có mối quan hệ với họ, chúng ta không gia tăng được đạo đức, thiền định và trí tuệ; hay nói cách khác là không giúp chúng ta thăng tiến được Tam vô lậu học. Những người bạn ấy không giúp cho chúng ta huân tu được trí tuệ trong vấn đề tu tập; ngược lại có thể xúi giục ta làm những điều bất chánh; lôi kéo chúng ta đi ngược lại với năm điều đạo đức cơ bản của một người Phật tử tại gia. Thân cận với họ khiến tâm ta xao động, phóng dật, không định tĩnh; mà hậu quả của vấn đề đó chắc chắn là sẽ khiến ta khổ đau, phiền lụy. Khi kết giao với những người bạn như vậy, dần dần chúng ta sẽ tạo tác điều bất thiện; và với nhân bất thiện như vậy thì quả của nó không thể nào cho chúng ta một đời sống an lành, hạnh phúc trong tương lai.
Ngược lại, người có phước đức là người biết thân cận với những bậc hiền giả, là những bậc thầy mô phạm về đạo đức, có tâm định tĩnh, sống đời sống phạm hạnh và có tri thức thế gian lẫn Phật học. Khi thân cận với những vị như vậy, về lâu dài, chúng ta sẽ học hỏi được từ họ những điều bổ ích. Họ sẽ giúp cho ta có được hành trang thăng tiến trên con đường nghề nghiệp, có đạo đức, an vui với nếp sống tâm linh; gia tăng được phước báu và sống đời hạnh phúc, an lành nếu chúng ta có sự học hỏi và thực tập theo những gì họ hướng dẫn. Tiếp đến, Phật dạy rằng:
“Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất”.
Môi trường sống đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề phát triển tính cách của một con người, điều đó được ông bà ta đúc kết thành câu : “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Dù phẩm chất đạo đức của chúng ta có tốt đẹp, lối sống có hiền thiện, nhưng khi tiếp xúc lâu dài trong một môi trường đầy rẫy những điều bất thiện; không sớm thì muộn, tính cách của ta cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu không có được công phu tu tập dày dặn. Chẳng phải mẹ của Mạnh Tử cũng đã ba phen thay đổi nhà ở, bởi bà đã thấy được nguy cơ con của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu xung quanh đó hay sao. Ngược lại, một môi trường sống tốt đẹp, sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể thực hiện những thiện nghiệp nơi lời nói, hành động, suy nghĩ. Nó chính là điều kiện để chúng ta bước đi trên lộ trình chân chính. Đường chánh chính là con đường đem lại cho ta sự an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc; chứ không phải là con đường đưa chúng ta tới tham muốn nơi ngũ dục, không có đạo đức, tri thức hay làm cho người khác phải đau khổ. Đấy phải là con đường của sự hướng thượng, có hiểu biết và thương yêu; là con đường của lòng vị tha, không ích kỷ. Và muốn làm được như vậy, chắc chắn con đường ấy phải được sự chiếu soi trong mỗi giây mỗi phút của Chánh kiến và Chánh tư duy; trong từng lời nói, hành động và suy nghĩ của chúng ta nơi nếp sinh hoạt hàng ngày. Người có phước đức còn phải:
“Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất”.
“Có học” tức là có được sự giáo dục, dạy dỗ từ những người thầy; là sự tiếp thu kiến thức của nhân loại về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó. Với Phật tử, nó còn là sự tiếp thu những lời dạy của Đức Phật dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, nhằm giúp cho chúng ta có được phương pháp tu tập đúng đắn. Nhờ đó mà mỗi người có được một nghề nghiệp chân chính để nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần làm cho xã hội ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Một nghề nghiệp chân chính theo quan điểm của Đạo Phật phải là một nghề giúp ta có thu nhập để trang trải cuộc sống; nhưng nghề đó không được làm tổn hại đến môi sinh và mạng sống của chúng sanh. Nghề đó phải dựa trên sự hành trì giới luật, tức là sự tiếp nhận và thọ trì năm điều đạo đức căn bản của người Phật tử tại gia. Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không lấy của không cho, không tư thông ngoại tình và không sử dụng hay buôn bán các sản phẩm gây hại tới sức khoẻ của khác người. Khi thực tập được năm giới này, tự thân chúng ta sẽ không bước vào những con đường tội lỗi, xấu ác.
