Sách Phật giáo

Chú giải kinh Nhân Quả Phước Đức (P.2)

Thứ ba, 04/05/2017 02:16

Muốn hiểu biết được bản chất của cuộc đời, ta phải siêng năng học hỏi, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, để sau khi khôn lớn trưởng thành ta biết vận dụng việc học của mình mà làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, dấn thân phục vụ tốt cho xã hội. Sau khi đã hiểu biết về kiến thức, ta bắt đầu giai đoạn tiếp theo là chọn ngành nghề để làm việc. Có nhiều nghề đem lại lợi ích cho tha nhân mà không làm tổn hại cho ai, như nghề thầy giáo, nghề chữa bệnh, nghề gieo trồng sản xuất và giáo dục tâm linh để hoàn thiện nhân cách đạo đức, giúp mọi người tự tin chính mình và tin sâu nhân quả.

Tu hành cần phải phước đức đầy đủ

Người có đức thì không bị danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ chi phối, nên ta có thể làm lợi ích cho nhiều người mà không bị các thứ được mất, khen chê, tốt xấu, khổ vui sai sử và làm ô nhiễm. Người có phước đức là người có cuộc sống ổn định về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, biết khiêm cung, lễ phép với người trên, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ kẻ dưới, luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành.

Người đủ ăn đủ mặc,
Là người có phước đức,
Do đó nên ít lo,
Nhờ vậy mà dễ tu.

Là người phật tử chân chính, chúng ta hãy nên biết phát huy hai mặt phước và đức song hành với nhau, giúp người vì tấm lòng tôn kính quý trọng, không phân biệt kẻ sang người hèn. Người có tấm lòng rộng mở mới có thể làm việc bố thí, cúng dường một cách vô điều kiện, có nghĩa là bình đẳng trong việc giúp đỡ, san sẻ, như trường hợp của ông Cấp Cô Độc. Nhờ vậy, tuy giàu có bậc nhất trong thiên hạ nhưng ông vẫn khiêm cung; trên thì cung kính, tôn trọng người tu hành chân chính, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ; dưới thì bình đẳng bố thí, yêu thương, giúp đỡ tất cả mọi người. Ông là bậc mô phạm xứng đáng để hàng hậu học chúng ta bắt chước làm theo. Chính từ tấm lòng rộng mở để nâng đỡ tha nhân mà tâm ích kỷ của ta được chuyển hóa, tâm tham lam được giải trừ, tâm bỏn sẻn được thay đổi, tâm từ bi được tăng trưởng, tâm bao dung và độ lượng được phát triển, tâm buông xả được sáng ngời bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Làm người cần phải có hiểu biết chân chính

Bây giờ chúng ta từng tự thứ lớp đi vào nội dung chính của kinh Nhân Quả Phước Đức mà giải thích từng phần. Phật dạy:

Phương pháp thứ nhất:
Luôn gần gũi người hiền,
Lánh xa kẻ xấu ác,
Tôn kính bậc đáng kính,
Đó là phước đức lớn nhất.

Người phật tử chân chính trước tiên phải biết thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính và hay lánh xa kẻ xấu ác, vì sao? Vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Thường thì người hiền sống có nhân cách và đạo đức nhờ biết tu tâm dưỡng tính, do đó chúng ta có dịp gần gũi người hiền để được học hỏi các điều hay, lẽ phải, nhờ vậy cuộc sống của ta càng ngày càng thăng hoa, hướng về điều thiện nhiều hơn, do đó ít vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.

Bậc hiền tài hay một vị thầy tâm linh luôn sống có ý thức, biết giữ gìn nhân cách, sống điều độ, hài hòa, không buông lung, phóng túng, trước khi làm việc gì biết xét nét kỹ càng và lường được hậu quả của nó. Do đó, chúng ta có phước báo lớn lao mới có dịp gần gũi, thân cận các bậc hiền Thánh.

