Kiến thức

Chánh kiến với giới học Phật giáo

Chủ nhật, 01/10/2021 11:20

Chánh kiến thật sự cần thiết cho chúng ta trên con đường hướng thượng để làm cho tâm ý được thanh tịnh. Chúng ta cần thực tập Chánh kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; cả thân xác lẫn tâm ý đều thay đổi không ngừng.

Chánh kiến là cái thấy đúng, cái thấy chân chánh giúp cho chúng ta tìm ra những tiêu chuẩn để có thể biết rằng hành động đó là đúng hay sai, tốt hay xấu…, là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào trí tuệ mà thiết lập một sự phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều không nên làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để đánh giá các hành động.

Tuệ giác rất quan trọng, bởi không có trí tuệ, mình sẽ không biết được con đường nào nên đi và cần thực tập như thế nào. Ví như một người không phân biệt được thiện ác, không thấy rõ được lợi ích của việc hành trì giới luật thì họ đâu có hành trì và cho rằng đó là điều ràng buộc. Tuệ tức là Chánh kiến hay cũng có thể nói là như lý tác ý (Yoniso-manasikàra).[4]  Khi có Chánh kiến tức là Vô si, mình sẽ có được tư duy chân chánh. Chính sự tư duy như lý tác ý này giúp cho mình có được hành động đúng, hành động không gây khổ đau, không tàn hại môi sinh, không gây tác hại cho sự sống muôn loài. Nói cách khác, những hành động này đã vượt qua chướng ngại tham, sân, si. Như thế ta đã thực hiện được chi phần giới chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng trong Bát chánh đạo. Chính vì Chánh kiến có tầm quan trọng như vậy, Đức Phật đã nhấn mạnh chi phần này đầu tiên trong Bát chánh đạo, một phương hướng giúp cho con người thực hiện nếp sống đạo đức hướng thượng.

Chánh kiến là gì và lợi ích của chánh kiến

Chánh kiến là cái thấy đúng, cái thấy chân chánh giúp cho chúng ta tìm ra những tiêu chuẩn để có thể biết rằng hành động đó là đúng hay sai, tốt hay xấu…

Chánh kiến là cái thấy đúng, cái thấy chân chánh giúp cho chúng ta tìm ra những tiêu chuẩn để có thể biết rằng hành động đó là đúng hay sai, tốt hay xấu…

Ở mức độ tiên khởi của Chánh kiến, nó chính là Trạch pháp trong Thất giác chi. Yếu tố này giúp con người hiểu được mối tương quan nhân quả thông qua con đường nghe pháp và học pháp. Điều này hàm ý người có Chánh kiến thì đủ khả năng hiểu biết, nhận rõ mười Thiện nghiệp (Kusala kamma) và mười Bất thiện nghiệp (Akusala kamma) qua thân khẩu ý. Thiện nghiệp đem lại quả an vui, đó là những phước báu dẫn đến hạnh phúc đời nầy và đời sau. Do đó, mười thiện nghiệp được gọi là chánh nghiệp. Ngược lại, bất thiện nghiệp đưa đến những quả báo xấu và chúng dẫn đến khổ đau cùng bất hạnh ở đời này và đời sau. Cho nên, chúng được gọi là bất thiện nghiệp.

Chánh kiến giúp hoàn thiện về thân    

Như đã trình bày ở trên, Chánh kiến là tuệ tri được bản chất của thiện và bất thiện. Vậy thế nào là bất thiện, thế nào là căn bản của bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bản của thiện là những điều mà chúng ta cần được tìm hiểu.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối mặt với những công việc cần giải quyết: từ tư duy trí não cho đến nói năng, hành động. Tất cả đều chịu sự chi phối của ý thức và hành động được biểu hiện qua thân hành, khẩu hành cùng ý hành. Kết quả của hành động được đánh giá là thiện hay bất thiện tùy thuộc vào sự tác ý của chủ nhân hành động, nhưng căn bản trên bề mặt thân hành, chúng ta có thể tạm đánh giá qua ba phương diện như trong kinh Chánh Tri Kiến:

“Sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện và ngược lại từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Đồng thời căn bản của những bất thiện hay thiện pháp này chính là tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si.”[5]

Điều này cho chúng ta thấy chính quan kiến hướng dẫn hành động. Nếu hiểu biết sai lầm, chúng ta sẽ dễ dàng bị lạc lối, dẫn đến những hành động sai lầm và đưa đến khổ đau. Ngược lại, nếu hiểu biết chân chánh thì chúng sẽ đưa đến hành động đúng đắn và có thể hướng con người đến hạnh phúc, giải thoát khổ đau.

