Sống an vui
Cho đi là còn mãi
Thứ bảy, 27/08/2020 01:53
Chúng ta cho đi cũng như ta gởi tiền vào ngân hàng vậy đó. Ngân hàng ở đây là ngân hàng “nhân quả”, rất an toàn, bảo đảm, để rồi một ngày nào đó khi hữu sự cần đến sẽ chiêu cảm đầy đủ những điều kiện thuận lợi, thành tựu mọi việc.
Cho đi để nhận lại sự thanh thản trong cuộc đời
Có một vị đệ tử hỏi thầy của mình: “Bạch thầy! Con không biết bố thí và cúng dường khác nhau ra sao?”.
Thầy đáp: “Thực chất thì là một. Bố thí nghĩa là tặng, là cho đi. Vì Phật là bậc trên vai vế của chúng ta, nên để cung kính, mình nói là dâng cúng, cúng dường. Nhưng con nên nhớ rằng, bất kỳ hành động bố thí nào cũng phải làm với lòng thành thật và cung kính”.
Trò gãi đầu hỏi tiếp: “Bạch thầy, như vậy thì bố thí cho chúng sinh có được công đức bằng với sự cúng dường chư Phật chăng?”.
Thầy cười đáp:
- Bố thí hay cúng dường là cách con phát triển Bồ-đề tâm. Nếu con tính toán công đức nhiều ít, tức là chưa được rốt ráo. Cái gì mà con có thể tính toán thì thuộc pháp hữu vi, sinh diệt, chẳng phải pháp rốt ráo vô lậu. Bởi thế, “vô tâm thị đạo”, nghĩa là khi con tu hành, phải giữ lòng “vô tâm”, tức là cõi lòng không mong cầu, không vướng bận, chẳng tính toán, chẳng sợ hãi, lo toan… Nếu chúng ta giữ tâm như vậy tức là “giữ đạo”. Mà đạo nào phải là thứ gì xa xôi đâu, chính là Bồ-đề tâm đó con ạ!
Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Cho đi khi còn đang sống
Trò dường như có chỗ tỉnh ngộ. Chập lâu, trò nhịn không được, hỏi tiếp:
- Tuy nói tu thì chẳng nên mong cầu công đức, phải vô vi tự tại. Nhưng xin thầy nói cho con nghe phước báu của việc cúng dường ra sao…?
Thầy khẽ đầu trò, cười đáp:
- A! Con đúng là tham lam không chừa! Vẫn ham công đức, chẳng biết “vô tâm” tu hành! Thôi được, nếu con muốn biết thì ta cũng chiều lòng con.
Tổ sư Tông Mật có dạy rằng:
- Cúng hoa sẽ được dung mạo tuyệt đẹp như Phật.
- Cúng hương nhang thì được quả báo giới luật viên mãn, “thơm phức”.
- Cúng đèn đuốc thì tâm trí sẽ được minh mẫn, sáng suốt.
- Cúng vòng ngọc sẽ được phước báu luôn đầy đủ, mọi thứ trang nghiêm.
- Cúng màn (curtain) sẽ đắc được năng lực làm mưa xuống ngọc ngà (tức là được vô số châu báu) để giúp đỡ những người nghèo khó.
- Cúng chuông, khánh thì được mọi người quy kính, tôn trọng.
- Dùng lời ca tiếng hát cúng dường thì sẽ được nghe pháp âm vi diệu.
Đó chỉ là những cách cúng dường cơ bản nhất. Con phải nhớ, tu hạnh gì mình cũng phải hồi hướng cho chúng sinh. Không nên tu để “ôm” công đức riêng cho mình!
Người mẹ đứt ruột cho đi con trai để con có tương lai tốt hơn
Qua cuộc đối đáp của hai thầy trò, chúng ta có thể thấy Bồ-đề tâm là tâm hướng đến sự giác ngộ, thấu cảm và từ bi vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Tâm Bồ-đề sẽ thúc đẩy chúng ta hành động để đạt được quả vị Phật, và mang lại lợi ích cho chúng sinh thông qua các biểu hiện, các phương tiện khéo léo. Đó là một cảm giác, động cơ muốn thay thế những đau khổ của người khác bằng hạnh phúc.
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật dạy Bồ-tát Địa Tạng: “Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị quốc vương, hàng tể phụ quan chức lớn, hàng đại trưởng giả… nếu gặp kẻ nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm, ngọng, điếc, mù… mà có thể đủ tâm từ bi, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho trăm hằng hà sa chư Phật. Vì sao? Vì các vị đó phát tâm đại từ bi đối với kẻ nghèo cùng và tàn tật. Phước lành được hưởng quả báo đó là: trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những vật để thọ dụng như y phục, đồ uống ăn…”.
Như vậy, bố thí cho chúng sinh như thế… với tấm lòng kính trọng thương yêu, công đức cũng bằng cúng dường không phải chỉ cho một vị Phật mà cho hằng hà sa chư Phật. Do đó, có những người không theo đạo Phật, không cúng chùa, chỉ lo bố thí cho người nghèo với tâm yêu thương thật sự cũng được phước lợi lớn.
Thế nhưng, để thành tựu được công đức lớn nhất, đó chính là bố thí pháp. Ví như chúng ta chưa có khả năng giảng thuyết như quý thầy, quý sư cô… thì ta có thể ấn tống kinh sách, chia sẻ các bài giảng, các chương trình như ca nhạc Phật giáo lên facebook, youtube, twitter… Được như thế, là ta đã góp phần mang lời Phật dạy đến mọi người, cũng dần thực hiện được pháp thí.
CEO Twitter: ‘Tôi muốn cho đi hết tài sản của mình’
Là người học Phật, chúng ta nên tu cho mình và cho người, nhất là trong đại dịch covid-19 này! Chúng ta hãy tự bảo vệ bản thân mình bằng các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế cũng như thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ. Ta hãy để cho tâm mình bình tĩnh và sẻ chia thông tin cần thiết đến mọi người. Quý vị bảo vệ sức khỏe cho mình cũng là bảo vệ sức khỏe cho người… Trường hợp mình chưa đủ khả năng về tài chính, kinh tế để tặng cho người thì cũng có thể trao cho họ bằng cách như nở những nụ cười tươi, hoan hỷ. Nếu tâm ta chân thiện, dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một lời khuyên chân thành, khích lệ, an ủi, động viên, ấm áp cũng đủ để tích phước cho mình. Và khi trao tặng cho người niềm vui, sự không sợ hãi v.v... là ta đã thực hiện sự thí vô úy mà Phật đã nói rồi!
“Cho là còn có mất đâu
Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”.
(TT. Thích Chân Tính)
Không những trong đời hiện tại mà nhiều đời vị lai, những công đức, phước báu đó sẽ còn hoài, còn mãi. Cho đi là phương tiện để ta gieo bòn phước đức. Chúng ta cho đi cũng như ta gởi tiền vào ngân hàng vậy đó. Ngân hàng ở đây là ngân hàng “nhân quả”, rất an toàn, bảo đảm, để rồi một ngày nào đó khi hữu sự cần đến sẽ chiêu cảm đầy đủ những điều kiện thuận lợi, thành tựu mọi việc. Vậy, ngay hiện tại, chúng ta hãy thường xuyên gieo trồng công đức để tương lai có những hoa trái tốt đẹp! Kính chúc đại chúng được nhiều sức khỏe, an lạc, hạnh phúc và yên bình trong mùa covid này!
Nam mô A-di-đà Phật.
Mời quý Phật tử xem thêm video"Tu thân theo lời Phật dạy":