Kiến thức

Chế ngự tâm, soi lại chính mình

Thứ năm, 12/10/2022 01:08

“Cần chi phải vào nơi hẻo lánh; Để giữ thân thoát cảnh mê lầm; Chỉ cần chế ngự được tâm; Bao điều hạnh phúc sẽ ngầm nhân đôi”.

Thật vậy, nếu tâm không ngừng phóng dật, không quyết tâm đoạn trừ dục vọng thì dù có rời xa phố phường sống ẩn nơi rừng sâu, núi thẳm cũng vô ích, phiền não vẫn hoài phiền não. Còn như biết điều phục tâm, chế ngự được tâm, thì trong lòng mãi bình yên không dậy sóng, tâm không buồn bã ưu sầu, sẽ an nhiên tự tại trước những chướng duyên, nghịch cảnh. 

Tự mình tích góp phước đức để làm hành trang cho chính mình vượt qua bão giông sầu muộn trên cuộc đời này.

Tự mình tích góp phước đức để làm hành trang cho chính mình vượt qua bão giông sầu muộn trên cuộc đời này.

Có câu nói: “Người đẹp nhờ lụa” và đời sẽ đẹp nhiều hơn thế nếu: “Người đẹp nhờ đạo hạnh”, cố gắng mỗi ngày chế ngự được tâm và thường xuyên soi sáng lại chính mình. Khi tâm thanh tịnh, chắc chắn sẽ tĩnh lặng như mặt hồ không gợn sóng. Khi soi sáng lại chính mình sẽ buông bỏ được mọi phiền não và ngăn mầm bất thiện, không cho chúng đâm chồi. 

“Tâm mà phẫn nộ khổ sầu vây 

Hướng thiện thù buông hạnh phúc gầy 

Tức giận vì sân người mệt mỏi

Tu hành nhịn xả vạ nào lây”. 

Dù xuất gia hay tại gia, giàu hay nghèo, nam hay nữ, trẻ hay già cũng đều phải biết điều tiết, chế ngự tâm mình. Nếu đã sinh ra trên cõi đời này, tất nhiên đã mang trên mình nghiệp quả tiền kiếp. Sắc vóc, trí tuệ, sức khỏe… ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của nghiệp báo. Đây là luật nhân quả rõ ràng. Gieo phước gặt phước, gây tội lãnh tội là lẽ đương nhiên. Bởi:

“Nhân quả thì không tránh khỏi được đâu

Từ muôn thuở trồng bầu không gặt táo

Ươm bí đỏ chẳng ra dừa lúa gạo

Lẽ đương nhiên vì cáo chẳng sanh mèo”.

Phước báu cho những ai khi tái sanh được sanh vào gia đình có đạo đức, được xinh đẹp tướng mạo đoan trang, trí tuệ tài giỏi, hay mạnh khoẻ lành lặn đầy đủ tứ chi, ấy là quả ngọt thiện lành do chính bản thân đã gieo trồng, cần phát triển hạnh lành để đức thêm dày. Việc thiện cần duy trì và phát triển, nếu biết việc đó bất thiện nên ngừng hẳn không làm nữa hoặc đừng bao giờ tham gia. 

“Hãy giữ lời thầy đã dạy ta

Trần gian lẫn lộn cảnh gian tà

Đừng do lợi lộc mà gieo ác

Những chuyện ươn hèn phải tránh xa”.

Trong chốn Thiền môn, ta vẫn thường nghe các vị Thiền sư dạy bảo thiền sinh và nhắc nhở học trò rằng: “Phàm làm việc gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó”. Những bậc Tổ sư thường lấy kết quả trải nghiệm trong đời tu của mình để dạy lại và sách tấn hàng hậu học. Có câu: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, những bậc trí, những vị tu hành với sự hanh thông của người có trí tuệ đều rất thận trọng trong mỗi suy nghĩ và hành động, không để tâm sinh khởi những điều tội lỗi dù chỉ là một niệm nghĩ suy nghĩ. Còn chúng sanh nói chung, đa số khi tâm khởi sinh dục vọng hay sân si thì đều làm theo ý mình muốn, đến khi hậu quả khổ sầu rồi mới ăn năn thì đã muộn.  

“Soi tấc dạ tẩy vơi bụi bẩn 

Tránh gây thù nhịn nhẫn mọi khi 

An nhiên chốn tĩnh tu trì 

Phật môn lặng lẽ khắc ghi lời vàng”.

