Sách Phật giáo
Chú giải kinh Nhân Quả Ba Đời (P.1)
Chủ nhật, 25/04/2017 03:54
Nhân quả lúc nào cũng công bằng, không thiên vị bất cứ một ai, hễ gieo nhân thì được quả. Tăng ni là những người xuất gia trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh nên đời sống tu hành nhờ vào lòng hảo tâm của đàn na tín thí. Bốn món cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men là việc làm cần thiết để giúp tăng ni yên tâm tu học mau thành Phật đạo để độ khắp nhân gian.
Trên hội Linh Sơn, Tôn giả A Nan cùng tứ chúng đồng tu đông vô số đồng hướng về đức Phật, chắp tay cung kính đảnh lễ rồi quỳ xuống thưa rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Về sau đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở thế giới Ta Bà này do nhân điên đảo tà kiến, chẳng biết đúng sai nên nhiều người tâm niệm chẳng lành, không biết tôn kính Tam bảo, không biết hiếu dưỡng cha mẹ, không biết luân thường đạo lý mà làm các điều xằng bậy hại người, hại vật. Do nhân nghiệp đó mà hiện đời sinh ra nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại vật, cho đến nghèo giàu sang hèn chẳng đồng nhau. Do nguyên nhân nào mà khiến họ phải chịu quả báo như vậy? Cúi xin đức Thế Tôn mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn thương xót chúng con mà giải thích đầy đủ sự việc”.
Phật bảo A Nan cùng bốn chúng: “Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ. Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nghiệp nhân gieo tạo đời trước mà cảm thọ quả báo hiện tại. Cho nên, tất cả chúng sinh trước tiên hiếu kính cha mẹ, kế đến phải tôn kính, quý trọng ngôi Tam bảo, thứ ba không nên sát sinh hại mạng mà hay phóng sinh giúp người cứu vật, thứ tư vì lòng từ bi thương xót chúng sinh mà ăn chay, bố thí, làm lành để gieo trồng phước đức cho hiện tại và mai sau”.
Phật nói kệ nhân quả:
Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai một lòng tôn kính
Mà thọ trì kinh này
Đời đời sống hạnh phúc
Hưởng phước báu an vui.
Này thiện nam tín nữ
Kinh Nhân Quả ba đời
Là giáo lý nền tảng
Giúp mọi người giác ngộ.
1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước biết bố thí cúng dường,
Trang nghiêm tượng Phật bằng vàng ròng.
2. Đời nay hưởng phước sang giàu
Quan quyền thế lực muôn người kính tin.
3. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước bắc cầu làm đường đi.
4. Mặc đồ tốt đẹp do nhân gì?
Đời trước cúng áo giúp tăng ni.
5. Dư ăn, dư mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.
6. Ăn mặc thiếu thốn do nhân gì?
Kiếp trước bỏn xẻn không chia sẻ.
7. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa kia cúng gạo giúp chùa chiền.
8. Phước lộc đầy đủ do nhân gì?
Xưa công quả xây chùa cúng Phật .
9. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.
10. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước thường đọc tụng kinh Phật.
11. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.
12. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước một lòng sống thủy chung.
13. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước giúp đỡ người cô độc.
14. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người săn bắt thú.
15. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước phóng sinh muôn loài vật.
16. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa phá tổ chim ăn trứng con.
17. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước hại người sống cô đơn.
18. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước không giết hại người vật.
19. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
20. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước chia rẽ vợ chồng người.
21. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.
22. Làm thân tôi tớ do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.
23. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.
24. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường người lạc lối.
25. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.
26. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng mẹ cha.
27. Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước cười chê người lễ Phật.
28. Tay chân tật nguyền do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa làm khổ người hại chúng sinh.
32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa giúp thuốc men cứu nhân loại.
33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác hãm hại người.
34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột
35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước giăng lưới giết hại cá.
36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước khinh người khi xem kinh.
38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa rượu thịt uống ăn bê bối.