Một số nền đạo đức học tôn giáo thuộc Độc thần giáo như Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo không tin vào nhân quả mà chỉ căn cứ vào mệnh lệnh của đấng Thượng Đế với mười điều răn, xuất hiện qua lời mặc khải của Ngài.[6] Trong khi đó, năm giới, mười thiện nghiệp của đạo Phật thì không xuất phát từ sự phán quyết của Đức Thế Tôn mà xuất phát từ nhận thức giác ngộ của đức Thế Tôn. Nhận thức này có được do sự chứng đắc qua con đường thực tập hay qua sự tư duy theo con đường như lý tác ý. Ý thức được rằng sự hạnh phúc do không sát hại mang lại là nhờ vào sự hiểu biết về nhân quả, giữ tâm hồn thanh thản trong cuộc sống nên người ấy biết tránh ác và hành thiện.

Con đường đi đến thành tựu chánh kiến

Chánh kiến thật sự cần thiết cho chúng ta trên con đường hướng thượng để làm cho tâm ý được thanh tịnh.

Chánh kiến thật sự cần thiết cho chúng ta trên con đường hướng thượng để làm cho tâm ý được thanh tịnh.

Người thông hiểu nhân quả cũng biết rõ rằng chính những hành động thiện ác của họ đã làm cho đời sống họ hạnh phúc hay khổ đau. Người ấy biết rằng nguyên nhân trực tiếp của những dị biệt và bất bình đẳng về sinh trưởng trong cuộc đời này là những nghiệp thiện hoặc ác của mỗi cá nhân trong những kiếp quá khứ hay trong chính kiếp hiện tại này mang lại.[7] Và nhân cách của con người được hình thành chính từ những hành động có tác ý chân chánh hay không chân chánh. Sự tác ý đó giúp cho thân hành của mình được thanh tịnh nhờ vào những việc làm lành, tránh xa mọi công việc đưa đến hại mình, hại người như chú thuật, giết người, cướp của, lường gạt kẻ khác, v.v… Sự tác ý chân chánh sẽ hướng dẫn hành giả sống đúng với chánh pháp, biết lựa chọn những nghề nghiệp mang lại lợi ích, an vui cho mình và cho người. Đó gọi là nghề nghiệp sinh sống chánh đáng của một hành giả thực hành Chánh pháp của Đức Phật.

Khi ý thức được điều này, hành giả sẽ sớm hoàn thiện thân hành của mình – một phần trên con đường hoàn thiện đạo đức giải thoát. Như vậy, khi một người có Chánh kiến, hiểu được vị trí của họ trong vũ trụ huyền nhiệm này và cư xử đúng pháp, người ấy sẽ tiến bộ về phương diện đạo đức và tâm linh. Chánh kiến đã mở lối và hướng hành giả đến chứng ngộ Duyên Khởi Tánh và Tứ Đế. Như vậy, Chánh kiến đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tu tập Bốn chân lý. Trên cơ sở này, chúng ta có thể nói rằng Chánh kiến đi hàng đầu trong mọi pháp môn. Nhận thức sáng tỏ được vấn đề này còn gọi là Kiến đạo. Luận sư Vasubandhu đã nhấn mạnh rằng có thấy được đạo mới có thể tu và đắc đạo được. Ngài đã khẳng định rằng, một hành giả cần phải trải qua ba giai đoạn tu tập“Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo”[8] để bước lên con đường giác ngộ.