Trong xã hội ngày nay, biết bao người ngồi khóc cho thanh xuân bị chôn vùi trong ngục tù khổ não, có những hoàn cảnh đáng thương, chỉ vì lỡ tay một phút nông nổi khi tâm bị mất kiểm soát, cái giá phải trả cho một phút thất niệm để tâm phẫn nộ là cả một vùng trời riêng bình yên mà bản thân họ không muốn bị đánh mất. Như vậy, đâu phải chỉ mỗi người xuất gia tu hành nơi cửa Phật mới phải chế ngự tâm, mà cả người thế gian không khoác áo cà sa cũng cần chế ngự tâm để cuộc sống bình yên, an lành.

“Trong cuộc sống xô bồ hỉ nộ

Có nhiều điều cám dỗ người ta

Gìn tâm tránh bị sa đà

Con đường hạnh phúc chẳng xa sẽ thành”.

Thời đại nào cũng có thiện và ác, chánh và tà. Đất nước nào cũng có người tốt và xấu, người giàu và nghèo. Ở nơi nào cũng có buồn và vui. Vậy nên, ta phải tự mình chọn con đường chân chánh để đi và chọn lương thiện để sống. Nếu không muốn điều chi kém may mắn trong đời, bản thân phải biết chế ngự tâm theo bổn phận của mình. Người xuất gia có bổn phận của người xuất gia, người tại gia cũng có bổn phận của người tại gia. Ví dụ điển hình người xuất gia phải đoạn hẳn dục, cần chế ngự tâm không cho sanh khởi ái dục. Còn người tại gia giữ giới không tà dâm, nhưng cũng cần chế ngự tâm ngăn ngừa tham lam, say đắm sắc để không phạm lỗi tà dâm. 

“Nguyện giữ cho mình tánh thiện chân

Dồi trau đức hạnh gắng chuyên cần

Mê lầm cố chấp đời thêm khổ

Tỉnh ngộ buông rời sẽ nhẹ thân”.

Hay:

“Tự mình xem xét bản thân

Ngừa tâm phóng dật sẽ dần được an

Đừng do nóng giận làm càn 

Để không mắc phải lầm than cuộc đời”.

 

Hoặc:

“Kiếp này ráng giữ hiền lương

Từ bi hỉ xả đẹp đường kiếp sau

Thiện lương thì đức thêm giàu

Tâm mà trong sáng sẽ mau yên lòng”.

Một ngày thực hành thiền buông thư sẽ cho ta cảm giác bình yên, an lạc. Một phút bị tam độc tham – sân – si sai khiến, ta sẽ nhận cả một mớ khổ sầu tâm can dần tăng cảm giác khổ đau, tức tối bực bội, tự thấy bản thân bị tổn thương, mệt mỏi như thịt xương mình sắp hoại tử. Không gì đáng sợ bằng con sóng thần hung tợn trong tâm, tâm bất thiện còn kinh khủng hơn ngọn núi lửa đang phun trào, khiến cuộc sống đầy sự sợ hãi, đau khổ ngập tràn. Hiểu được như thế, ta hãy tập ngồi yên, yên từ thân lẫn tâm, trân trọng yêu thương xác phàm này. Hãy cảm ơn, vì nhờ nó ta thực hành được lời Đức Phật dạy, hít sâu thở nhẹ, thở thật nhẹ nhàng trong tỉnh thức, thư giãn rồi tự quyết định cuộc sống mà bạn cho rằng bản thân xứng đáng, chọn buông bỏ hay cố chấp ôm giữ, thiện hay ác, đạo đức hay bất nhân, làm chủ mình hay để phiền não quấy nhiễu, tất cả chỉ một sự quyết tâm từ bản tâm đã được chế ngự. 

“Muốn cho buồn khổ cách rời

Tâm hồn nhàn nhã thảnh thơi moi ngày

Ta cần tu tỉnh mình ngay

Gieo mầm lương thiện sẽ hoài an nhiên”.

Nếu chúng ta phát nguyện sống đời tỉnh thức, quy y Phật, hướng thiện, thực hành theo chánh pháp, thân cận bậc trí, tu nhân tích đức, sống đúng chân lý học được từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chế ngự tâm để tâm thanh tịnh không dính bụi trần thì không còn lo ngại vấn đề đau khổ hay phiền não, sẽ được an lạc ngay đó thôi. Hãy thử trải nghiệm thiền để tự mình kiểm nghiệm nếu chưa đủ duyên với Tam bảo, không tốn tiền hay tổn thọ khi tự mình tu tập tạo công đức cho chính mình. Tự mình tích góp phước đức để làm hành trang cho chính mình vượt qua bão giông sầu muộn trên cuộc đời này.

loading...