Các Ngài đã có khả năng chuyển hóa những lỗi lầm và ta có thể học hỏi để biết cách thay đổi cuộc đời và sẽ là gương tốt cho hàng hậu học noi theo. Do có định tĩnh và sáng suốt nên lòng từ bi rộng mở, các Ngài nhiệt tâm, bền chí trong việc dạy dỗ, hướng dẫn cho chúng ta tu học, tất cả đều phát xuất từ tấm lòng yêu thương chân thật, có khả năng giúp cho chúng ta làm người tốt mà biết cách vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Bởi vậy, bậc hiền Thánh do kinh nghiệm một đời tu tập, đã từng học hỏi người xưa qua sách vở và đã áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống, nên gần gũi các Ngài ta sẽ học được những lời dạy quý báu, chân thành và bổ ích; nhờ đó chúng ta ít vấp phải lỗi lầm mà không rơi vào hố sâu của đam mê, tội lỗi. Thế gian này là một trường đời hỗn hợp, phức tạp vô cùng, vì sự phát triển xã hội là từ lòng tham của con người, do đó cái ác luôn chiếm ưu thế, làm cho con người điên đảo, vọng động, mà làm những điều xấu xa, tội lỗi, gây khổ đau cho nhân loại. Vì thế, người con Phật cần phải biết khôn ngoan, khéo léo, tránh xa những kẻ xấu ác, mà hay gần gũi các bậc hiền tài, nếu không ta sẽ có ngày mang họa vào thân.

Bản thân chúng tôi là một bằng chứng thiết thực, mới bảy tám tuổi đã bị tiêm nhiễm bởi các thói hư, tật xấu do sống chung và ảnh hưởng môi trường xung quanh không tốt. Tôi đã rơi vào hố sâu của tội lỗi, nên hơn nửa đời người đã làm các việc xấu ác. Tôi may mắn có được người mẹ nhân từ, đức độ, nên đã giúp tôi làm mới lại cuộc đời nhờ tình thương bao la của bà. Nếu ta muốn làm người tốt thì trước tiên phải biết gần gũi các bậc hiền Thánh, cố gắng học hỏi và rèn luyện nhân cách sống ngay từ thuở ấu thơ. Một gia đình có nề nếp gia phong tốt luôn biết cách dạy dỗ để giúp con em mình sống có chừng mực và hiểu biết.

Chúng ta thử nghĩ về một số người chơi ma túy đang bị cơn nghiện sai khiến, sắp sửa đi cướp giựt để có tiền mua ma túy. Thái độ đó rất xấu, nó làm cho con người ta vừa vật vã, vừa thèm khát khoái lạc, nên đành phải hung dữ, bạo động trong mù quáng. Nếu như ta đang ở trong nhóm người như vậy thì ta đang hấp thụ những chất độc hại, đang tàn phá cơ thể của ta, đang làm cho người thân ta đau khổ và gây thiệt hại cho nhiều người khác. Do đó, ta phải biết khôn khéo lánh xa kẻ xấu ác, luôn thân cận bậc hiền Thánh và phải biết tôn kính những bậc đáng kính. Nếu không thì cả thân và tâm của ta sẽ bị lây lan bởi thói hư tật xấu.

Thân cận bậc hiền Thánh để học đạo làm người tốt

Ta muốn có sức khỏe thì phải biết đưa vào cơ thể các thực phẩm tốt cho thân và thực phẩm an toàn cho tâm. Ta phải tìm một môi trường lành, môi trường có nhiều người tốt, trong đó mọi người đều có hướng thăng hoa đạo đức, có lý tưởng tốt để phục vụ nhân loại. Ở trong môi trường tốt, thực phẩm mà ta tiêu thụ sẽ trở nên hiền lành. Được sống với nhiều người tốt mà cùng nhau tu học trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, quét tước, dọn dẹp, lau chùi, mình đều được bảo bọc bởi năng lượng hiền lành ấy, ta sẽ được thân tâm an ổn, nhẹ nhàng.