39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước khinh thường người tụng kinh.
40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
43. Cô đơn cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non-già-thiếu lòng gian xảo.
45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước giết hại tạo oan gia.
Muôn việc tốt xấu do mình tạo
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Kiếp trước gây nhân nay hưởng quả
Đời này gieo phước hưởng về sau
Nếu ai hủy báng kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người
Kẻ nào thọ trì kinh Nhân Quả.
Chư Phật, Bồ tát đều chứng minh
Kẻ nào biên chép kinh Nhân Quả
Giúp người đọc tụng cùng hiểu biết
Nếu người giảng nói kinh Nhân Quả
Đời đời kiếp kiếp được thông minh
Kẻ nào đề xướng kinh Nhân Quả
Đời sau người thấy sinh cung kính
Người nào ấn tống kinh Nhân Quả
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Nếu như nhân quả không cảm ứng
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu kinh Nhân Quả
Không còn bị đọa ba đường dữ.
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nay
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm hiện tại.
Nhân quả là chân lý sống của nhân loại
Chúng tôi biên soạn và chú giải kinh Nhân Quả ba đời trong một duyên thật bất ngờ, vì có một phật tử muốn ấn tống kinh này để truyền bá cho mọi người tụng đọc mà tin sâu lời Phật dạy, cùng nhau tu tâm dưỡng tính, làm lành lánh dữ. Phật tử ấy yêu cầu chúng tôi biên soạn, chú giải để lời kinh thêm sáng tỏ hơn, giúp mọi người thông hiểu dễ dàng. Mới đầu chúng tôi từ chối vì nghĩ mình là kẻ hậu học, tài hèn sức yếu sẽ không kham nổi lời Phật dạy nghĩa lý sâu xa, nếu luận bàn không đúng chỗ thì e rằng phá hủy Chánh Pháp; nhưng với lòng biết ơn Tam bảo, biết ơn Phật Pháp đã giúp chúng tôi thay đổi cuộc đời, làm mới lại chính mình nên chúng tôi cũng hết lòng tham khảo các bản dịch của chư tôn đức, rồi biên soạn, chú giải để giúp mọi người tin sâu nhân quả mà cùng nhau tu tâm dưỡng tính, lánh ác làm lành bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Kinh Nhân Quả Ba Đời là một triết lý sống thực tiễn, lành mạnh, đạo đức, phản ảnh đời sống thực tế của con người phải chịu nhiều khổ sở, hay hưởng phước vô lượng là tùy theo nhân gây tạo hiện tại mà cho ra kết quả trong tương lai. Người nào thích vui chơi, hưởng thụ quá đáng thì dễ bị sa đọa rồi giam mình trong ngục tù tội lỗi, muôn kiếp chịu khổ sở vô cùng. Ai thích gieo trồng phước đức, thường giúp người cứu vật thì luôn sống trong an vui, hạnh phúc. Do đó,
Bờ vực thẳm đợi kẻ ăn chơi
Bờ giác ngộ đón người tu thiện.
Giác ngộ hay vực thẳm là tùy theo ý thức của mọi người. Người con Phật phải biết khôn ngoan sáng suốt chọn lựa, tránh xa nhân xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp. Đọc kinh Nhân Quả Ba Đời sẽ giúp chúng ta có hiểu biết chân chánh, thấy rõ ràng hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy, thấy rõ lý nhân quả nên chúng ta cẩn thận giữ gìn thân-miệng-ý, cố gắng làm các việc thiện ích hầu đem lại lợi lạc cho mình và người. Tin sâu nhân quả và biết áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ta có thêm ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua nỗi khổ, niềm đau, dám làm dám chịu về mọi hành động của bản thân. Mình làm lành được hưởng nhiều phước báo, mình làm ác chịu nhiều khổ đau mà không than thân trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là…, hoặc phó thác số phận cho ai đó. Người không tin sâu nhân quả sẽ có thái độ thấp hèn, yếu đuối, luôn bi quan, chán nản, sống trong lo lắng, sợ hãi vì hay làm nhiều việc xấu ác để hại người, hại vật. Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật luôn chịu sự chi phối của nhân quả, không có gì ngẫu nhiên khi không mà có và không có sự sắp xếp của đấng tối cao nào để buộc con người noi theo giáo điều thiển cận mà không có sự trải nghiệm thực tế.