Một điềm lành khác nữa chính là biết nói lời ái ngữ, tức là biết sử dụng những lời nói dịu dàng, hoà ái với những người xung quanh; khiến cho người nghe cảm thấy vui vẻ. Trong phạm trù này, ta có thể hiểu thêm nó bao gồm cả không nói lời đâm thọc, nói lời gây chia rẽ, nói lời không đúng sự thật, hay nói lời không có ích cho người khác. Lời nói ái ngữ có công năng nuôi lớn được tình thương, xoa dịu được những nỗi khổ, niềm đau và góp phần xây dựng nên tính cách của một con người. Vì vậy, khi mỗi người thực tập được việc nói lời ái ngữ, tự thân chúng ta đã gieo được niềm quý trọng vào tâm khảm của người khác, khiến họ cảm thấy chúng ta thật là gần gũi, dễ thương. Khi ấy, đi tới chỗ nào chúng ta cũng sẽ có được bạn lành; những khổ đau, tai nạn sẽ không thể nào xảy ra. Tiếp đến, chúng ta còn phải:
“Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất”.
Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta về công ơn to lớn của cha mẹ: “Ai còn cha mẹ được gọi là giàu, ai mất song thân được gọi là nghèo. Mẹ hiền còn sống như trời giữa trưa, ánh sáng chiếu soi không hề thiên vị. Mẹ hiền mất đi như mặt trời lặn, bóng tối phủ trùm. Cha hiền còn sống như núi vĩ đại, cha mất đi rồi như dưới vực sâu. Vì thế mọi người phải sống ơn nghĩa, hiếu dưỡng mẹ cha như thờ Phật pháp thì được phước đức không thể kể hết” [3]. Rõ ràng, khi chúng ta còn cha mẹ, ông bà trên đời; nghĩa là chúng ta đang có một tài sản vô cùng quý báu. Cha mẹ đã sinh ra ta, cho ta ăn học và giáo dưỡng chúng ta thành một con người có ích cho xã hội. Cha mẹ có thể nhẫn chịu những thiệt thòi về phần mình, để chúng ta có thể chạm đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Vì vậy công ơn cha mẹ rất to lớn, chúng ta không thể nào có thể đền đáp được.
Việc cung cấp dưỡng nuôi mẹ cha không chỉ là chăm lo về mặt đời sống vật chất, mà còn nằm ở phương diện tinh thần. Ngoài việc cung dưỡng về vật thực, quần áo, thuốc men; chúng ta còn phải khuyến hoá được mẹ cha tu tập, đó mới thật là sự báo hiếu tối thượng nhất. Cho nên, cung phụng mẹ cha và yêu thương gia đình chính là một hành động phước đức, thể hiện lòng biết ơn của chúng ta dành cho hai đấng sinh thành. Nó còn là một hành động chứng minh chúng ta là một con người có đạo đức, có nhân phẩm tốt. Nếu cả với hai đấng sinh thành, mà ta không thể nào hiếu thảo được, rõ ràng chúng ta là một kẻ bội ơn và người như vậy sẽ không bao giờ gặt hái được thành công trong cuộc sống.
Thêm nữa, nghề nghiệp thích hợp sẽ mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc. Có những nghề tuy mang lại cho chúng ta nguồn thu thật nhiều, nhưng chưa hẳn sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc, bình an. Nếu như nghề đó là nghề cướp đoạt sinh mạng của chúng sinh, làm hại người, ảnh hưởng đến sinh môi, phải nói dối, thì chắc chắn đó không phải là một nghề chánh mạng. Đó là một nghề không biểu hiện lòng từ bi và trí tuệ của mình. Thế làm sao chúng ta được an lạc với nhân quá khứ xấu ác như vậy. Theo quy luật nhân quả, chúng ta chắc chắn sẽ phải gặt lấy quả đau khổ, bất an trong tương lai. Vì vậy, người có phước đức phải là người lựa chọn được ngành nghề không chỉ đem lại thu nhập cho ta, mà còn phải là nghề chân chính. Đức Phật còn dạy:
“Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn nhất”.
