Sống an vui
Chánh niệm tỉnh giác là chìa khóa của trí tuệ
Thứ bảy, 22/07/2022 09:23
Chữ “biết” là một chữ vô cùng vi diệu thâm sâu trong tâm, vì biết đây là trí tuệ. Đức Phật dạy rằng: với người thường, không thể diệt trừ hết tâm tham. Nhưng chỉ cần “khi tâm có tham biết là tâm có tham” thì tham sẽ từ từ giảm bớt.
Chánh niệm (sati) là trí nhớ ghi nhận những gì đang xảy ra ngay trong hiện tại.
Tỉnh giác (saṁpajañña) là sự hiểu biết rõ ràng.
Trong thiền tập, tỉnh giác có nghĩa: thấy đề mục một cách rõ ràng và quân bình.
Hai pháp này thường đi đôi với nhau và được gọi chung là Chánh niệm - Tỉnh giác (satisaṁpajañña).
Ý nghĩa là ghi nhận những hiện tượng thân tâm đang xảy ra ngay bây giờ, và thấy chúng một cách chính xác, trọn vẹn và biện biệt.
● Đặc tính của chánh niệm là chìm sâu vào đề mục chứ không hời hợt, bềnh bồng trên bề mặt.
● Công năng của chánh niệm là không xa rời đề mục, bám giữ đề mục.
● Biểu hiện của chánh niệm là đối diện với đề mục và bảo vệ tâm khỏi sự chi phối của phiền não.
● Nguyên nhân phát sinh chánh niệm là sự ghi nhận chính xác, tức thì và liên tục đề mục đang sanh khởi.
Như vậy, nhiệm vụ của thiền sinh là chánh niệm ghi nhận tất cả các đối tượng tốt cũng như xấu đang sanh khởi, nổi bật trong hiện tại một cách khách quan mà không lựa chọn, phân biệt hay phê phán.
Công việc của thiền sinh cũng giống như công việc của người gác cổng quan sát khách vào ra. Hay như phần hành của người thư ký chuyên ghi chép tất cả sự kiện trên mọi giấy tờ nào đến văn phòng.
Thường thiền sinh chỉ thích ghi nhận hoặc tường trình những kinh nghiệm nào tốt, cảm giác nào thoải mái, mà ít chịu chấp nhận hay chú tâm theo dõi những gì cho là xấu, không dễ chịu. Đối tượng tự nó không tốt, không xấu, và nhiệm vụ của thiền sinh là hay biết, ghi nhận đối tượng ngay khi chúng sanh khởi. Bụng phồng biết là phồng. Bụng xẹp biết là xẹp. Đau biết là đau. Ngứa biết là ngứa. Phóng tâm biết phóng tâm. Tâm định biết tâm định. Tâm hoài nghi biết tâm có hoài nghi. Tâm mong cầu biết là tâm có mong cầu. Tâm đánh giá biết là tâm đang đánh giá. Tâm có tham biết là tâm có tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm có si biết là tâm có si. Nghe biết là nghe. Thấy biết là thấy… Đề mục như thế nào, hành giả khách quan chú tâm ghi nhận đúng như nó là vậy, không thêm không bớt. Đó là chánh niệm.
Mọi động tác, tiểu oai nghi như co duỗi tay chân có chánh niệm cũng đều là tu. Ban đầu còn niệm thầm, nhưng về sau chỉ có sự hay biết. Chữ “biết” là một chữ vô cùng vi diệu thâm sâu trong tâm, vì biết đây là trí tuệ. Đức Phật dạy rằng: với người thường, không thể diệt trừ hết tâm tham. Nhưng chỉ cần “khi tâm có tham biết là tâm có tham” thì tham sẽ từ từ giảm bớt.
Tham, sân, si làm tâm thay đổi, như màu bỏ vào nước trong, làm nước đổi màu. Thay đổi gây đau khổ. Si làm tâm quên. Sự quên là cái chết vi tế trong từng sát na mà ta không hay biết. Hành thiền là để loại bỏ các trạng thái tham, sân, si của tâm. Hay chính xác hơn, để tâm được thanh lọc và thấy rõ bản chất thực sự của các hiện tượng danh sắc. Hầu loại trừ sự dính mắc vào các hiện tượng này, ta phải tu tập Giới, Định, Huệ.
Đây là con đường Bát Chánh Đạo để vun bồi tâm linh, đặt căn bản trên pháp hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, là “con đường duy nhất để thanh lọc tâm, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết - bàn”. Khi sự ghi nhận được liên tục, chánh niệm sẽ vững vàng, tâm định trở nên mạnh mẽ có khả năng xuyên thấu để thấy đặc tính riêng và đặc tính chung vô thường, khổ, vô ngã của các hiện tượng danh sắc đang sanh khởi. Như vậy, chánh niệm là chìa khóa của trí tuệ. Do đó, thiền sinh nên nỗ lực ghi nhận đề mục liên tục để vun bồi chánh niệm, hầu phát triển tuệ giác minh sát trong suốt khóa thiền.