Đạo Phật giúp cho con người sống có hiểu biết và thương yêu
Đạo Phật không phải là một tôn giáo như mọi người thường lầm tưởng, đạo Phật là một triết lý sống giúp con người biết được điều hay lẽ phải để biết cách tu tập, hành trì, chuyển hoá phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi. Đạo Phật có chất liệu tình thương nhờ biết từ-bi-hỷ-xả nên rất gần gũi và thực tế trong đời sống con người nhờ biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời nhằm chia vui, sớt khổ để phục vụ lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người do chính mình quyết định. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng hoạ. Một con người, một gia đình, một xã hội luôn có niềm tin sâu sắc với nhân quả thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Nhờ tin sâu nhân quả nên tuổi trẻ biết dấn thân phục vụ vì lợi ích tập thể, luôn hòa mình vào cộng đồng xã hội để có dịp đóng góp và phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp sống còn của nhân loại; tin sâu nhân quả và ứng dụng vào đời sống hằng ngày, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Kính mong mọi người hãy nên tin sâu nhân quả và tự tin chính mình để được sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, cảm thông và tha thứ, dấn thân và phục vụ vì tình người, tình nhân loại trong cuộc sống.
Hiếu kính cha mẹ là nền tảng đạo đức
Nói đến nhân quả ba đời, Phật dạy người phật tử chân chính trước tiên phải hiếu thảo, cung kính với cha mẹ, kế đến quy y Tam bảo và không sát sinh hại vật, mở rộng lòng từ bi ăn chay, làm lành lánh dữ, đó là yếu chỉ của kinh. Chúng tôi xin giải thích về công ơn của cha mẹ trước vì đây là phần chính yếu rồi mới đi vào các phần kinh khác.
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Từ ngàn xưa cho đến nay có nhiều chuyện thật trái ngang như vậy, rất hiếm có người con nào nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ từ vật chất đến tinh thần. Vậy mà có người mới nuôi cha mẹ một chút đã kể công đủ thứ, hoặc tệ hại hơn tìm cách tránh né bổn phận làm con. Thực tế rất phũ phàng, con bỏ cha mẹ thì nhiều còn cha mẹ bỏ con lại rất ít. Đức Phật của chúng ta là một người con đại hiếu, sau khi thành đạo Ngài đã dùng thần lực lên cõi trời Đao Lợi để hướng dẫn, chỉ dạy cho mẹ Ngài pháp giác ngộ, giải thoát. Đến khi vua cha bệnh nặng, Ngài về khai thị để cha chứng được quả Thánh và chính Ngài đích thân gánh kim quan của cha đi thiêu mà làm gương cho nhân loại.
Trong các bản kinh, Ngài thường dạy các thiện nam tín nữ ngoài việc chăm sóc chu đáo mọi mặt còn phải khuyên cha mẹ quy y Tam bảo hoặc xuất gia tu hành giác ngộ, giải thoát mới thật sự là người con đại hiếu. Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của đạo Phật nên trong kinh Nhân Quả Ba Đời, Phật dạy người phật tử chân chánh trước tiên phải biết hiếu dưỡng, cung kính đối với cha mẹ, sau mới quý kính, tôn trọng Tam bảo, kế đến là bố thí cúng dường, phóng sinh, giúp người cứu vật và cuối cùng là ăn chay, làm lành lánh dữ.