Vậy thế nào là kẻ xấu ác? Đó là kẻ thích sát sinh, hại vật, lường gạt, trộm cướp, sống hưởng thụ, vui chơi quá đáng, lười biếng, ỷ lại vào sự nghiệp của gia đình, bất hiếu với cha mẹ và hay say sưa, nghiện ngập. Tóm lại, sống chung với người xấu ác nếu không phải là bậc hiền Thánh thì trước sau gì cũng nhiễm thói quen xấu của họ, dù chúng ta có cố gắng cách mấy đi nữa cũng khó bề vượt qua. Như khi xưa còn nhỏ ta thường tắm sông chung với nhau. Nếu lên bờ trước thì những bạn khác sẽ vấy sình bùn vào người để ta cùng dính bẩn. Cho nên, khi các em còn đang học nơi mái ấm nhà trường thì hãy khôn khéo, ngoan ngoãn, sáng suốt chọn bạn tốt mà chơi. Bạn nào siêng năng, chăm chỉ học hành, lại hay khuyến khích, giúp đỡ người khác, sống biết hiếu nghĩa với cha mẹ, thì ta hãy nên kết làm bạn thân với người đó. Cho nên, ca dao Việt Nam có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” quả thật không sai chút nào. Ngoài việc lánh xa kẻ xấu ác, chúng ta hãy thường xuyên thân cận bậc hiền Thánh để được học hỏi những lời dạy quý báu. Ta luôn biết ơn và tôn kính người có công dạy dỗ chúng ta nên người, nhờ vậy chúng ta ý thức được lời dạy của các Ngài mà cố gắng hành trì, tu tập để xứng đáng là người phật tử chân chính.

Sống là để làm tròn trách nhiệm và dấn thân phục vụ

Phương pháp thứ hai là:
Biết chọn môi trường tốt,
Để làm các việc lành,
Cùng hướng về đường thiện,
Là phước đức lớn nhất.

Ngoài việc thân cận bậc hiền Thánh để học hỏi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, ta còn phải biết chọn môi trường tốt để làm các việc thiện lành, nhằm giúp ích cho mọi người và tự hoàn thiện chính mình. Trong thời đại văn minh, sự tiến bộ tiện nghi về vật chất đã giúp con người tiết kiệm được thời gian rất nhiều; nhưng ngược lại hoàn cảnh môi trường sống thường đem đến cho chúng ta những điều không được hài lòng, như ý. Do đó, ta phải biết chọn lựa môi trường tốt để tu chí, học hỏi mà làm các việc thiện lành, tốt đẹp. Nhờ vậy, ta đang tiến dần trên con đường giác ngộ, giải thoát để vượt qua biển khổ, sông mê mà vươn lên làm đẹp cuộc đời.

Thuở xưa, nhà thầy Mạnh Tử khi còn nhỏ sống gần nghĩa địa; thấy người đào huyệt chôn rồi khóc lóc người thân, thầy về nhà cũng bắt chước đào hố chôn rồi lăn khóc. Bà mẹ thấy vậy không hài lòng vì sợ con hư, nên tìm cách bán nhà và dọn ra chỗ gần chợ để ở. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ thấy người mua bán cân đo đong đếm gian dối, thầy về nhà cũng bắt chước làm theo. Bà mẹ thấy vậy cảm thấy buồn trong lòng nên nói “chỗ này không phải để con ta ở”; thế là bà tiếp tục bán nhà và dọn đến gần trường học để ở. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau siêng năng học hỏi, lễ phép cung kính thưa hỏi thầy cô giáo, về nhà thầy cũng bắt chước đi thưa về trình lễ phép và siêng năng tinh cần học tập. Lúc này, bà mẹ Mạnh Tử mới thật sự vui lòng nói, “chỗ này mới thật đúng là chỗ của con ta ở”. Rồi một hôm, thầy Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải trên khung mà nói rằng, “con đang đi học mà bỏ học thì giống như mẹ cắt đứt tấm vải này mà bỏ đi”. Nghe lời mẹ dạy như thế, thầy Mạnh Tử liền ăn năn hối hận, thầy xin lỗi mẹ và từ đó về sau luôn siêng năng, chăm chỉ học hành, không dám lơ là, chễnh mảng một ngày nào. Nhờ vậy, sau này thầy trở thành bậc hiền tài có tiếng tăm mà dấn thân đóng góp cho gia đình, phục vụ tốt cho xã hội.

Cha mẹ là thầy giáo đầu tiên của con trẻ, một gia đình có nề nếp gia phong tốt thì cha mẹ phải biết cách chăm sóc và dạy dỗ con cái đúng mức. Mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dọn nhà, thay đổi chỗ ở, biết chọn môi trường tốt để giúp con mình ý thức và hiểu biết về giá trị sự sống, mà cố gắng siêng năng học hỏi, nhờ đó khi lớn lên thành bậc mô phạm đạo đức trong xã hội. Do đó, bậc làm cha mẹ phải biết dạy con khi tuổi còn nhỏ. Nếu thấy chúng tự tay giết hại một con vật vô cớ thì ta phải chỉ dạy liền, giết hại là một việc làm xấu vì ai cũng ham sống sợ chết, tại sao ta nỡ nhẫn tâm giết hại chúng. Thấy con mình lấy đồ của ai mà không trả lại là bậc cha mẹ phải chỉ dạy con mình tường tận, nhân trộm cắp sẽ dẫn đến quả báo nghèo cùng, khốn khổ trong hiện tại và mai sau.

Biết chọn môi trường tốt thì sống hạnh phúc

Có một con sư tử mẹ rất thương con nên mỗi lần đi săn đều ngặm cổ con mình cùng theo. Trong lúc rượt con mồi, sư tử mẹ nhảy qua tảng đá, vì muốn há miệng để chụp con mồi mà nó vô tình làm sư tử con rớt xuống vực thẳm. Nhìn xuống vực sâu mà không thấy con mình đâu, nó buồn bả tiếc nuối thương con trong nỗi khổ, niềm đau.

Không biết trời xuôi đất khiến như thế nào mà con sư tử con vẫn còn sống, nó chỉ bị thương nhẹ và được đàn cừu chăm sóc. Cừu mẹ coi nó như con của mình nên nuôi nó tử tế, nhờ vậy nó sống được trong sự đùm bọc, giúp đỡ của anh em nhà cừu. Nó lớn nhanh theo thời gian nhờ môi trường mới và hòa đồng vào nhịp sống của đàn cừu và trở nên hiền từ như các con cừu non, mặc dù bản chất nó là con sư tử.

Vài năm sau, sư tử mẹ có dịp đi ngang qua vùng thảo nguyên của đàn cừu. Từ xa, sư tử mẹ đã thấy sư tử con nằm giữa bầy cừu. Sư tử mẹ rất đỗi ngạc nhiên tại sao có con sư tử hiền hậu ở trong bầy cừu? Bởi bản chất của sư tử là ăn mồi sống và nó sẽ tấn công bất cứ con vật nào để nuôi sống bản thân. Trong dòng suy nghĩ mong lung, nó nhớ lại đứa con cách nay vài năm đã bị rơi xuống vực sâu, “không lẽ con ta còn sống sót đó sao?” Nghĩ vậy, nó mon men đến gần mà không hề cố ý vồ một con cừu nào hết. Khi thấy sư tử xuất hiện, cả bầy cừu đều hoảng loạn bỏ chạy. Sư tử mẹ chỉ cố tình đuổi theo sư tử con và cuối cùng đã gặm được cổ nó và chạy đến bên bờ suối, rồi thả xuống để nó uống nước.

Câu chuyện ngụ ngôn trên được dừng lại nơi đây để chúng ta cùng tham khảo và suy gẫm. Môi trường tốt hay xấu rất quan trọng trong đời sống của chúng ta. Nếu ta có đầy đủ phúc duyên được sống gần các bậc hiền đức để học hỏi và rèn luyện bản thân, nhờ vậy ta có thể phát triển theo chiều hướng tích cực để có thể giúp đỡ gia đình và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Đời sống của loài cừu chỉ an phận với đồng cỏ non trước mắt, nên cuộc sống của chúng còn rất nhiều giới hạn. Muốn khai thác tiềm năng vô hạn của con người để được sống yêu thương hơn, ta phải quyết tâm biết chọn môi trường tốt để có cơ hội dấn thân phục vụ, cùng hướng về việc làm có ích cho nhân loại.

Giữ giới và sống đạo đức để làm người tốt

Phương pháp thứ ba là:
Siêng học lại giỏi nghề
Biết giữ gìn đạo đức
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.

Siêng năng, chăm chỉ học hành, biết nghe lời thầy cô giáo là trách nhiệm của chúng ta khi còn ngồi trong ghế nhà trường. Trong thời gian đang học, quan hệ bạn bè rất cần thiết. Nếu ta có bạn luôn siêng năng, chăm chỉ thì ta cùng nhau chăm chỉ học hành, cùng động viên, khuyên nhủ nhau mà cố gắng học tốt. Khi lớn lên, chúng ta biết chọn nghề nghiệp chân chính và phải siêng năng tận tụy với nghề nghiệp đó. Người con Phật phải biết tránh những nghề nghiệp làm tổn hại đến tất cả chúng sinh; như nghề mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em, mua bán vũ khí, mua bán thuốc độc, mua bán rượu, xì ke, ma túy, và nghề trực tiếp giết hại các loài súc vật. Muốn được như vậy thì ta phải đồng hướng về Tam bảo quy y Phật-Pháp-Tăng, và phát nguyện gìn giữ 5 điều đạo đức.

