Kiến thức
Chú Đại bi và Tâm kinh - Tinh túy lòng từ bi và trí huệ
Thứ năm, 17/05/2022 01:36
"Thưa Thế Tôn! Nếu hàng trời người trì tụng Đại Bi Chương Cú, thì lúc gần mạng chung, mười phương chư Phật đều đến và cầm tay hành giả. Như họ muốn vãng sanh ở Phật độ nào thì sẽ tùy theo sở nguyện mà đều được vãng sanh."
Chú đại bi
Từ bi và trí huệ là hai tánh đức cơ bản cần có của mỗi người và cũng là thành tựu của người giác ngộ.
Công đức và lợi ích Chú Đại bi
Quán Thế Âm Bồ-tát lại thưa với Phật rằng:
"Thưa Thế Tôn! Nếu hàng trời người trì tụng Đại Bi Chương Cú, thì lúc gần mạng chung, mười phương chư Phật đều đến và cầm tay hành giả. Như họ muốn vãng sanh ở Phật độ nào thì sẽ tùy theo sở nguyện mà đều được vãng sanh."
Lại thưa với Phật rằng:
Thưa Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào trì tụng Đại Bi Thần Chú, như còn đọa ba đường ác, tôi nguyện sẽ không thành chánh giác.
Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được sanh về các cõi Phật, tôi thề không thành chánh giác.
Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng tam muội biện tài tôi thề không thành chánh giác.
Tụng trì thần chú Đại Bi tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu không được vừa ý, thì chú này không được gọi là Đại Bi tâm đà ra ni, duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành.
Nếu các người nữ chán ghét thân nữ, muốn được thân nam, tụng trì thần chú Đại Bi, như không chuyển nữ thành nam, tôi thề không thành chánh giác.
Như kẻ nào tụng trì chú này, nếu còn sanh chút lòng nghi, tất không được toại nguyện.
Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối mười phương Ðạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, mười phương Ðạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt. Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch , báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ , làm nhơ phạm hạnh , bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng? Nhưng tuy không liền diệt được tội nặng, cũng có thể làm nhân Bồ đề về kiếp xa sau.
Người trì Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm nên trân trọng phước báo của chính mình
Bạch đức Thế Tôn! Nếu các hàng trời, người tụng trì thần chú Đại Bi, thì không bị 15 việc chết xấu, sẽ được 15 chỗ sanh tốt.
- Thế nào là 15 việc chết xấu?
Không bị chết do đói khát khốn khổ.
Không bị chết do gông tù đánh đập.
Không bị chết vì oan gia thù địch.
Không bị chết giữa quân trận chém giết nhau.
Không bị chết do cọp sói cùng ác thú tàn hại.
Không bị chết bởi rắn rít độc cắn.
Không bị chết vì nước trôi lửa cháy.
Không bị chết bởi phạm nhằm thuốc độc.
Không bị chết do loài sâu trùng độc làm hại.
Không bị chết vì điên cuồng mê loạn.
Không bị chết do té cây, té xuống núi.
Không bị chết bởi người ác trù ếm.
Không bị chết bởi tà thần, ác quỷ làm hại.
Không bị chết vì bịnh ác lâm thân.
Không bị chết vì phi mạng tự hại.
Tụng trì thần chú Đại Bi, không bị 15 việc chết xấu như thế.
- Sao gọi là 15 chỗ sanh tốt?
Tùy theo chỗ sanh, thường gặp đấng Quốc vương hiền lành.
Tùy theo chỗ sanh, thường ở cõi nước an lành.
Tùy theo chỗ sanh, thường gặp thời đại tốt,
Tùy theo chỗ sanh, thường gặp bạn lành.
Tùy theo chỗ sanh, thân căn thường được đầy đủ.
Tùy theo chỗ sanh, đạo tâm thuần thục.
Tùy theo chỗ sanh, không phạm cấm giới.
Tùy theo chỗ sanh, thường được quyến thuộc hòa thuận, có ân nghĩa.
Tùy theo chỗ sanh, vật dụng, thức ăn uống thường được đầy đủ.
Tùy theo chỗ sanh, thường được người cung kính giúp đỡ.
Tùy theo chỗ sanh, tiền của châu báu không bị kẻ khác cướp đoạt.