Một con người nếu không biết hiếu thảo với cha mẹ thì khó lòng thành đạt, vì ơn nghĩa hai đấng sinh thành mình còn chối bỏ, thử hỏi người đó có bao giờ sống tốt với mọi người được không. Đối với cha mẹ mà mình còn làm ngơ không chút thương xót, không biết hiếu nghĩa, hiếu kính, hiếu hạnh, hiếu tâm; một người như thế thì việc ác nào cũng có thể làm, thử hỏi làm sao họ tín kinh Tam bảo được, nếu vậy làm sao họ có tâm giúp người, cứu vật mà làm lành lánh dữ. Một con người không có những chất liệu của tình thương yêu chân thật nếu có sống cũng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngược lại còn làm tổn hại cho nhân loại.
Phật dạy bốn ân lớn
Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.
Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của người phật tử chân chánh, khi thọ ơn ai dù là việc nhỏ nhặt nhất cũng không bao giờ quên. Nếu ai làm được như vậy người thế gian gọi đó là người tốt vì biết sống có tình, có nghĩa, khi thọ ơn ai là phải ghi nhớ để có dịp đền ơn đáp nghĩa; ngược lại, khi thọ ơn ai mà vờ làm lơ, có khi còn đối xử tệ bạc với người ơn của mình, thế gian gọi đó là kẻ tiểu nhân, là người vong ơn bội nghĩa. Biết ơn và đền ơn là nền tảng đạo đức sống của nhân loại nên ơn nghĩa là cái gốc của đạo làm người. Con cái luôn hiếu kính với cha mẹ vì biết ơn mang nặng đẻ đau, công sinh thành dưỡng dục. Học trò quý kính, biết ơn thầy cô giáo nên cố gắng siêng năng, chăm chỉ học hành. Trong cuộc sống, Phật thường nêu lên 4 ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn đàn na tín thí để khuyên nhủ và răn dạy mọi người. Công ơn cha mẹ là một trong 4 ơn trọng chúng ta phải có trách nhiệm đáp đền.
Một người con hiếu kính thì sẽ ăn nên làm ra, công thành danh toại, kẻ bất hiếu thì ít khi làm nên sự nghiệp. Đa số người con bất hiếu đều dính vào vòng tệ nạn xã hội, cha mẹ mà còn không biết ơn nghĩa, thử hỏi làm sao mở rộng tấm lòng giúp đỡ người xung quanh. Do đó, người con bất hiếu luôn thất bại trong cuộc sống và thường xuyên bị cạm bẫy cuộc đời cuốn trôi rồi sống trong đau khổ, lầm mê. Phật dạy, niềm vui của bậc hiền Thánh là biết hiếu kính với cha mẹ, nhiều người không hiểu cứ nghĩ cúng dường cho người tu là có phước nên nghe đồn ở đâu có linh ứng một chút thì đùng đùng kéo đến cúng dường, bỏ mặc cha mẹ ở nhà khổ sở, thiếu thốn. Tu như vậy là đi ngược lại lời Phật dạy. Trên đời này ai còn đủ mẹ cha là một phước báu lớn lao, người con ấy thật hạnh phúc vì còn có cơ hội báo hiếu, chăm lo phần vật chất lẫn tinh thần, giúp cha mẹ an vui trong tuổi già nhờ biết quy hướng Tam bảo. Người con hiếu trước tiên phải biết vâng lời và kính trọng cha mẹ, nên ca dao có câu:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Do đó,
Thương cha mến mẹ con làm,
Không sợ tốn kém, không nề gian nan.
Công cha nghĩa mẹ khó đền,
Vào thưa, ra hỏi mới là đạo con.