Hạnh thiểu dục tri túc
Sống ngay thẳng tức là một lối sống công bằng, không thiên vị hay nói cách khác là trực tâm. Chúng ta phải sống thế nào để danh lợi, tiền tài trước mắt không làm sai lệch hay mất đi những giá trị cốt lõi đạo đức, luân thường. Để làm được việc này, đòi hỏi chúng ta phải có sự thực tập sâu sắc về đức tính xả bỏ. Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của vật chất, sự cám dỗ của Ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) cũng gia tăng. Con người rất dễ chạy theo sức hút của kim tiền, nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất. Vì vậy, chúng ta phải biết thực tập phương pháp ít muốn, biết đủ, tiết chế lại những nhu cầu về hưởng thụ vật chất; tránh tình trạng bất chấp mọi thứ nhằm chạy theo tham dục để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Hơn thế nữa, phước đức còn nằm ở việc chúng ta tiến tới tầng bậc cao hơn là biết hiến tặng cho đời, chia sẻ vật chất với những người nghèo khổ hơn ta, gọi là Bố thí. Chúng ta có thể giúp đỡ người khó khăn bằng tiền tài, vật dụng và tri thức. Với Phật tử, chúng ta còn có thể chia sẻ cả giáo pháp của Phật, giúp họ vượt qua nỗi khổ, niềm đau, sự sợ hãi. Việc thực tập Bố thí, ngoài gia tăng phước báu, mục đích cuối cùng vẫn là giúp chúng ta từ bỏ sự bám chấp vào tài sản, những sở hữu của mình; đấy chính là nguyên nhân của sự đau khổ và luân hồi trong sinh tử. Sự bình an, hạnh phúc chỉ đến từ sự sẻ chia, giúp đỡ người khác mà thôi, nên đây được gọi là điềm lành, là một điều phước báu.
Tiếp đến, là hành xử không tỳ vết, nghĩa là chúng ta phải có những ứng xử với mọi người xung quanh một cách hoà nhã thân thiện; từ hành động cho tới lời nói đều không gây ra sự tổn thương nào cho người khác để sau này chúng ta không có gì phải hối hận. Muốn cư xử được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải có sự thực tập “hiểu” người khác một cách sâu sắc, thấy họ không khác mình, lấy tâm của mình mà cư xử, đối đãi với những người xung quanh. Dù cho họ có không dễ thương, ta vẫn một mực cư xử hoà nhã, vì chúng ta biết rằng họ đang tạo một nghiệp bất thiện, nên khởi lòng thương và ôm ấp được lỗi lầm của họ. Như vậy, ta sẽ mở được lòng thương một cách chân thành nhất thể hiện qua lối ứng xử với mọi người. Phước đức còn nằm ở nơi:
“Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất”.
Điều phước đức kế tiếp là không làm những điều xấu ác. Điều ác là những điều gây ra đau khổ cho người khác; xuất phát từ hành động, lời nói, thậm chí là suy nghĩ trong tâm của mình. Không say sưa nghiện ngập tức là không sử dụng những chất có cồn như: rượu, bia,… hay các chất kích thích như: ma túy, thuốc phiện,… Thậm chí là tất cả các sản phẩm gây hại đến tinh thần như những nguồn giải trí không lành mạnh. Nghĩa là phải có sự tiêu thụ mọi thứ trong chánh niệm vì chúng ta ý thức rằng khi sử dụng những sản phẩm đó sẽ không có lợi cho sức khỏe vật chất và cả đời sống tinh thần, lại hao tốn tiền bạc vô ích. Thêm vào đấy, khi sử dụng những chất đó sẽ làm ta mất đi khả năng kiểm soát cơ thể, có thể dẫn đến những hành động, lời nói sai trái; gây hại cho chính mình và những người xung quanh.
