Chủ nhật, 22/06/2020 02:58
Vốn là một vùng “đất Phật” với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, sau thời gian chiến tranh, ở Nghệ An chỉ còn lại một số ngôi chùa cổ. Tồn tại cùng với chùa là hệ thống tượng pháp cổ kính, trong đó có những pho tượng Phật độc đáo, quý hiếm.
Dát vàng - Nghệ thuật đặc sắc trong tạo tác tượng Phật
Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề 24 tay ở chùa Phúc Mỹ, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương là một trong những pho tượng Phật cổ độc đáo, quý hiếm có cấu trúc lạ đẹp, nghệ thuật tạc tượng điêu luyện ở Nghệ An. Tượng cao 2,28m, chiều rộng của sải tay lớn nhất cũng là 2,28m. Hai bên thân tượng có 18 cánh tay, mỗi bên có 9 tay, gồm 6 tay trước, 3 tay sau, ngoài ra còn có 2 tay đặt trên đầu theo kiểu nâng “hoa Phật”, 2 tay chắp trước ngực theo thế “liên hoa hợp chưởng” và 2 tay đặt lên đùi theo kiểu “thiền định”. Các bàn tay thon, dài, đeo vòng, khép hờ, đưa lên phía trước như sự nâng niu. Tại chùa Phúc Mỹ còn có 2 pho tượng Phật Thích Ca cổ kính được tạo tác với khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, ngồi thiền định trên tòa sen. Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề ở chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành cao khoảng 1,2m. Tượng được tạc theo thế ngồi thiền trên tòa sen. Từ ngoài nhìn vào, tượng mang vẻ đẹp thanh thoát, cân đối với khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, rạng ngời nét từ bi. Trên đầu tượng đội mũ hoa, thân tượng “khoác” áo rủ, treo tràng hạt. Hai bên thân có 22 cánh tay, gồm 20 tay giơ ra các hướng, 2 tay chắp trước ngực theo thế “liên hoa hợp chưởng”. So với tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề chùa Phúc Mỹ (Đô Lương) tượng ở chùa Gám nhỏ hơn và có ít hơn 2 tay, không có 2 tay đặt lên đùi theo kiểu “thiền định” và 2 tay nâng mũ hoa hóa Phật. Tuy nhiên, tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề ở chùa Gám lại có những điểm tương đồng với các pho tượng cùng loại được nói đến trong kinh sách của Phật giáo, điều dễ nhận biết nhất đó là một số tay tượng có cầm các đồ vật như binh khí, hoa sen… mang nét đặc trưng của tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề.
Tượng Phật bà Quan âm 12 tay hay còn gọi là tượng “đầu người đội Phật” ở chùa Bà Bụt, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương được cho là đã xuất hiện cùng thời với ngôi chùa nghìn năm tuổi này. Tượng Phật bà Quan âm 12 tay được thờ ở vị trí trang trọng trong chùa. Tượng cao khoảng 1,2m, gồm đầu tượng đội mũ hoa, thân tượng tạc theo kiểu ngồi thiền trên tòa sen, đội tượng là một đầu quỷ hình người dữ tơn có 2 cánh tay nâng tòa sen. Tượng Phật Thích Ca ở chùa Giai, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương là một pho tượng Phật cổ độc đáo, quý hiếm. Tượng cao khoảng 1,6m làm từ chất liệu gỗ, tạc đức Phật trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen với nghệ thuật điêu luyện, khuôn mặt đầy đặn. Trang phục cũng được tạc khắc mềm mại với những chi tiết sống động càng tôn thêm vẻ đẹp cao quý của đức Phật. Pho tượng này gắn liền với nhiều huyền thoại về việc xây dựng chùa và tín ngưỡng thờ Phật của người dân địa phương. Tượng đá chùa Phổ Nghiêm, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc là một phiến đá tự nhiên, có từ thời xây dựng chùa. Tượng cao hơn 1m, tọa lạc ngay giữa chính điện, dân gian quen gọi là tượng đá Quan thế Âm. Tượng Phật Thích Ca ở chùa Cần Linh, phường Cửa Nam, thành phố Vinh đươc cho là pho tượng Phật quý giá nhất trong hệ thống tượng cổ phong phú đa dạng của chùa. Tượng cao khoảng 1,2m. Đức Phật được tạc theo thế ngồi thiền trên tòa sen, tay phải giơ lên phía trước. Tượng được sơn son, sáng tỏa vẻ đẹp phúc hậu từ bi... Nhìn chung, các pho tượng Phật cổ quý hiếm ở Nghệ An đều được chế tác bằng gỗ với đường nét mềm mại, sống động thể hiện rõ trên cả khuôn mặt, hình dáng, bàn tay, lẫn nếp gấp trang phục. Những pho tượng độc đáo này có giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật ... cần được gìn giữ, bảo tồn. Qua khảo sát, ở Nghệ An, số chùa cổ còn lưu giữ được tượng cổ đã hiếm (chỉ đếm trên đầu ngón tay) còn lưu giữ được những pho tượng cổ đặc sắc lại càng hiếm hơn. Báo Nghệ An