Phận làm con phải biết quan tâm, lo lắng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui và một lòng tôn kính, quý trọng. Trong kinh Bổn sự Phật dạy: “Giả sử có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ suốt đời không bao giờ dừng nghỉ, lại còn cung cấp cho cha mẹ đầy đủ các thức ăn, vật dụng, thuốc thang đến trăm ngàn kiếp cũng không thể trả hết công ơn cha mẹ; còn khuyên cha mẹ biết quy y Tam bảo, giữ gìn 5 điều đạo đức, không làm tổn hại cho tất cả chúng sinh thì đó là cách báo hiếu cao cả nhất vì giúp cha mẹ sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ”. Vào thời Phật tại thế, người dưỡng nuôi Ngài là dì mẫu muốn xuất gia để sống đời giải thoát. Bà đã xin Phật nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Ngài A Nan mới nhắc lại công ơn nuôi dưỡng thì Phật mới nói rằng, “ta đã hướng dẫn cho dì mẫu quy y Tam bảo, giữ 5 giới cấm, tu 10 điều lành, như thế là đã trả ơn cho dì mẫu rồi”; nhưng cuối cùng, Phật đã cho bà xuất gia sau nhiều lần khuyến dạy giữ 8 điều tôn kính chư Tăng. Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ phân chia 2 giai cấp thống trị và nô lệ, người nữ không có quyền tham dự vào công việc xã hội, huống hồ là tham gia vào sự tu học của bậc hiền Thánh. Cho nên, ai khuyên cha mẹ xuất gia tu hành để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc thì đó mới là người con đại hiếu.
(Hôm nay, nhân dịp chú giải bản kinh Nhân Quả Ba Đời, nghĩ đến công khó nhọc của mẹ suốt một đời vì con trẻ, con có chút lòng thành nguyện cầu hồng ân Tam bảo luôn gia hộ cho mẹ ở đời sống kế tiếp cùng tất cả chúng sinh luôn sống với nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.)
Bố thí cúng dường được quả báo giàu sang
Bây giờ chúng ta tuần tự đi thẳng vào mỗi nguyên nhân và chú giải trực tiếp nội dung:
Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước biết bố thí cúng dường,
Trang nghiêm tượng Phật bằng vàng ròng.
Đời nay hưởng phước giàu sang,
Quan quyền thế lực muôn người kính tin.
Người được làm quan dĩ nhiên không phải chuyện đơn giản, người đó phải nhiều đời siêng năng, chăm chỉ học hành, có kiến thức sâu rộng, khi làm việc luôn giúp dân, giúp nước được cơm no áo ấm, lại hay biết tôn kính cúng dường người tu hành chân chánh, ủng hộ xây dựng chùa chiền, thành lập đạo tràng giúp mọi người tu dưỡng đạo đức tâm linh. Làm quan thì ba họ được nhờ, cùng nhau biết cách tích lũy thêm phước đức nên càng giúp ích cho xã hội, làm giảm bớt tệ nạn xấu ác giúp mọi người sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Bởi do kiếp trước khéo tu,
Kiếp này con cháu võng dù xênh xang.
Ngày nay, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp biết quan tâm lo lắng cho dân, mở rộng mạng lưới giáo dục, phát triển con người tâm linh thì đời sống nơi đó khấm khá hơn, con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn nhờ hiểu biết tin sâu nhân quả mà cùng nhau dìu dắt, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp tham nhũng, lãng phí, tham ô của công thì nơi đó người dân sẽ sống nghèo hèn, thấp kém, tệ nạn xã hội lan tràn mà gây khổ đau cho người và vật.
Bố thí cúng dường là con đường dẫn đến giàu có và nhiều uy quyền thế lực, giúp chúng ta sung mãn, đầy đủ về vật chất trong hiện tại và mai sau. Người biết bố thí luôn mở rộng tấm lòng nên được phước làm vua quan, càng có cơ hội giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa; nhưng nếu thiếu tu tập chuyển hoá phiền não tham-sân-si thì dễ sinh tâm cống cao, ngã mạn, chấp thân tâm này làm ngã là “tôi”, là “của tôi” nên nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, do đó lạm dụng quyền hành của mình mà bóc lột kẻ dưới.
Có phước thì được hưởng lộc ăn thịt, uống rượu bia hoặc các món ngon vật lạ khác, thành ra dính vào nghiệp tội sát sinh, hại vật. Người có hiểu biết chân chính luôn biết điều hoà từ trách nhiệm làm việc cho đến an sinh đời sống lúc nào cũng vừa phải, chừng mực; nhờ vậy khi có quyền cao chức trọng càng giúp ích cho nhiều người hơn và bản thân mình cũng luôn được hoàn thiện; nhất là những nhà lãnh đạo đều là phật tử thuần thành chẳng hạn như nước Thái Lan thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc.