Tùy theo chỗ sanh, những việc mong cầu đều được toại nguyện.
Tùy theo chỗ sanh, Long Thiên, thiện thần thường theo ủng hộ.
Tùy theo chỗ sanh, thường được thấy Phật nghe pháp.
Tùy theo chỗ sanh, khi nghe chánh pháp ngộ giải nghĩa sâu.
Nếu kẻ nào trì tụng chú Đại Bi, sẽ được 15 chỗ sanh tốt như thế! Cho nên tất cả hàng trời, người, đều nên thường tụng trì, chớ sanh lòng biếng trễ".
Tụng Chú Đại Bi, diệt trừ ác nghiệp được hưởng phúc lành
Phương pháp trì niệm Chú Đại bi
Như trong kinh đã dạy "Nếu có vị Tì khưu, Tỳ khưu Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hay đồng nam, đồng nữ nào muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh, và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau độ các chúng sanh.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau lên thuyền Bát nhã.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được qua biển khổ.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau về nhà vô vi.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
Non đao tức thời liền sụp đổ.
Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
Nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
Nếu con hướng về cõi địa ngục,
Ðịa ngục liền mau tự tiêu diệt.
Nếu con hướng về loài ngạ quỷ,
Ngạ quỷ liền được tự no đủ.
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục.
Nếu con hướng về các súc sanh,
Súc sanh tự được trí huệ lớn.
Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai , kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này. Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức kiếp sanh tử".
Tầm quan trọng của Tâm kinh – Tâm Pháp đạt được trí tuệ Bát Nhã, minh tâm kiến tánh
Bát-nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan trọng trong truyền thống Đại thừa, có tên đầy đủ là Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh, gọi tắt là Tâm Kinh. Tâm Kinh là kinh nói về trí tuệ bát nhã, hay là tinh hoa giác ngộ.
Bộ tâm kinh với 260 chữ bao trùm toàn bộ chân lý của Đức Phật. Ngài đã thuyết minh về cái Lý Không và cái Thật Tướng của vạn pháp để con người có cái nhìn sâu xa về cái “Có’ với cái ”Không” và cái “Thật” đối cái “Giả”. Bộ Tâm Kinh là cốt tủy, là phần tinh túy của giáo lý Đức Phật.
Ý nghĩa thâm diệu và công đức của Bát Nhã Tâm Kinh
Vai trò quan trọng nhất của Tâm Kinh chính là Tâm Pháp đạt được Trí Tuệ Bát Nhã.
Ma- Ha- Bát- Nhã- Ba- La- Mật- Đa- Tâm- Kinh
(Bài Tâm kinh việt nghĩa)
Bồ Tát Quán Tự Tại, đi sâu vào Bát Nhã Ba La Mật Ða thì, thấy rõ năm uẩn đều không, qua khỏi tất cả khổ ách.
Xá Lợi Tử ! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.
Xá Lợi Tử ! Các pháp đó không tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức ; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới ; không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết ; không có khổ tập diệt đạo, không có trí huệ, cũng không đắc được.
Vì không chỗ đắc, nên Bồ Tát nương vào Bát Nhã Ba La Mật, tâm không quái ngại, vì không quái ngại, nên không có sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đạt đến Niết Bàn. Các Ðức Phật ba đời, đều nương vào Bát Nhã Ba La Mật, cho nên đắc được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Ða là Chú đại thần, là Chú đại minh, là Chú vô thượng, là Chú vô đẳng đẳng, trừ được tất cả khổ, chân thật không hư.
Cho nên nói Chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, bèn nói Chú rằng : Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.(3 lần)
Chú Đại bi Và Tâm kinh là 2 bài tinh túy của lòng Từ bi và Trí huệ ai cũng nên học
Chúng ta mỗi ngày trì được ít nhất 5, 21, 108 biến Chú Đại Bi và 9, 27, 81 biến Tâm Kinh là tốt
Ai người lớn tuổi hoặc gặp khó khăn về văn tự có thể thay trì chú Đại Bi bằng trì Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn Om Mani Padme Hum từ 108, 500 - 1000 biến.
Nguyện kết pháp duyên với tất cả chúng sanh.
Trích dẫn từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni