Hỏi - Đáp
Chân tâm chính là tâm Phật
Thứ năm, 12/12/2023 07:51
“A Di Đà Phật” là cách niệm bằng tiếng Hoa, xin hỏi người nước ngoài tu pháp môn Tịnh Độ phải nên niệm như thế nào? Niệm tiếng Anh của A Di Đà Phật được không?
Bạn không cần phải lo lắng việc này, người nước ngoài có cách niệm của người nước ngoài, mỗi người đều có nhân duyên, có lẽ âm thanh này khác nhau không nhiều. Quan trọng nhất là tâm, tâm tương đồng với tâm của A Di Đà Phật, nguyện tương đồng với nguyện của A Di Đà Phật, hạnh tương đồng với hạnh của A Di Đà Phật, tín nguyện hạnh này ở đâu? Chính là những gì nói trong Kinh Vô Lượng Thọ. Cho nên không thể không đọc kinh. Thường xuyên đọc kinh, ghi nhớ những điều trọng yếu trong kinh, phải thực hiện, phải biến những điều đó thành tư tưởng hành vi của chính mình, chúng ta mới có thể tương ưng với Phật. “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Chúng ta nhìn thấy những thứ ưa thích, trong tâm liền khởi lên niệm tham, bạn nghĩ xem A Di Đà Phật có tham không? Chúng ta tham, A Di Đà Phật không tham, vậy không tương ưng với Ngài, đây không phải là niệm Phật. Gặp những việc không như ý, trong tâm chúng ta không vui, nổi giận, A Di Đà Phật có nổi giận không? Đây gọi là chân thật niệm Phật. Gần đây giảng Kinh Hoa Nghiêm đều là giảng những đạo lý này.
Chân tâm chính là tâm Phật, chân tâm của chúng ta với A Di Đà Phật, với hết thảy chư Phật Như Lai là một tâm, không phải là hai, “thanh tịnh tịch diệt, mảy trần không nhiễm”. Hỉ nộ ai lạc đều là phiền não, trong chân tâm không có, trong vọng tưởng phân biệt chấp trước thì có. Từ vọng tưởng khởi lên phân biệt, từ phân biệt khởi lên chấp trước, cho nên cái gốc của chấp trước phân biệt là vọng tưởng. Bạn ghi nhớ vọng thì là giả, không phải thật, cho nên phân biệt cũng không phải là thật, chấp trước cũng không phải là thật. Không phải thật mà bạn lấy làm thật thì nó sẽ khởi tác dụng. Tác dụng này sẽ sinh ra chướng ngại, chúng ta vĩnh viễn không thể quay về tự tánh. Không thể quay về tự tánh thì đó chính là tùy nghiệp mà lưu chuyển. Nghiệp là gì? Chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước, tùy theo cái này mà lưu chuyển, sự lưu chuyển này chính là Thập Pháp Giới. Nếu đọa lạc vào trong phân biệt chấp trước thì sẽ biến thành lục đạo luân hồi. Trong Tứ Thánh Pháp Giới không có chấp trước, phân biệt rất mỏng nhẹ, điều này rất quan trọng.
Cho nên tu hành, chân thật ở đâu? Ở trong hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh nhân sự thậm chí còn thù thắng hơn hoàn cảnh vật chất, bởi vì hành vi giữa người với người phần nhiều không hòa hợp. Bạn ở nơi này, bạn có thể tu nhẫn nhục ba-la-mật, tu trì giới ba-la-mật, bố thí là buông xuống, Lục Độ vạn hạnh tu ở trên nhân sự là thù thắng nhất, cũng là nhanh nhất. Càng là người không thể chung sống thì càng phải chung sống với người ta, thành tựu lục ba-la-mật của chính mình. Nếu không thể chung sống mà quay đầu bước đi thì chính là bạn không sẵn lòng nâng cao chính mình, không sẵn lòng tôi luyện bản thân, vậy làm sao có thể thành công? Cho nên càng là cảnh giới không tốt thì bạn càng có cơ hội tốt, bạn càng có thể nhanh thành tựu. Thuận cảnh tu hành khó, nghịch cảnh tu hành dễ. Nhưng người thông thường đều bỏ đi nghịch cảnh, đó là gì? Họ không muốn tu, vậy thì không có cách gì.
Chân thật là một người biết tu hành thì không ở chỗ hoàn cảnh, mà hoàn toàn trên nhân sự để rèn luyện tâm chí của mình, phải mài phiền não tập khí cho sạch sẽ, bất luận người nào cũng là người tốt. “Người người là người tốt”, tôi tin các bạn đều thừa nhận điều này. Phật nói “hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật”, Phật không phải là người tốt sao? Người người là người tốt, chính là người người đều là Phật, điều này phải biết, họ có Phật tánh. Phật tánh là gì? Là giác tánh, tai của bạn có thể nghe, mũi của bạn có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, ý có thể biết, thấy nghe hay biết chính là Phật tánh, người nào mà không có? Ai cũng có, đều có! Cho nên là Phật thật, không phải là Phật giả. Chỉ là kiến văn giác tri của họ dùng sai rồi. Đúng chính là tùy thuận pháp tánh, sai là trái với pháp tánh.
Mấy ngày nay đúng lúc chúng ta đang giảng đến chỗ này, trong đoạn này của Hoa Nghiêm nói đến Thập Thiện, tôi đặc biệt đem những gì gọi là thiện, những gì gọi là ác, nói rõ tường tận với mọi người. Nếu thiện và ác còn không phân biệt nổi, đều không biết, vậy thì không có cách gì. Lấy ác làm thiện. Người ác này ngày ngày tìm bạn gây phiền phức, ngày ngày đang huỷ báng bạn, ngày ngày đang hãm hại bạn, đó là thiện, ta có thể chịu nổi không? Liệu ta có thể ở trong cảnh giới này không khởi tâm oán hận không? Chỉ cần rèn luyện ở đây. Nếu không thì sự nhẫn nhục ba-la-mật đó từ đâu mà luyện thành công? Là ở chỗ này mà luyện thành công.
Bạn xem Nhẫn Nhục tiên nhân, đó là khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn là Bồ-tát, bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể, đây là đau đớn lớn nhất, ông ta muốn mạng của bạn, không phải là một dao giết bạn, mà ông ta dùng con dao nhỏ, cắt từng nhát từng nhát thịt, là xử tử bạn theo cách róc thịt bằng ngàn vạn nhát dao. Bồ-tát không có mảy may oán hận, hơn nữa còn phát nguyện, tương lai khi tôi thành Phật, người đầu tiên tôi độ là ông, vì sao vậy? Cảm ân! Nếu không phải là trải qua khảo nghiệm như vậy thì làm sao hiểu được bạn đạt nhẫn nhục ba-la-mật đến đâu, đã viên mãn rồi. Điều này người thường chịu không nổi, người thường thì sẽ hận đến cùng cực. Bồ-tát là thương yêu đến cùng cực, ta may nhờ ông ấy nên mới thành tựu, không có ông ấy, làm sao ta thành tựu được? Làm sao ta biết công phu của chính mình như thế nào? Cho nên nhất định phải hiểu điều này, thật không dễ. Nhưng người chân tu thì hiểu được. Chỉ cần bạn thông rồi thì pháp hỉ sung mãn, trên đường Bồ-đề nâng cao lên một bước rất dài.