Kiến thức

Chiếc bình bát của Đức Phật hiện đang ở đâu?

Thứ bảy, 23/05/2021 10:38

Chiếc bát được làm bằng đá rắn đường kính khoảng 1,7 mét và độ dày của vành là 18 cm, nặng khoảng 400 kg. Bát được khắc hoa sen bên ngoài với độ bóng cao, đặc trưng của đá Mauryan. Nó có màu xanh đen huyền bí.

Đầu tháng 5-2014, một nhóm các quan chức của Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đến Kabul để chính thức kiểm tra xem liệu di tích khổng lồ được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Kabul thực sự là ‘chiếc bát khất thực’ mà Đức Phật đã sử dụng trong thời gian ở Vaishali vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Vấn đề này đã được đưa ra ánh sáng và được theo đuổi sau khi nhà lãnh đạo RJD tiến sĩ Raghuvansh Prasad Singh đã hỏi về điều này ở Quốc hội năm ngoái và chất vấn tại sao Ấn Độ không nỗ lực để đưa nó trở lại.

Nhóm của ASI ở Kabul sẽ cố gắng tìm hiểu xem liệu di tích được đề cập đến, được trưng bày gần lối vào của bảo tàng Kabul, là giống với cái mà các học giả Trung Quốc Pháp Hiền và Huyền Trang và nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham đã đề cập đến trong các tác phẩm của mình.

Hiện vật được cho là ‘chiếc bát khất thực’ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kabul

Hiện vật được cho là ‘chiếc bát khất thực’ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kabul

Dưới đây là những điều bạn cần biết về chiếc bình bát của Đức Phật.

Một món quà cho người dân Vaishali

Trong báo cáo của mình về chuyến đi đến vùng phía bắc và phía nam Bihar, 1880-1881, Thiếu tướng A. Cunningham đã có bài viết về chiếc bình bát này.

Theo Cunningham, Đức Phật đã tặng chiếc bát cho người dân của nước Cộng hòa Lichchhavis, khi ngài từ biệt họ lần cuối cùng tại thành phố cổ trên biên giới phía bắc, nơi mà Cunningham xác định là Kesariya, 30 dặm về phía tây bắc Vaishali.

Đức Phật đã đi đến Kushinara nơi ngài nhập Niết-bàn sau đó và chiếc bát này đã được tặng cho người dân Vaishali, người đã từ lâu đồng hành cùng Đức Phật ở khắp mọi nơi.

Cao tăng Trung Quốc là Pháp Hiền và Huyền Trang cũng đã đề cập đến chiếc bát khổng lồ này, trong đó có nhiều câu chuyện thần thoại xoay quanh nguồn gốc của nó. Chiếc bát được đặt trong một tu viện ở Vaishali nơi những người nông dân và người trồng trái cây đã đặt những quả ngọt đầu tiên trong mùa. Bát đã ở lại đây trong 5 thế kỷ tiếp theo đó.

Tiền chuộc cho kẻ xâm lược

Thế kỷ 16 nhà sư Phật giáo và là học giả lớn Tây Tạng Taranath đã đề cập đến vụ tấn công của vua Kushan Kanishka vào Pataliputra trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Người ta nói rằng Kanishka đã đánh bại vua Pataliputra nhưng đã rời khỏi thành phố với việc vua của Pataliputra đồng ý giao học giả Phật giáo nổi tiếng đồng thời là nhà biện chứng Ashvagosha cùng với chiếc bát của Đức Phật.

Kanishka đã mang cả hai đến kinh đô Purushpur của mình (ngày nay là Peshawar thuộc Pakistan), nơi ông đã đặt chiếc bát thiêng trong một tu viện và biến Ashvagosh thành người hướng dẫn tinh thần của mình.

Nhiều khách hành hương Trung Quốc cho biết đã nhìn thấy chiếc bát khổng lồ ở Purushpur giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 9.

Kinh Koran đã bảo tồn chiếc bát!

Theo thời gian, Hồi giáo thay thế Phật giáo và bằng cách nào đó các câu kinh Koran đã được ghi trên chiếc bát, có lẽ khoảng thời gian của Mahmud Ghazni trong thế kỷ 11.

Những câu thơ đã giữ gìn kiệt tác này khỏi bất kỳ thiệt hại nào trong tất cả các cuộc chiến tranh tôn giáo trong tương lai. Thông qua sự cai trị của nhà cầm quyền Hồi giáo, các câu kinh Koran đã bảo tồn chiếc bát và bát đã được mọi người đối xử một cách tôn trọng. Mãi cho đến một vài thập kỷ trước, nó đã được lưu giữ tại nhà thờ Hồi giáo Jamia ở Kandahar và sử dụng để chứa nước và wazu (dùng để rửa tay và chân của một người trước khi dâng lễ!).

Vào cuối những năm 1980 trong cuộc nội chiến của Afghanistan, Tổng thống Najibullah đã đưa chiếc bát đến Bảo tàng Quốc gia của Kabul. Khi Taliban lên nắm quyền và bắt đầu phá hủy tất cả các đồ tạo tác không thuộc Hồi giáo, câu kinh Koran một lần nữa đã bảo tồn chiếc bát. Ngày nay, chiếc bát được trưng bày ở lối vào của bảo tàng.

Kỳ quan màu xanh đen nặng 400 kg

Chiếc bát được làm bằng đá rắn đường kính khoảng 1,7 mét và độ dày của vành là 18 cm, nặng khoảng 400 kg. Bát được khắc hoa sen bên ngoài với độ bóng cao, đặc trưng của kiến trúc đá thời kỳ Maurya (thời vua A Dục). Nó có màu xanh đen huyền bí. Tầm quan trọng của chiếc bát được chứng thực bởi nhiều miêu tả của nó trong nghệ thuật Gandhara, thường được hiển thị trên các bệ tượng Phật.

Câu chuyện về chiếc bát của Đức Phật đã được chạm khắc trong nhiều tác phẩm điêu khắc Gandhara. Theo các câu chuyện về Đức Phật, chính trời Tứ Thiên Vương đã cúng dường chiếc bát ấy lên Ngài. Đức Phật đã giữ nó trong tay, trong tư thế ngồi hoặc đứng. Đôi khi, nó được đặt trên tòa ngồi dưới một tán cây và được các Phật tử đảnh lễ.

Văn Công Hưng (Theo India Today)

loading...