Chánh kiến giúp hoàn thiện về khẩu

Khi có Chánh kiến, mình sẽ có được tư duy chân chánh và hẳn nhiên là sẽ nói năng đúng phép như được ghi lại trong kinh Chánh Tri Kiến. Ngài Sàriputta nói: “Nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện… nhưng căn bản của chúng vẫn dựa trên nền tảng của tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si”.[9] Lời nói câu hữu với Avijja (vô minh) sẽ đưa hành giả vào ba đường ác. Ngược lại, lời nói chân thật, lời nói hòa hợp lợi mình lợi người, lời nói nhẹ nhàng không thô ác nặng nề, lời nói không thêu dệt phù phiếm sẽ câu hữu với Paññā (trí tuệ) và mang lại an vui hạnh phúc. Ví như có người thóa mạ, buông lời chỉ trích, kết tội vu oan cho người khác, nếu người nghe sanh tâm phiền não, nóng giận thì lập tức ứng xử thiếu bình tĩnh và thiếu chánh kiến. Trong tình huống này, người ấy sẽ có lời qua tiếng lại. Khi sân hận gặp sân hận thì phiền não, thù hận theo đó tiếp diễn và đưa đến hậu quả khôn lường. Thế nhưng, khi chúng ta bình tĩnh suy xét với cái nhìn của Chánh kiến, chúng ta sẽ thấy được đầu mối nguyên nhân dẫn đến bất hòa. Có thể do sự hiểu lầm của người kia hoặc có thể đó là lỗi ở mình để tìm giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa. Hơn nữa, trong những tình huống như vậy, chúng ta cần vận dụng Chánh kiến để thấy rằng thân ngũ uẩn này là giả hợp, không có gì là sở hữu của ta thì ngọn lửa sân hận sẽ không phát ra và nếu đã bùng nổ, chúng sẽ chóng tàn và không mang lại nhiều não hại cho người khác. Vì thế mà Chánh kiến diệt trừ được các ảo tưởng, giúp hoàn thiện khẩu hành và nhận chân được thật tướng của các pháp như trăng thoát mây che.

Hơn nữa, khi ngôn ngữ được sử dụng một cách chân chánh thì hành giả có thể giải quyết mọi vấn đề êm đẹp trong hòa ái, mang lại tinh thần đoàn kết, góp phần thiết lập một thế giới đại đồng, hòa bình và thịnh trị ở khắp mọi nơi. Nói cách khác, Chánh kiến trong việc sử dụng ngôn ngữ, lời nói được thiết lập thì sẽ xuất hiện sự cảm thông. Đây cũng chính là Chánh ngữ trong Bát chánh đạo. Khi mình đã ý thức được từng lời nói, lúc nào cũng nói lời hay, lẽ thật mang tính chất xây dựng và thương yêu thì làm gì có chuyện đạo đức xã hội băng hoại hay xuống cấp trầm trọng. Do đó, Chánh kiến có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống đạo đức Phật giáo cũng như giáo lý của Phật-đà. Chính vì sự hiểu biết chân chánh sẽ đưa đến tư tưởng, lời nói và hành động chân chánh. Nhờ Chánh kiến mà chúng ta diệt trừ được ác nghiệp, tinh tấn thực hành thiện pháp để hoàn thiện nhân cách hơn. Đây cũng là điều đạo đức xã hội hướng tới. Thế nhưng, đạo đức xã hội hầu như chỉ dừng lại trên bề mặt điều chỉnh hành vi và chưa thể diệt trừ được tận gốc rễ căn nguyên tham, sân, si cùng sự tiến sâu vào con đường hoàn thiện trong suy tư và ý nghĩ. Chánh kiến của Phật giáo có thể góp phần làm nền tảng cho con đường hoàn thiện tư duy và ý nghĩ.

Có hai loại chánh kiến

Chúng ta cần thực tập Chánh kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; cả thân xác lẫn tâm ý đều thay đổi không ngừng.

Chúng ta cần thực tập Chánh kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; cả thân xác lẫn tâm ý đều thay đổi không ngừng.