Ngoài ra còn phải siêng năng học hỏi, tu bổ tay nghề, hay học đi đôi với hành. Vậy học là gì? Hành là sao? Học là tiếp thu những kiến thức hiểu biết cơ bản của nhân loại qua mấy ngàn năm lịch sử con người. Chúng ta có thể học qua trường lớp, qua sách vở, học ở bạn bè, học ở gia đình và học ở thực tế cuộc sống. Mục đích việc học là nâng cao sự hiểu biết của con người và vạn vật trên thế gian này, để biết được thật giả, tốt xấu, đúng sai, phải quấy, mà chúng ta có thể áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Muốn hiểu biết được bản chất của cuộc đời, ta phải siêng năng học hỏi, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, để sau khi khôn lớn trưởng thành ta biết vận dụng việc học của mình mà làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, dấn thân phục vụ tốt cho xã hội. Sau khi đã hiểu biết về kiến thức, ta bắt đầu giai đoạn tiếp theo là chọn ngành nghề để làm việc. Có nhiều nghề đem lại lợi ích cho tha nhân mà không làm tổn hại cho ai, như nghề thầy giáo, nghề chữa bệnh, nghề gieo trồng sản xuất và giáo dục tâm linh để hoàn thiện nhân cách đạo đức, giúp mọi người tự tin chính mình và tin sâu nhân quả.

Người phật tử chân chính sẽ biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa nghề thánh thiện. Vậy mà ngày nay, có nhiều người cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, đã tốt nghiệp đại học nhưng sau đó chẳng đem cái được học làm sự nghiệp sinh sống; rốt cuộc hoang phí tiền bạc của cha mẹ hơn 20 năm nuôi dưỡng. Mục đích của việc học là để nâng cao trinh độ hiểu biết mà ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Việc ỷ lại, nhờ vã vào người khác là căn bệnh lười biếng của một số người sống thiếu ý thức và trách nhiệm của mình. Những kẻ như thế khó bao giờ thành đạt trong xã hội, thử hỏi làm sao có đủ khả năng nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và phục vụ nhân loại?

Để việc giao tiếp với đối tác trong quan hệ cuộc sống được vuông tròn, tốt đẹp, ta cần phải nói lời hòa nhã, dịu dàng, dễ nghe, nhờ biết quy hướng Tam bảo và gìn giữ 5 điều đạo đức. Ý thức được khổ đau do sự giết hại gây ra, ta không trực tiếp giết hại hay xúi bảo người khác giết hại. Ta không tự ý lấy đồ của người khác khi không được cho phép, hoặc hiên ngang cướp giật công khai. Ta sống chung thủy một vợ một chồng, không ngoại tình, lang chạ với người khác. Ta không nói lời hằn học nặng nề, hay mắng chửi người khác; cho đến việc ta không đưa các độc tố vào cơ thể như rượu, xì ke, ma túy, vì nó làm ta điên cuồng, mê muội. Ta siêng năng, tinh cần học hỏi, và biết phát huy nghề nghiệp đúng mức; nhờ vậy ta sống có nhân cách đạo đức, nên thân tâm được thanh tịnh, trong sáng mà an ổn, nhẹ nhàng.

Sống thương yêu bằng trái tim hiểu biết

Phương pháp thứ tư là:
Biết hiếu dưỡng cha mẹ,
Thương yêu gia đình mình.
Lại làm nghề thích hợp,
Là phước đức lớn nhất.

Hiếu dưỡng với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của một con người. Ta có thân này là nhờ công ơn của cha mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, cha làm lụng vất vã để nuôi ta khôn lớn. Gia đình là chỗ nương tựa chính đáng giúp ta trưởng thành và nên người, nhờ cha mẹ biết cách nuôi dạy khôn khéo, tập cho con mình biết sống tự lập, có một nhận thức đúng đắn và sống không ỷ lại vào gia đình. Riêng về bổn phận làm con, chúng ta biết nghe theo lời của cha mẹ, cung kính, hiếu thảo và biết ơn.