Cưỡi ngựa ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước bắc cầu làm đường đi.
Thuở xưa, phương tiện đi lại nhờ vào các loài súc vật như lừa, ngựa, bò, trâu. Những người có chức có quyền thì được ăn trên ngồi trước, được ngồi kiệu để mọi người khiêng và có bảo vệ đàng hoàng. Do nhân đời trước họ biết bắc cầu, làm đường cho mọi người được đi lại dễ dàng và còn vận động nhiều người làm theo; nhờ vậy lương thực thực phẩm, hàng hóa, của cải được lưu thông nhanh chóng giúp dân chúng trao đổi, mua bán dễ dàng. Ngày nay con người văn minh, tiến bộ hơn đã đóng góp lợi ích thiết thực trong công cuộc phát triển nền văn minh nhân loại, phương tiện chuyên chở được thay thế bằng những loại xe cao cấp, đắt tiền để phục vụ cho những nhà lãnh đạo hoặc các nhà tỷ phú. Họ là những người Không những kiếp trước bắt cầu, làm đường mà còn giúp đỡ, sẻ chia tận tình khi thấy người gặp tai ương, hoạn nạn, lúc nào cũng tôn trọng, cung kính cúng dường người tu hành chân chính, chăm chỉ nghe lời thầy cô giáo hay làm các điều phước thiện khác.
Mặc đồ tốt đẹp do nhân gì?
Đời trước cúng áo giúp tăng ni.
Nhân quả lúc nào cũng công bằng, không thiên vị bất cứ một ai, hễ gieo nhân thì được quả. Tăng ni là những người xuất gia trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh nên đời sống tu hành nhờ vào lòng hảo tâm của đàn na tín thí. Bốn món cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men là việc làm cần thiết để giúp tăng ni yên tâm tu học mau thành Phật đạo để độ khắp nhân gian. Do đó, cúng thí y phục được quả báo nhiều đời mặc đồ tốt đẹp và sang quý.
Dư ăn dư mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho uống ăn.
Quả thật, thấy người bất hạnh nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, ta mở lòng giúp đỡ cho uống ăn với lòng thành kính, tôn trọng, không đòi hỏi trả ơn nên hiện đời có của ăn của để dư dã. Giúp đỡ và sẻ chia là công hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài luôn lắng nghe tiếng khổ của tha nhân mà tùy duyên làm lợi lạc cho người và làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Thấy người khổ mà không mở lòng san sẻ thì quả thật là vô cảm, sống như thế chẳng khác nào loài cầm thú. Ta được no cơm ấm áo không phải bỗng dưng mà có, nhờ sống có tình có nghĩa và biết siêng năng tinh cần nên mọi việc đến với ta đều được tốt đẹp, an vui. Phật dạy cuộc sống của ta đều phải nương nhờ lẫn nhau trên mọi phương diện, ta không làm ruộng nhưng vẫn có gạo để nấu thành cơm, không nuôi tằm dệt vải nhưng vẫn có áo quần để mặc và cứ như thế đủ thứ ngành nghề giúp chúng ta an sinh sự sống. Cho nên, hạnh giúp đỡ sẻ chia, thương người cứu vật dưới nhiều hình thức khác nhau là nhân dẫn đến giàu có, dư ăn dư mặc trong hiện tại và mai sau.
Tham lam bỏn sẻn quả báo nghèo hèn
Ăn mặc thiếu thốn do nhân gì?
Đời trước bỏn sẻn không chia sẻ.
Con người lúc nào cũng tham lam, ích kỷ, muốn tích chứa về cho riêng mình thật nhiều nên keo kiết, bỏn sẻn, hà tiện, chẳng dám cho người thân, huống chi giúp người không quen biết. Từ thói quen trùm sò đó làm cho con người hủy diệt lòng