Lời Phật dạy
Chết an lành
Thứ hai, 06/03/2024 09:45
Chết an lành là mong mỏi to lớn và sau cùng của một kiếp nhân sinh. Ngoài đời hằng mong sinh thuận tử an. Trong đạo cũng cầu an tường xả báo, thâu thần thị tịch. Mong cầu thì như vậy nhưng sự thật luôn phũ phàng.
"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:
- Làm thế nào một Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành?
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
- Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền; đó gọi là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
- Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
- Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo chứng đắc như ý túc về thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
- Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
- Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết được an lành, mạng chung được an lành".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh A-na-luật-đà, số 218 [lược])
Không có gì là thật ngoài cái chết
Lời bàn:
Chết an lành là mong mỏi to lớn và sau cùng của một kiếp nhân sinh. Ngoài đời hằng mong sinh thuận tử an. Trong đạo cũng cầu an tường xả báo, thâu thần thị tịch. Mong cầu thì như vậy nhưng sự thật luôn phũ phàng. Một cái chết với thân đầy đau đớn, tâm mê mờ hoảng loạn sẵn sàng chờ đợi bất cứ ai.
Thời Thế Tôn còn tại thế, các Tỳ-kheo cũng ưu tư về vấn đề này. Tôn giả A-na-luật-đà là bậc thiên nhãn, thấu rõ lẽ tử sinh nên đã khai thị cho các Tỳ-kheo, những ai chứng đắc thiền thứ tư (Tứ thiền) mới được gọi chết an lành.
Bốn thiền chính là nội dung của Định học Phật giáo. Với sự hỗ trợ của giữ giới, tiết độ trong ăn uống, hộ trì các căn, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, đoạn trừ năm triền cái (hôn trầm, nghi ngờ, sân hận, trạo cử, tham dục) bằng cách phát triển năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) liền chứng thiền thứ nhất (Sơ thiền). Thiền thứ nhất, thiền thứ hai (Nhị thiền), thiền thứ ba (Tam thiền) có bản chất an tịnh và hỷ lạc. Sự hỷ lạc này vi diệu và sung mãn vượt thắng tất cả dục lạc của thế gian.
Thiền thứ tư (Tứ thiền) là xả niệm thanh tịnh, nhất tâm an tĩnh tuyệt đối. Chứng đến Tứ thiền có thể xem là người phúc lạc, an lành bậc nhất. Những ai thuần thục Tứ thiền cho đến khi mạng chung mới có thể gọi chết an lành. Với cơ sở này, xem ra việc an tường xả bỏ báo thân chẳng phải dễ dàng. Từ đây có thể thấy, tất cả những vật hay việc ngoài thân như chức vụ, địa vị, danh xưng, chùa to, tài sản lớn, tín đồ đông v.v…đều không giúp ích cho việc chết an lành, thậm chí ngược lại.
Đoạn kinh này cảnh tỉnh chúng ta về một cái chết chẳng lành nếu mải mê hướng ngoại mà buông rơi thiền định. Nhắc nhở chúng ta không tin tưởng mơ hồ sẽ có kết quả tốt đẹp như “nhẹ gót về Tây”, “an tường thị tịch” nếu chưa chứng đến Tứ thiền. Nhân quả luôn rõ ràng, sống an lạc mới mong chết an lạc.
Từ Tứ thiền, tiếp tục phát huy thiền quán quét sạch mười kiết sử lần lượt chứng đắc từ Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán. Bậc A-la-hán mới thực sự chết an lành, “tịch diệt vi lạc”.