Chùa Việt

Chùa An Lạc: Di tích độc đáo ở Tứ Kỳ

Thứ bảy, 09/05/2023 08:45

Chùa An Lạc ở cuối làng Đông, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ vẫn được người dân trong vùng quen gọi là chùa Núi.

Tuy nằm ở vùng đồng bằng, nhưng ngôi chùa lại tọa lạc ở một vị trí rất độc đáo khi dựa lưng vào một quả núi đất và hướng ra dòng sông uốn khúc mà dân làng quen gọi là sông Vàng. Đây là ngôi chùa hiếm có khi nằm biệt lập với khu dân cư.

Hiện nay, không ai còn biết ngôi chùa được khởi dựng từ bao giờ. Gần đây trong một lần đào đất, nhà chùa tìm được một cổ vật đất nung đỏ hình đầu rồng mà theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành thì có niên đại từ cuối thời Trần. Cuối thời nhà Mạc, năm 1588, nhà chùa đã tổ chức đúc được “hồng chung” (chuông lớn). Chùa đã trải qua nhiều lần tu tạo nhưng lớn nhất là vào các năm 1727 và 1866. Năm 1727, một nhà sư người thôn Đông là thiền sư Tính Ấn trụ trì chùa Côn Sơn đã cùng với Huấn đạo Nguyễn Tá Dong tu tạo, thay đổi từ thượng điện, thiêu hương, tiền đường, gác chuông, tường gạch, bậc nền... Năm 1866, dưới thời vua Tự Đức, các hương lão, chức sắc cùng với thiền tăng đã làm mới nơi tu hành.

Ngôi Tam Bảo của chùa

Ngôi Tam Bảo của chùa

Ngôi chùa vốn tọa lạc ở trên núi, đến thời vua Minh Mạng mới được dời xuống dưới như hiện nay. Sách Tứ Kỳ địa dư phong vật chí của Nguyễn Năng Tấu chép: “Thôn Đông xã Bình Lãng có một quả núi đất cao to, cây cối um tùm, tươi tốt. Phía trước có một con suối nhỏ chảy quanh. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa nhỏ, đến thời vua Minh Mạng, người dân địa phương dời ngôi chùa đó xuống núi.”

An Lạc tự hồng chung bi ký là thạch bản bia cổ nhất hiện còn ở huyện Tứ Kỳ

An Lạc tự hồng chung bi ký là thạch bản bia cổ nhất hiện còn ở huyện Tứ Kỳ

Chùa An Lạc được thiết kế hình chữ Đinh (丁) gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Nội thất trang trí hoành tráng. Hệ thống tượng phật đồ sộ nguy nga, được bài trí từ trên cao xuống thấp. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện tại hệ thống tượng phật tại chùa vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Bức chạm hoa mai, cuốn thư với bài 'Hiến hương kệ'

Bức chạm hoa mai, cuốn thư với bài "Hiến hương kệ"

Ngoài ra có thể kể đến một nét điêu khắc độc đáo của chùa An Lạc là 2 bên có 2 bức chạm hoa, cuốn thư rất tỉ mỉ, mềm mại, đặc sắc với 2 bài kệ của vua Trần Thái Tông mà hiếm ngôi chùa cổ nào có được. Bức chạm hoa cúc, cuốn thư với bài “Hiến hoa kệ”, bức chạm hoa mai, cuốn thư với bài“Hiến hương kệ”.

Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,Chiên đàn, vườn tuệ, đã vun trồng;Dao từ bi vót hình non thẳm,Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dàng.(Hiến hương kệ)

An Lạc cũng là một ngôi cổ tự còn lưu giữ được khá nhiều bia đá. Hiện nay ở chùa còn 6 tấm bia đá với 5 tấm bia chữ Hán và một tấm bia chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX. Trong số này đặc biệt quý giá là tấm bia cổ thời Mạc: “An Lạc tự hồng chung bi ký” được khắc dựng năm 1588, khi nhà Mạc sắp sụp đổ. Hiện tại, đây là thạch bản bia cổ nhất còn lại ở huyện Tứ Kỳ. Chữ và hoa văn khắc trên mặt bia còn rất rõ, trong đó chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu về văn bia thời Mạc.

loading...