Đức Phật

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện người lái buôn lừa đảo

Chủ nhật, 28/10/2022 12:40

Này gia chủ, không phải chỉ nay nó mới là người đi buôn lừa đảo. Thuở xưa, nó cũng là người đi buôn lừa đảo rồi. Nay nó đang muốn lường gạt ông. như trước kia nó đã lường gạt các bậc hiền trí. Theo lời yêu cầu của người đi buôn hiền trí, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.

Audio

Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người đi buôn lừa đảo. Tại Xá-vệ có hai người cùng chung nhau làm nghề đi buôn, chở hàng hóa bằng xe, đi khắp toàn quốc, được tiền lời rồi đi về. Người đi buôn lừa đảo suy nghĩ:

“Người đi buôn này trải qua nhiều ngày ăn uống, ngủ nghỉ cực khổ, nên mệt mỏi. Nay về nhà, được ăn uống thỏa thích với các món ngon, nhiều thứ đặc biệt, nó có thể chết vì bội thực. Ta sẽ chia hàng hóa này thành ba phần, một phần cho con cháu nó, hai phần thuộc về ta”. Nghĩ vậy, kẻ ấy hẹn chia phần ngày này qua ngày khác, nhưng thực sự không muốn chia. Người đi buôn hiền trí không muốn bức bách kẻ ấy phải chia nên đi đến tinh xá đảnh lễ bậc Ðạo Sư và được tiếp đón thân tình. Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Có gì trở ngại lớn chăng? Sao nay ông mới đến đây, đã lâu rồi sao ông không đến hầu thăm Ðức Phật?

Ông đem tất cả câu chuyện thuật lại với Thế Tôn, bậc Ðạo Sư nói:

- Này gia chủ, không phải chỉ nay nó mới là người đi buôn lừa đảo. Thuở xưa, nó cũng là người đi buôn lừa đảo rồi. Nay nó đang muốn lường gạt ông. như trước kia nó đã lường gạt các bậc hiền trí.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện điềm lành của tên

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo lời yêu cầu của người đi buôn hiền trí, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh ra trong một gia đình thương gia, đến ngày đặt tên, được đặt tên là Pandita (bậc hiền trí). Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát cùng chung vốn với một người đi buôn khác. Người ấy tên là Ðại hiền trí. Họ chở hàng hóa trên năm trăm cỗ xe, đi khắp quốc độ, buôn bán hàng hóa, lấy được tiền lời rồi đi về Ba-la-nại. Ðến thời chia hàng hóa, Ðại hiền trí nói:

- Tôi phải lấy hai phần.

- Vì sao vậy?

- Bạn là Hiền trí, tôi là đại hiền trí, Hiền trí xứng đáng được một phần, Ðại hiền trí xứng đáng được hai phần.

- Hai chúng ta bỏ chung về tiền vốn, về bò xe... đều bằng nhau. Sao bạn lại được hai phần?

- Vì ta là Ðại hiền trí.

Như vậy, lời qua tiếng lại tăng thêm đi đến cãi lộn nhau. Ðại hiền trí nghĩa ra một kế, bảo cha mình trốn vào trong một bọng cây và nói:

- Khi nào hai chúng tôi đến, cha hãy nói: Ðại hiền trí xứng đáng được hai phần.

Rồi Ðại hiền trí đi đến Bồ tát và nói:

- Này bạn, tôi có xứng đáng được hai phần hay không, vị thần của cây này biết, chúng ta đến hỏi thần ấy.

Nó liền yêu cầu thần cây:

- Thưa vị thần cây, chúng tôi có sự tranh chấp, xin ngài giải quyết cho.

Người cha giả thần đổi giọng nói:

- Vậy hãy nói lên.

- Thưa ngài, người này là Hiền trí, tôi là Ðại hiền trí, chúng tôi cùng nhau buôn bàn. Ở đây cần phân chia lợi tức như thế nào?

- Hiền trí nên được một phần, còn Ðại hiền trí nên được hai phần. Bồ tát nghe lời phán quyết tranh chấp như vậy, quyết tìm xem đó có phải thần cây hay không, bèn đem rơm đến, bỏ đầy vào lỗ cây, rồi đốt lửa. Cha của Ðại hiền trí, thân bị đốt bởi ngọn lửa đang cháy, liền leo lên, vịn vào cành cây.

Vừa rơi xuống đất, ông vừa nói lên bài kệ:

Lành thay, vị Hiền trí!

Tên Ðại hiền không lành,

Vì con Ðại hiền trí,

Ta gần bị chết thiêu!

Sau đó cả hai chia đồng đều, lấy nửa phần bằng nhau... rồi về sau, khi mệnh chung, họ đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư kết luận với câu:

- Thuở trước, nó là người đi buôn lừa đảo cũng như bây giờ.

Và ngài nhận diện Tiền thân:

- Kẻ đi buôn lừa đảo lúc ấy là kẻ đi buôn lừa đảo hôm nay, còn người đi buôn hiền trí là Ta vậy.

loading...