Ngoài ra, điều phước đức còn nằm ở việc siêng năng làm những việc thiện lành. Đó là những việc làm mang lợi ích thiết thực cho chính mình và người khác, khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, nhưng không xa rời đạo đức, thiền định và trí tuệ. Mình phải làm việc lành trong một tâm trạng vui vẻ, nhiệt tình, không màng khó khăn. Chính những điều đó, sẽ giúp chúng ta gia tăng phước đức, có được trạng thái tâm bình an.
“Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất”.
Phật tử còn gia tăng phước đức cho mình khi biết thực tập hạnh khiêm cung và lễ độ với mọi người. Phật tử chân chính không bao giờ cho mình hay hơn người khác, mà luôn biết khiêm nhường, lắng nghe và cầu học. Đức Phật từng khẳng định mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Vì vậy, chúng ta phải luôn tôn trọng, cư xử lễ độ với tất cả mọi người, bởi mỗi người đều có tánh giác, đều sẽ là một vị Phật ở tương lai. Chính thái độ khiêm cung này mà chúng ta được mọi người yêu quý, kính trọng; giúp ta luôn học được những điều hay từ người khác và sẽ nhận được năng lượng tích cực từ mọi người.
Phật tử khi đã hiểu đạo, biết rõ rằng thụ hưởng vật chất một cách thái quá là đang nuôi lớn lòng tham lam và chiều chuộng bản ngã. Thêm vào đấy, lộ trình tu tập đòi hỏi việc tích lũy phước báu, nên chúng ta phải học hạnh thiểu dục tri túc nhằm “kiệm phước” cho việc tu tập thuận lợi. Người xưa từng nói: “Biết đủ, là đủ, biết chưa đủ biết bao giờ mới đủ”. Đức Phật cũng từng dạy trong Kinh Di Giáo rằng: “Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý. Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu”. Vì vậy niềm hạnh phúc, sự an lạc chính là nằm ở tâm biết chấp nhận với những gì mình đang có, chứ không nằm ở việc cố gắng kiếm tìm những vật chất từ bên ngoài.
Mỗi người sinh ra đều là sự tập hợp của nhiều nhân duyên trong cuộc đời. Chúng ta có được hình hài này chính nhờ vào sự phối hợp của tinh cha, huyết mẹ; được giáo dục, dạy dỗ bởi thầy cô và sự hỗ trợ giúp đỡ từ người thân, bạn bè từ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Hạt cơm ta ăn, ly nước ta uống cũng là sự kết tinh của trời đất, sự cần cù lao động của người nông dân. Chúng ta được sống trong một môi trường an toàn, cũng là nhờ sự bảo hộ của người đứng đầu đất nước. Người học Phật có được phương pháp hành trì cũng nhờ ân đức giáo hoá của chư Phật, Thầy, Tổ và sự dìu dắt của huynh đệ đồng tu. Vì vậy, những gì chúng ta thọ hưởng đều có sự hội tụ của vạn vạn nhân duyên. Nhìn ánh sáng mặt trời mình cũng khởi tâm biết ơn, nhìn cỏ cây đất đá mình cũng biết ơn. Khi sống trong sự biết ơn đó, cuộc sống chúng ta rất hạnh phúc như lời của Sư ông Làng Mai đã từng dạy: “Khi nào còn biết ơn khi ấy còn hạnh phúc”. “Biết kiên trì, phục thiện Thân cận giới xuất gia Dự pháp đàm học hỏi Là phước đức lớn nhất”.
Kiên trì ở đây có thể hiểu là sự kham nhẫn, là một trong sáu pháp Ba-la-mật. Đó là một sự thực tập đức tính không nóng nảy, chịu đựng với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Cuộc đời luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách; nếu thiếu đi sự kham nhẫn, chịu đựng thì chúng ta không thể nào phát triển được chính mình. Khó khăn như một bậc thang; nếu vượt qua được, ta sẽ bước lên một tầm cao mới, thành công mới trong cuộc sống. “Phục thiện” là sẵn sàng nhìn vào những lỗi lầm, sai trái của chính mình, lắng nghe và chấp nhận sự góp ý chân thành từ người khác, để từ đó sửa chữa những lỗi lầm ấy. Khi có khả năng “phục thiện”, rõ ràng chúng ta đang có một phước đức rất lớn, vì đang dần xa rời con đường sai trái và bước đi trên con đường của thánh nhân.
