Chùa Việt

Chiêm bái chùa Long Khánh

Thứ sáu, 10/12/2014 03:23

Những ngày này, ai có dịp về thăm chùa Long Khánh tại thôn Tế Cầu, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương không chỉ cảm nhận được sự ấm áp, an hòa mà còn được chiêm bái cảnh đẹp nơi đây khi vào chiều đông.

 
Theo Biên niên lịch sử của làng và các cụ cao niên cho biết: Làng Tế Cầu xa xưa là vùng đất bồi của hệ thống sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình.

Theo tương truyền vào khoảng thế kỷ XIV, cụ Lý Quốc An là Tướng quân giúp nhà Trần đánh giặc. Sau cuộc chiến, Ngài bị thương đầu sắp lìa khỏi cổ. Từ vùng đất Vĩnh Bảo, Ngài cùng quan quân vừa chiến đấu vừa rút về sâu trong đất liền. Ngài đã đi qua 71 địa danh và đã rơi 71 giọt máu đào. Cụ đến vùng đất Tế Cầu là địa danh 72. Khi  đến vùng đất này chưa có mấy người ở. Ở bên cạnh đường có một cái quán nhỏ và cụ già ngồi bán nước chè, tóc bạc như tuyết, da đỏ hồng hào như quả bồ quân, giọng nói trong trẻo ấm cúng dễ nghe. Ngài Lý Quốc An xuống ngựa và hỏi cụ chủ quán: “Cụ ơi đầu tôi sắp lìa cổ và rơi 71 giọt máu rồi như thế này liệu có sống được nữa  hay không?”. Cụ chủ quán hiền từ và bảo: “Đầu Ngài sắp lìa cổ phải chăng Ngài là tiên là Phật, chứ Ngài nếu là người trần mắt thịt thế thì còn sống làm sao được. Ngài suy nghĩ ta đâu có phải là tiên là Phật ta cũng chỉ là người trần mắt thịt mà thôi, thế thì ta không thể sống được và ta thác ở đây rồi”.
 
Nghe xong, Ngài ra lệnh cho quan quân dừng lại và nói: “Ta sẽ định thân ở đây” và cùng quan quân vào khu đất bãi hoang. Ngài bỏ mũ, bỏ áo giáp, bỏ ủng, bỏ gươm, bỏ ngựa. Ngài đi một vòng, lúc này trên trời mây ngũ sắc kéo đến che kín một vùng trời rất rộng, khu bãi hoang mọc lên một khu cây cối um tùm, kèm theo đó là những thửa ruộng, gò đất theo hình con ngựa, cái ủng, cái kiếm, cái mũ. (Đến năm 1970 vẫn còn Lăng và các thửa ruộng, gò đống có hình thù như vậy, sau này hợp tác xã nông nghiệp cải tạo đồng ruộng và giãn dân ra ở thì không còn Lăng và những thửa ruộng theo hình thù như vậy nữa). Ngài đã hóa thân vào khu rừng ấy, trời tự nhiên lại bừng sáng. Sau đó quan quân quay lại chỗ lúc nãy thì không thấy quán và cũng không thấy cụ chủ quán đâu nữa.
 
 
Sau này nhân dân ta lập lên ngôi đền để thờ Ngài, nay là khu đất của ngôi đình và chùa. Ngài Lý Quốc An được nhân dân tôn thờ là Thành hoàng làng. Riêng 71 địa danh đã rơi 71 giọt máu đào đã được nhân dân xây dựng 71 đền thờ Ngài. Trong 71 dịa danh có nơi ghi tên Ngài là Lã Văn An. Hàng năm vào tháng Giêng, nhân dân địa phương mở hội làng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi. Đồng thời ghi nhớ công lao của Ngài Lý Quốc An đã khai sinh lập ấp. 
 
 
Hiện tại chùa Long Khánh có diện tích 1.600m2 quay theo hướng Đông Bắc. Chùa bao gồm 1 nhà nhờ Tổ với 7 gian, nhà khách. Trong chùa còn lưu giữ được một số hiện vật cổ như: một bát hương bằng đất thế kỷ XIII và bát hương bằng đồng thế kỷ XIV.

Ngày 6/5/2014 được sự phân công của Giáo hội Phật giáo huyện Ninh Giang, thể theo tâm nguyên của lãnh đạo địa phương cùng con dân cháu làng và duyên Phật pháp, sư thầy Thích Nữ Trí Minh về trụ trì chùa.
 
 
 
Trước sự xuống cấp của ngôi chùa, sư thầy Trí Minh đã đứng ra vận động các phật tử công đức tiền của, ngày công để tu bổ nhà Tổ, xây nhà khách, làm sân, xây cổng và cải tạo cảnh quan với số tiền trên 1 tỷ đồng.
 
 
Nếu phật tử có dịp về Ninh Giang, hãy ghé thăm và đến chiêm bái chùa Long Khánh để hơi ấm tình người, duyên Phật pháp được lan tỏa, được chìm đắm trong sắc cảnh thiên nhiên và được sưởi ấm tâm hồn trong cái rét đã ngọt của miền Bắc.

Đức Tùy
loading...