Chọn nghề nghiệp để làm việc là một điều rất quan trọng, cần thiết trong cuộc sống. Trong xã hội, tùy theo địa vị mà có chức năng và nghề nghiệp khác nhau, nên người con Phật cần phải biết khôn ngoan, sáng suốt lựa chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính. Nghề nghiệp chân chính không làm tổn hại một ai, giúp ta sống an vui, hạnh phúc vì có cơ hội phục vụ tốt cho nhiều người. Ngành nghề trong xã hội rất đa dạng và phong phú, có những nghề càng làm càng có phước, có những nghề càng làm càng có tội. Nghề có phước như xây dựng trường học, cầu cống, đường xá, y tế, bác sĩ, bảo vệ môi trường, trồng trọt v.v… Nghề có tội như trực tiếp sát sinh, hại vật, mua bán vũ khí, mua bán trẻ em phụ nữ, mua bán rượu và các chất xì ke, ma túy là những nghề càng làm càng gây tạo thêm tội lỗi. Quả báo trong hiện tại bị bệnh hoạn, chết yểu, bị tù tội và si mê, cuồng loạn. Sau khi chết lại bị đọa 3 đường dữ để chịu khổ báo, hành hạ trong địa ngục và làm quỷ đói, súc sinh để trả nợ tiền kiếp oan gia.

Trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài muôn vật đều sống nương nhờ lẫn nhau theo nguyên lý nhân duyên quả mà bảo tồn mạng sống. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Một con người muốn hoàn thiện chính mình thì trước tiên phải biết hiếu kính với cha mẹ, bởi đó là người có công sinh thành dưỡng dục, nuôi ta khôn lớn, mà ta còn không biết ơn thì thử hỏi làm sao có thể tốt với mọi người. Ngoài việc hiếu thảo đối với mẹ cha, ta còn phải có trách nhiệm và bổn phận thương yêu gia đình người thân như là thương yêu chính mình. Muốn được như vậy, ta phải biết chọn nghề nghiệp chính đáng để sinh sống mà ít làm tổn hại cho ai. Ta sống được trọn vẹn như thế nên lúc nào cũng bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Bố thí là con đường dẫn đến giàu có

Phương pháp thứ năm là:
Sống vui vẻ bố thí,
Giúp gia đình người thân.
Bình đẳng tùy theo duyên,
Là phước đức lớn nhất. 

Đạo Phật đi vào đời vì lợi ích chúng sinh để chuyển hóa hiểm nghèo. Phật dạy pháp bố thí là điều căn bản trong cuộc sống. Bố thí là con đường mở rộng cửa từ bi để mọi người biết sống thương yêu bằng trái tim hiểu biết và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Một người làm ăn lương thiện, có nhân cách đạo đức biết gầy dựng cơ nghiệp của mình từ hai bàn tay và khối óc. Đó là phước đức lớn nhất; càng phước đức hơn khi cuộc sống của ta được đầy đủ về mọi mặt, ta không phải lo toan cơm áo gạo tiền, không phải bận bịu về kế sinh nhai, nên dễ dàng dấn thân đi vào đời để phục vụ lợi ích cho nhân loại. Nhờ vậy ta có cơ hội sống tốt hơn để phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và nâng đỡ, sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang gặp bất hạnh, thiếu thốn, khó khăn. Sống trung thực, thật thà, ngay thẳng, biết xét nét từng cử chỉ, hành động của mình mà ta lúc nào cũng an vui, thanh thản, chẳng có điều gì phải dằn vặt làm ta bận lòng. Ta sống được bình an mà hay giúp người cứu vật là đã thành tựu phước đức.