Có được thân người là khó; nhưng tiếp cận và tu tập giáo pháp của Đức Phật là điều còn khó hơn; nên chúng ta có cơ duyên được thân cận với những vị xuất gia chân chánh để học hỏi giáo lý nhiệm màu, chuyển hóa khổ đau thì đó là một điều phước báu rất lớn. Việc thân cận với những thiện hữu tri thức sẽ từ từ gieo mầm Bồ đề và tưới tẩm cho những hạt giống thiện lành trong tâm nảy nở, mà hoa trái của nó chắc chắn sẽ là một đời sống đạo đức hiền thiện, một tâm hồn định tĩnh sáng suốt và sự giác ngộ giải thoát trong tương lai.
“Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết bàn
Là phước đức lớn nhất”.
Thực tập chánh niệm
Dù là đời hay đạo, muốn đạt được mục đích nào đấy, cũng đều đòi hỏi chúng ta phải có sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ, đó chính là sự tinh cần, là tinh tấn Ba-la-mật. Sự tinh cần sẽ giúp loại bỏ những mầm mống bất thiện trong tâm. Nỗ lực không ngừng trong các thiện nghiệp sẽ giúp chúng ta thành tựu được mọi ước nguyện, giống như giọt nước nhỏ mãi cũng làm thủng được tảng đá. Ngược lại, sự lười biếng giải đãi cũng giống như người cọ sát cây lấy lửa, chưa nóng đã vội nghỉ, dù muốn có được lửa cũng khó mà có được (Kinh Di giáo). Tỉnh thức là việc thực tập chánh niệm, tức là đi đứng nằm ngồi, làm việc đều trong sự bảo hộ liên tục của tâm ý. Việc thực tập chánh niệm thông qua Thiền định giúp chúng ta trở về với con người của chính mình, lắng đọng được những cấu uế trong tâm và là nền tảng để phát triển trí tuệ giải thoát. Nhờ sống Chánh niệm mà ta nhận chân ra bốn chân lý màu nhiệm: Đây là Khổ, đây là nguyên nhân của Khổ, đây là trạng thái khi chấm dứt đau khổ và đây là phương pháp chấm dứt đau khổ. Khi Khổ được diệt thì Niết bàn hiển hiện, đấy là hạnh phúc tối thượng, là niềm an vui trường cửu của một người tu học. Vì vậy, ai thực hành được những việc như trên là một người đang có nguồn phước đức rất lớn. “Chung đụng trong nhân gian Tâm không hề lay chuyển Phiền não hết, an nhiên, Là phước đức lớn nhất”.
Chúng ta sống trong thế gian chắc chắn phải va vấp bởi những điều không thuận ý vừa lòng, có những nhân duyên làm chúng ta cảm thấy phiền não, khổ đau, nhấn chìm ta trong trạng thái tiêu cực, bi quan. Nhưng cũng sẽ có những nhân duyên tốt đẹp khiến chúng ta mãi chạy theo vì nó khiến chúng ta ham thích, trưởng dưỡng lòng mê đắm trong ngũ dục. Nhưng người có thực tập lời Phật dạy, quán sát các pháp để nhìn thấy bản chất đều là Vô thường, Vô ngã sẽ giữ được tâm thế không lay động trước những được mất, hơn thua của thế gian. Lúc ấy, ta trở thành một người thật vững chãi, thảnh thơi, hoàn toàn an lành trước những ngọn gió cuộc đời. Và khi có đời sống đạo đức, có tâm thái định tĩnh, trí tuệ phát sinh sẽ phá tan được màn tối của vô minh phiền não; chúng ta sẽ tràn ngập trong sự hỷ lạc và bình an. Như vậy : “Ai sống được như thế Đi đâu cũng an toàn Tới đâu cũng vững mạnh Phước đức của tự thân”.
