Kiến thức
Câu chuyện xâu chuỗi bị đánh rơi
Thứ ba, 23/06/2023 11:30
Bà cụ ngồi trên ghế đá tay vân vê xâu chuỗi gỗ màu đen như một báu vật. Loại chuỗi hạt to thường dành cho chư tăng mang theo bên mình, nó đã lên nước bóng loáng.
Bà nói của một vị thầy đánh rơi nhưng không biết tên gì, chỉ biết vị ấy mang cái đãy màu vàng và còn trẻ. Tôi bật cười vì ngôi chùa này mấy chục vị thầy phần lớn đều còn trẻ, và hầu hết mang đãy màu vàng mỗi khi đi ra ngoài. Cũng có vị mang màu nâu nhưng quả là một bài toán khó nếu chỉ dựa vào đó để tìm ra vị thầy trẻ mang đãy vàng, giúp bà trả lại xâu chuỗi. Bà cứ ngồi chờ để gặp vị thầy và trả lại xâu chuỗi. Tôi ngồi chơi bên cạnh nhưng bà không có ý nhờ tôi giúp mang xâu chuỗi trả lại mà muốn mình tự tay đem trả. Người già là như vậy, sự cung kính và cố chấp làm nên một hành động kỳ quặc là ngồi cả ngày để chờ trả lại dù chẳng nhớ rõ đó là vị nào.
Một vài vị thầy đi ngang qua phía bà nhưng bà không tìm thấy người đánh rơi xâu chuỗi. Cho đến khi trời ngả về chiều thì bà mới chạy theo một vị thầy hối hả nhờ mang trả giúp vì bà còn phải về nhà. Vị thầy trẻ cũng không quan tâm gì đến bà mà chỉ coi như một hành động quấy rối nên có chút bực dọc, thầy đi thẳng, bỏ lại bà đứng ngẩn ngơ với xâu chuỗi trên tay. Quay về chỗ ngồi và lại nhìn xâu chuỗi một cách tội nghiệp. Bà xách giỏ và đứng dậy ra về.
Tôi không trách sự cung kính thái quá của bà cụ khi cố chờ đợi để trả đồ cho bằng được. Người già tâm sẽ như trẻ nhỏ vậy, họ muốn được quan tâm hơn bao giờ hết. Ở đây không bàn về khía cạnh hiểu biết và thực hành Phật pháp, chỉ là một chút đối đãi với người xung quanh. Có thể vị thầy nọ không biết rằng bà đã phải chờ đợi rất lâu để tìm người trả lại, để cảm thông và nhận lấy xâu chuỗi giúp bà, nhưng chí ít cũng nên lắng nghe một chút lời bà nói. Không cần phải tìm cho ra vị thầy kia để trả lại xâu chuỗi nhưng hành động nhận lời giúp bà cụ sẽ làm bà cảm thấy yên tâm và hạnh phúc, vì lòng nhiệt thành của mình đến phút cuối cũng có chút hồi đáp.
Trong cuộc sống có vô vàn những điều nhỏ nhặt có thể đem lại niềm vui cho người khác mà chúng ta đã vô tình bỏ lỡ. Đâu cứ phải vực người ta ra khỏi đau khổ mới là việc thiện, mà chắc gì chúng ta đã làm được việc ấy! Sống chậm lại mình sẽ nhìn thấy người xung quanh muốn gì, đó là hạnh phúc thực tại. Người học Phật nếu cứ mãi đi rao giảng những giáo lý cao thượng xa vời mà bản thân lại đánh rơi lòng từ bi của mình trong những điều nhỏ nhặt nhất thì lấy đâu làm nền tảng để phát triển đạo đức?
Còn biết bao nhiêu con người như bà cụ kia, luôn coi trọng và cung kính những vị tu hành như một sự hiện thân của đạo đức và sự cao cả để rồi chỉ một khoảnh khắc bị hụt hẫng đến cạn cùng. Họ không có đủ duyên lành để hiểu sâu hơn về Phật pháp, tất cả đều lấy niềm tin làm nền tảng. Vì vậy một khi niềm tin bị chà đạp bởi thực tế thì biết bao lâu mới xây dựng lại được. Thật đáng buồn!