Chánh kiến giúp hoàn thiện về ý nghĩ 

Trong Kinh Pháp Cú kệ số 1 và 2, Đức Thế Tôn đã đề cao vai trò của ý thức như là một vị vua có đủ mọi quyền hành điều binh khiển tướng và mọi thành công hay thất bại đều do sự chỉ huy của vị vua này. Ý nghĩ của chúng ta có đủ quyền uy để dẫn dắt con người đi trên đạo lộ thanh tịnh hay đạo lộ khổ đau. Tất cả những con đường ấy đều tùy thuộc vào sự phân biệt, quyết định của mỗi cá nhân. Vì thế hành giả tu tập theo chánh pháp của Phật thì trước hết phải thanh tịnh hóa ý nghiệp trong từng ý nghĩ, nghĩa là ý không bị tham, sân, si chi phối. Nói cách khác, ý không nghĩ đến những điều ác hại mình, hại người mà phải có những ý nghĩ đem lại lợi ích cho chính mình và mọi người chung quanh, gồm những người thân của mình và xa hơn nữa là xã hội. Đức Như Lai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Như lý tác ý (Yoniso manasikāra) bằng những lời dạy rất rõ ràng:

“Như Lai tuyên bố có sự đoạn trừ các lậu hoặc chỉ cho người biết, cho người thấy chớ không cho người không biết, không thấy. Và này các Tỳ-khưu, do biết gì, do thấy gì, Như Lai nói là có đoạn trừ các lậu hoặc, có tác ý chân chánh và có tác ý không chân chánh? Này các Tỳ-khưu, đối với vị nào tác ý không chân chánh, các lậu hoặc chưa sanh sẽ khởi lên, và các lậu hoặc đã sanh càng thêm tăng trưởng; và này các Tỳ-khưu, đối với vị nào có tác ý chân chánh, các lậu hoặc chưa sanh sẽ không khởi lên và các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ.”[10]

Chính như lý tác ý hướng dẫn những hành động và làm nhân cho con đường hạnh phúc. Những hành động phát xuất từ nhận thức đúng đắn của như lý tác ý là những hành động xuất phát từ một tâm thức không bị tham, sân, si chế ngự; và do đó, mọi lậu hoặc hay ác nghiệp không có điều kiện để phát triển. Khi hành động với như lý tác ý, chắc chắn hạnh phúc sẽ đến với người hành động cũng như người chịu tác động của những hành động này. Khi có Chánh kiến, hành giả hành động thiện xảo, giới thanh tịnh được hình thành. Sự tốt đẹp của giới thanh tịnh làm nền cho hệ thống đạo đức Phật giáo phát triển. Do đó, Chánh kiến thật sự cần thiết cho chúng ta trên con đường hướng thượng để làm cho tâm ý được thanh tịnh. Chúng ta cần thực tập Chánh kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; cả thân xác lẫn tâm ý đều thay đổi không ngừng. Khi thấy được bản chất ấy, ta sẽ không quá bám víu, chấp chặt vào các sự vật hiện tượng trong thế giới tương đối, trước mọi tình huống cứ bình tĩnh, vui tươi và thoải mái giải quyết mọi vấn đề. Có như thế thì tinh thần sẽ được cân bằng, giảm bớt những lo âu, căng thẳng. Đồng thời Chánh kiến giúp cho mọi người có được những suy tư đúng đắn, chân chính và đây chính là nhân cho định phát sanh.

Chú thích:

1] Jung, Man and His Symbols. (New York: Dell Publishing, 1964), 91; Thích Nữ Hương Nhũ, Vài Nét Về Tâm Lý Học Phổ Thông Và Tâm Lý Phật Giáo, http://www.vnthuquan.net.

[2] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I – Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.

[3] Sđd, tr.116.

[4] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I – Kinh Tất Cả lậu Hoặc (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 24.

[5] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I – Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.

[6] Mặc khải hay còn gọi là Thiên khải, có nghĩa là những lời dạy của Thượng Đế, truyền lại cho con người qua một nhân vật nào đó và bắt buộc mọi người phải tin theo.

[7] Tuy là những hành động thuộc kiếp sống hiện tại nhưng suy cho cùng thì những hành động ấy vẫn thuộc về quá khứ so với hiện tại lúc thọ quả diễn ra.

[8] Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2006), 279.

[9] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I – Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.[10] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh- Kinh Đoạn Trừ Lậu Hoặc (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 20.

loading...