Đức Phật nói rằng bất cứ người nào sống và thực hành được như vậy, thì đi đâu cũng an toàn. Chúng ta an toàn vì có sự chở che của Chánh pháp, vì biết rằng những nhân lành đã gieo qua hành động, lời nói, suy nghĩ chắc chắn sẽ cho quả báu thiện lành trong tương lai. Chúng ta vững mạnh vì có được sự vững chãi trong học tập giáo lý và của sự tu tập Thiền định, Trì giới. Ba yếu tố này giúp mỗi người lớn mạnh thêm về đời sống tâm linh, xa rời các phiền não, cấu uế của kiếp sống thế gian và bước những bước chân vững chắc trên lộ trình của bậc thánh. Đấy chính là điềm lành, là phước đức của một người tu học.
Kết luận
Tóm lại, qua bài Kinh Phước Đức, Đức Phật đã chỉ ra một người có phước đức phải hội tụ những yếu tố nào. Đó là một người phải có sự chuyển hóa nội tâm từ tham, sân, si thành Giới – Định – Tuệ; là một người có những ứng xử phù hợp, hoà nhã với mọi người xung quanh, có lòng biết ơn, hiếu thảo, siêng năng thực hành các thiện pháp nhằm đem lại lợi ích cho mình và mọi người. Đặc biệt là phải thân cận những thiện hữu tri thức, những vị xuất gia chân chánh để học tập và hành trì những điều mà Đức Phật đã giảng dạy. Tất cả những điều đó đều đem đến cho chúng ta phước đức và người nào thực hiện được như vậy gọi là người có phước đức.
Trong kinh, Đức Phật cũng đã dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” [4]. Vì vậy, tất cả mọi hành vi, lời nói, suy nghĩ của chúng ta đều tạo nên Nghiệp và đấy chính là nhân, từ đó trở thành quả gọi là Nghiệp quả. Chúng ta phải là người chịu trách nhiệm cho những điều thiện – ác, may – rủi, hạnh phúc – khổ đau của chính mình, chứ không phải từ sự gia hộ hay trừng phạt của một đấng bề trên nào cả. Mục đích của việc tu tập chính là mong cầu giải thoát khỏi đau khổ, đạt được niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và xa hơn nữa là ra khỏi sự trói buộc của luân hồi sanh tử. Trên lộ trình đó, đòi hỏi mỗi hành giả phải trang bị cho mình thật nhiều thiện nghiệp và vô hiệu hoá các ác nghiệp đã gieo trồng từ quá khứ cho đến hôm nay. Khi thiện nghiệp được thực hành, ác nghiệp được tiêu trừ thông qua lời nói, hành động và suy nghĩ thì khi ấy chúng ta có được phước đức. Dẫu biết rằng, tha lực gia hộ của chư Phật, Bồ tát là một điều rất cần thiết trong vấn đề tâm linh, tuy nhiên chính sức lực của mình mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định vận mệnh chính mình.
Vì vậy, để có được sự an lành và sự che chở trong ánh sáng của Tam bảo, không gì khác hơn là chúng ta phải tự thân hành trì những điều đã được chỉ dạy trong Kinh Phước Đức. Có như vậy, mới đúng theo quy luật nhân quả, mới chính là sự cầu an chân chính nhất.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
*Tỳ kheo Thích Đức Kiên, Tăng sinh hệ Cử nhân Phật học – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.
[1] Thích Nhất Hạnh (2019), “Nhật tụng thiền môn”, Kinh Phước Đức, Nxb. Hồng Đức; TP HCM, tr.180.
[2] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ Tập I, Chương Hai: Tiểu Phẩm; Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.387.
[3] Thích Nhật Từ (2016), “Kinh Phật cho người mới bắt đầu”, Kinh Bốn ân lớn, Nxb. Hồng Đức, TP HCM, tr.57.
[4] Thích Minh Châu (dịch, 2015), “Kinh Tăng Chi Bộ I”, VI. Phẩm Triền Cái, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.673.