Khi ta đã có đời sống ổn định mà lại có nghề nghiệp chân chính, thì phải chia tiền bạc ra làm 5 phần, 2 phần duy trì công việc góp vốn kinh doanh, 1 phần lo thủ hậu bệnh hoạn mai sau, 1 phần giúp gia đình, người thân khi gặp hoàn cảnh khó khăn, 1 phần cúng dường người tu hành chân chính hoặc giúp đỡ ai đó trong cơn hoạn nạn, khốn khó. Bố thí hay nâng đỡ tha nhân là việc làm cao thượng mà mỗi người con Phật cần phải có trách nhiệm và bổn phận giúp đỡ lẫn nhau vì tình người, tình nhân loại trong cuộc sống. Người con Phật trước tiên phải giúp đỡ cho gia đình, người thân trước; kế đến mới giúp người ngoài xã hội và cúng dường Tam bảo; nhưng người có tiền bạc thì dễ dàng làm được điều đó, còn kẻ nghèo khó, thiếu thốn, khó khăn thì làm sao đây? Vấn đề được đặt ra ở đây chính là tấm lòng, nếu ta có tấm lòng thì có tất cả, tùy hỷ tán thán với việc làm tốt đẹp của người khác cũng là một nghệ thuật sống làm cho ta chuyển hóa được thói quen ganh ghét, tật đố. Ta vui với việc làm tốt của người khác, nhờ đó ta sống trong bình an, hạnh phúc.

Có nhiều gia tộc sống rất hay. Khi có người thành công trong việc làm ăn sinh sống thì bắt đầu tìm cách tạo điều kiện giúp đỡ cho người thân cũng được thành công như mình. Kinh Phật có một câu chuyện rất thực tế. Có người hỏi, hai người đồng nhau về mọi phương diện tài năng, giới hạnh, nhưng một người biết bố thí giúp đỡ, một người thì không; sau khi chết đi, nếu hai người ấy sinh lại làm người thì có sự khác biệt như thế nào? Phật nói, “người có bố thí, giúp đỡ sẽ vượt qua người kia trên 5 phương diện: sống thọ và khỏe mạnh hơn; nhan sắc xinh đẹp, dễ nhìn; cuộc sống an vui, hạnh phúc; có địa vị, danh phận rõ ràng và có cuộc sống ngày càng thăng hoa hơn”. Do vậy, bố thí cúng dường giúp ta vui vẻ sống lạc quan và dễ dàng buông xả các thói quen xấu có tính cách hại người, hại vật. Nhờ có bố thí và buông xả, ta được phước báu đầy đủ, dư dã về mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần, cuộc sống luôn no cơm ấm áo; nhờ vậy ta khỏi phải lo toan, bận bịu mà sống có tình thương yêu chân thật, tình người trong cuộc sống; do đó, ta biết khoan dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, biết chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã, vị tha.
 
Hai người cư sĩ cùng giữ 5 giới đầy đủ, siêng tu trí tuệ, biết buông xả các tâm tư hại người hại vật; nhưng một người có bố thí, biết giúp đỡ bằng cả tấm lòng thành kính của mình, thì dĩ nhiên sẽ tăng thêm nhân quả thiện lành, tốt đẹp trong hiện tại và mai sau. Do đó, quả báo sẽ thù thắng hơn trong 5 điều: sống thọ, sắc đẹp, an lạc, địa vị và cuộc sống ngày một thăng hoa hơn.

Giúp người hay nâng đỡ một ai là nghĩa cử cao đẹp của người con Phật, sống cho đi mà không cần đền đáp lại vì đó là trách nhiệm chung và bổn phận của mọi người trong xã hội. Ta cho những gì mình cần, mình thích, mình trân quý, mới là cách cho khó làm nhất trong cuộc đời. Để đạt được đỉnh cao của tấm lòng vô ngã, vị tha, ta phải thấu rõ bản chất của cuộc đời là hư dối, tạm bợ, vô thường và không có thực thể cố định là ta, là của ta. Cho mà không thấy mình cho, vật cho, và đối tượng để cho; có nghĩa là khi gặp người tu hành chân chính thì ta cúng dường, khi gặp người khó khăn thì ta giúp đỡ mà không tính toán, so đo, tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà ta có thể đóng góp lợi ích thiết thực vào trong cuộc sống hằng ngày.
 
