Kiến thức
Chánh niệm trước ác ma
Chủ nhật, 28/09/2021 09:20
Phật giáo không khuôn định “ma” vào một đối tượng cụ thể của lục đạo như các chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Ví dụ như Ma vương hay Thiên tử ma, Thiên ma Ba tuần là Tha hóa tự tại thiên, trụ ở tầng trời thứ sáu của cõi Dục.
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện khác trong kinh điển Nam lẫn Bắc truyền cũng cho thấy ma thường thuộc cảnh giới ngạ quỷ, có khi địa ngục.
Trong Phật giáo, “ma” không chỉ là những chúng sanh cụ thể; bởi Phật giáo phân chia hai loại ma: nội ma và ngoại ma. Tuy vậy, một định nghĩa chung nhất trong Phật giáo, “ma” là những đối tượng phá hoại tâm chí cầu đạo, ngăn trở việc thiện, phá hoại mạng sống chúng sanh. Đối tượng đó gồm những ác quỷ thần và đặc biệt là tâm ô nhiễm của mỗi người.
Việc quan trọng nhất của hành giả tu tập chính là tịnh hóa tâm ô nhiễm. Một khi tâm không bị ô nhiễm bởi tham, sân, si thì dầu những ngoại ma mạnh mẽ nhất cũng không thể làm hại.
Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật thành đạo?
Trong bài kinh Hàng ma, thuộc kinh Trung bộ, có kể câu chuyện về Tôn giả Mục Kiền Liên bị ác ma đi vào bụng, trụ ở bao tử của ngài. Tôn giả Mục Kiền Liên quán thấy và bảo ác ma: “Hãy đi ra, ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai, và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài”. Ác ma bị Tôn giả nhận thấy và nói lên suy nghĩ của nó, bèn đi ra và dựa nơi cửa miệng Tôn giả. Tôn giả Mục Kiền Liên một lần nữa bảo ác ma hãy đi ra, nhân đó ngài kể lại tiền kiếp cũng như những việc làm bất thiện quấy nhiễu những người tu hành của ác ma.
Chuyện kể rằng, thuở ấy, ác ma tên Dusi, đã nhập vào Bà-la-môn gia chủ, đi đến phỉ báng, mắng chửi các vị Tỳ-kheo tu hành phạm hạnh bằng tất cả những lời nặng nề, thô bỉ nhất với suy nghĩ: “Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại…, các vị ấy có thể đổi tâm, và như vậy ác ma mới có dịp để chi phối họ”. Nhưng các vị Tỷ-kheo, do nghe theo lời dạy của Đức Phật Câu Lưu Tôn, chánh niệm trước ác ma, dùng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả quảng đại, vô biên, không hận, không sân, an trú, biến mãn cùng khắp. Ác ma do đó không làm hại, không chi phối được các vị Tỳ-kheo.
Không thể dùng sự xúc xiểm để não hại, ác ma bèn thay đổi phương thức, nhập vào Bà-la-môn gia chủ, đi đến “tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh” với suy nghĩ: “Do được tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ”. Một lần nữa, nhờ chánh niệm quán bất tịnh trên thân, quán tưởng nhàm chán đối với các món ăn, quán tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành, các Tỳ-kheo không bị lay động bởi những lời ca nịnh của ác ma. Các Tỳ-kheo do vậy và an ổn, thăng tiến trên con đường Chánh đạo.
Từ câu chuyện tiền thân của Tôn giả Mục Kiền Liên và ác ma, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự nguy-hiểm-tinh-tế của ma. Trong khó khăn, hoạn nạn, nhiều người tu vẫn giữ vững Chánh đạo. Ngược lại, trong sự đủ đầy, sung mãn, với danh vọng và sự cúng dường, không ít hành giả đã bị ma đánh cho ngã gục. Thế mới hay, vị ngọt của các dục còn nguy hiểm hơn cả hố chông, hầm lửa, mà hành giả luôn cần phải chánh niệm để giữ vững con đường Trung đạo.