Kiến thức

Chánh tư duy là gì?

Chủ nhật, 01/09/2021 08:21

Chánh là ngay thẳng. Tư (思) và Duy (惟) đều thuộc bộ tâm. Tư duy là quá trình vận hành của não bộ giúp con người suy nghĩ, xem xét, giải quyết những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.

Chánh tư duy là suy nghĩ chân chính, đúng với lẽ phải

Chánh tư duy là suy nghĩ chân chính, đúng với lẽ phải

Chánh tư duy là suy nghĩ, xem xét, giải quyết đúng vấn đề. Người có chánh tư duy dễ dàng thực hiện thành công mục tiêu lý tưởng của mình. Hành trì chánh tư duy luôn đem lại chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, bởi tư duy là cơ bản của lời nói và của hành động

Chánh tư duy giúp con người có được chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh tuệ. Bởi người tư duy đúng mục tiêu lý tưởng sẽ có niềm tin, siêng năng và chú tâm đến mục tiêu lý tưởng mình đặt ra. Tuệ là ngọn đuốc giúp thấy được quy luật vô thường, khổ không, vô ngã của vạn vật. Phật dạy người tu không chỉ chánh tư duy về sắc thân mà phải quán sát và biết thật tướng của bốn uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức). Bởi sắc thân, thọ, tưởng, hành, thức (ngũ uẩn) tương tức với nhau tạo thành thân và tâm. Người không có chánh tư duy cho rằng thân mạng là thường hằng là của riêng mình. Người không có chánh tư duy luôn tham lam, luyến ái. Tâm dính mắc với thường hằng, cái ngã.

Vì vậy Phật dạy nếu chánh tư duy về sắc thọ, tưởng, hành, thức, người quán sát thấy rằng thật tướng của sắc thọ, tưởng, hành, thức là vô thường theo quy luật Khổ, Không, Vô ngã, thì tham dục được đoạn trừ. Bởi do tham dục được đoạn trừ mà người thực hành chánh tư duy giải thoát khỏi khổ đau.

Suy nghĩ đúng đắn luôn có chánh kiến soi rọi, không thể mang lại phiền muộn, khổ đau cho ai, đó là mối quan hệ nhân quả về mặt tâm lý.

Suy nghĩ đúng đắn luôn có chánh kiến soi rọi, không thể mang lại phiền muộn, khổ đau cho ai, đó là mối quan hệ nhân quả về mặt tâm lý.

Dưới đây là Bài Kinh Chánh tư duy trong Tạp A Hàm Kinh: 

CHÁNH TƯ DUY [1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sắc, các thầy hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với sắc mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức các thầy hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật… thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với thức mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật… thức là vô thường, thì đối với thức, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.

“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Cũng như tư duy chân chánh về vô thường, khổ, không, phi ngã cũng như vậy.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

[1] https://legacy.suttacentral.net/lzh/sa2

loading...