Bố thí hay giúp đỡ, sẻ chia là con đường mau dẫn đến giàu có, an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại; là pháp tu căn bản của người con Phật. Do vậy, ai hiện đời sống khá giả, nhiều tài sản là người đã biết gieo trồng phước đức từ nhân biết bố thí, san sẻ, giúp đỡ người khác. Ai hiện tại nghèo hèn, khốn khó, ít tài sản, dù làm việc vất vả, nhọc nhằn quanh năm mà vẫn thiếu trước, hụt sau, thì ta biết mình ít gieo trồng phước, nên cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc bố thí, cúng dường.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp khác biệt trong thực tế làm ta nghi ngờ về lý nhân quả. Có người sống hay lường gạt, trộm cướp, lấy của người, mà họ vẫn sống phây phây, giàu có, dư dã, có nhiều thế lực và tài sản lớn. Nhân quả thật sự rất đa dạng và phức tạp, bởi phải trải qua 3 thời hiện tại, quá khứ, vị lai; hay còn gọi là hiện báo, sinh báo và hậu báo.

Hiện báo là khi ta gieo nhân thì có kết quả liền trong hiện tại; như ta đang đói bụng ăn cơm vào được no. Chính vì vậy mà ta gọi là gieo nhân thì gặt quả. Sinh báo là khi ta gieo nhân thì phải chờ đến một thời gian nào đó mới có kết quả. Hậu báo thì phải trải qua nhiều đời, nhiều kiếp mới cho ra kết quả. Khi đã gieo nhân dù trăm kiếp nghìn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên thì sẽ cho ra kết quả, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Như chúng ta đồng thời gieo trồng hạt giống của ba loại, cây lúa, cây chuối và cây xoài cùng một thời gian. Kết quả là ta thu hoạch được 3 loại này vào thời gian chênh lệch khác nhau. Hạt giống của cây lúa khi gieo xuống thì từ 3 tháng cho đến 6 tháng thì sẽ thu hoạch được. Hạt giống của cây chuối khi trồng xuống phải từ 6 tháng cho đến 1 năm mới thu được kết quả. Riêng hạt giống của cây xoài thì nhanh lắm cũng phải từ 2 năm trở lên mới có thể thu hoạch. Qua hình ảnh thí dụ này, chúng ta thấy đường đi của nhân quả còn chịu ảnh hưởng của nhiều duyên khác. Có khi ta gây nhân mà không gặt được kết quả bởi do duyên không hội tụ đầy đủ.
 
Về mặt nhân quả, kẻ làm ác mà vẫn hưởng điều tốt lành trong hiện tại, như giàu sang và có chức quyền, vì đây là dư báo làm thiện của họ ngày xưa còn quá nhiều, nên ta thấy nhân quả dường như chẳng công bằng. Chúng ta có thể qua mặt được luật pháp và dối gạt nhiều người khác, nhưng ta không thể nào qua mặt được luật nhân quả nghiệp báo, đến khi phước hết thì chịu họa khổ đau vô cùng tận. Những người hiện tại chuyên bố thí cúng dường hay giúp đỡ mọi người, nhưng vẫn thường xuyên gặp trắc trở, hoạn nạn là vì sao?

Có một bà già chuyên làm việc từ thiện đã gần 30 năm, ai cũng biết bà như một vị Bồ tát Quan Âm luôn có mặt khắp mọi nơi. Vậy mà lúc nào bà cũng gặp điều bất hạnh. Chuyến từ thiện hôm ấy mọi người trên xe đều chết, riêng bà chỉ bị gãy xương tay mà thôi. Sự việc xảy ra như thế làm bà mất niềm tin về nhân quả, bà gần như muốn thoái Bồ đề tâm. Một hôm, bà vô tình gặp một vị thầy, nên liền kể hết nguyên nhân và kết quả việc làm của bà từ bấy lâu nay. Vị thầy ồ lên một tiếng và tán thán việc làm của bà mà không quên kèm theo một lời an ủi thắm đậm tình người, “bà không thấy đó sao, bao nhiêu người đều chết hết trong chuyến xe oan nghiệt đó, còn bà chỉ bị gãy tay mà thôi và nay đã lành lặn. Đó là phước của bà đã làm từ thiện trong nhiều năm qua, nhờ vậy bà thoát chết trong đường tơ kẻ tóc mà vẫn sống để tiếp tục làm công việc chia vui, sớt khổ, giúp đỡ mọi người nhiều hơn nữa”. Khi được vị thầy trình bày cặn kẽ về sự phức tạp và đa dạng của nhân quả phải trải qua 3 thời hiện tại-quá khứ-vị lai, bà hoan hỷ, vui v
loading...