Chùa Việt

Chùa Ba Vàng cổ tích và hiện đại

Thứ sáu, 06/11/2014 08:52

Chùa mới. Nhưng những phong ấn đậm dấu thời gian, thấy rõ từ sắc đá núi, từ những mảng màu của một “rừng nguyên sinh” thu nhỏ. Tôi như lạc vào một quần thể kiến trúc chùa, được kết hợp hài hòa những nét chấm phá cổ tích và hiện đại.

Nắng hanh vàng đầu Thu thanh nhẹ, thêm phần nới rộng không gian bình yên nơi cửa thiền chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Giữa tháng Tám, heo may chỉ khẽ vờn nhẹ, nên vẫn có lúc cảm giác nắng nóng như mùa Hè…

Cổng Tam Quan...

...và một góc kiến trúc gác mái

Mới tới cổng Tam Quan nhà chùa, tôi đã thấy choáng ngợp. Một quần thể kiến trúc không quá đồ sộ, nhưng rộng hút tầm mắt. Ngôi chùa trên núi hiện ra trước mắt chúng tôi trong Thu vàng rạng rỡ. Buổi sáng, nắng chan hòa. Từng không trong xanh, gió đại ngàn mát lộng, khiến chúng tôi thấy thật sảng khoái.

Quan sát bao quát trước cổng Tam Quan chùa Ba Vàng, tôi như thấy một thung lũng nhân tạo kỳ thú. Non xanh bao quanh nhà chùa với những triền núi đá tự nhiên xa xa, cỏ cây, hoa lá xanh mướt ngút ngàn.

Suối nhạc ngân tiếng gọi mời
Dừng chân lắng đọng thảnh thơi muôn phần


Chùa mới. Nhưng những phong ấn đậm dấu thời gian, thấy rõ từ sắc đá núi, từ những mảng màu của một “rừng nguyên sinh” thu nhỏ. Tôi như lạc vào một quần thể kiến trúc chùa, được kết hợp hài hòa những nét chấm phá cổ tích và hiện đại.



Thác Từ Bi

Cảnh bình yên quá. Qua cổng Tam Quan, ngước nhẹ tầm mắt theo hướng hồi vọng những tiếng róc rách thanh thoát, tôi thấy một thác nước nhân tạo. Thác có kiến trúc đá tầng, sắp đặt không cầu kỳ, nhưng khá bắt mắt. Từng thác cao khoảng 100 mét, “cây chen đá, lá chen hoa”: Đẹp bình dị!

Dừng chân nơi từng thác một hồi lâu, tôi lắng lòng cảm thấu từng nhịp đập của mạch đá, của dòng chảy du dương như suối nhạc êm đềm, khiến tôi chỉ muốn ở lại mãi. Tôi thấy dòng chữ “Thác Từ Bi” khắc trên phiến đá, hướng bên phải tầm mắt nhìn từ cổng Tam Quan. Thảo nào, nơi thác nước mà bình yên đến vậy.

Muôn hoa khoe sắc thắm dọc lối lên hướng về gian chính điện

“Chia tay” thác Từ Bi, tôi theo lối đi bên phải hướng về gian chính điện. Cầu thang đá thiết kế ôm vòng qua từng thác, viền quanh muôn hoa đua sắc, phần lớn tôi thấy là hoa Đại vàng, hoa đại Đỏ.

Đi hết cầu thang đá, ngay lối lên là khoảng khuôn viên rộng khắp, có lầu Quán Âm ngự trên đài sen lớn giữa hồ nhân tạo. Phía bên trái hồ là “Vườn Thư Pháp”. Dạo quanh khuôn viên này, tôi thấy mình như được “học giáo lý” ở mọi nơi.

Lầu Quán Âm nhìn từ tháp chuông

Phía sau hồ nước, nơi đặt kiến trúc chùa Một Cột nhân tạo, gian thờ đức Thiên Thủ Thiên Nhãn là tháp chuông. Tháp chính có 3 tầng mái, mỗi bên là tháp nhỏ 2 tầng. Hành lang rộng và thoáng, tường bao trải dài hai bên kiên cố, thêm phần bảo vệ vững chắc khuôn viên chính nhà chùa: Khu chính điện Tam Bảo.



Một phần Vườn Thư Pháp


Du khách được học "giáo lý" ở mọi nơi



Góc kiến trúc nhìn từ tháp chuông

Bồ đề "Hộ Pháp"...

Ngay lối vào sân chính hướng đối diện gian Tam Bảo, muốn qua cổng, bạn phải “thăm hỏi” một chiếc lá Bồ Đề kết bằng hoa, màu vàng. Lá Bồ Đề ngự trên tường, uy nghiêm như vị “Hộ Pháp”, cũng là một nét lạ khá thú vị ở chùa Ba Vàng.

Tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng nguyên khối nhìn từ thềm tháp chuông

Dừng chân nơi tháp chuông, tôi bao quát được gần như một nửa còn lại của khuôn viên nhà chùa. Lầu Quán Âm nhìn từ tháp chuông thật đẹp, rực rỡ trong nắng vàng. Xa xa, phía bên phải tầm mắt là tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đá trắng nguyên khối. Ánh từ bi nơi Ngài như lan tỏa rộng khắp đến muôn nơi.

Khoảng sân rộng khắp trước gian Tam Bảo



Bên trong

...hay bên ngoài Chính điện đều rực rỡ nắng vàng

Hành lang ngoài trời với mái tầng đặc trưng kiến trúc chùa Việt

Tôi đắm mình trong một buổi sáng bình yên, thanh cảnh nơi chùa Ba Vàng như chẳng thể rời xa. Chợt hướng nơi gian Tam Bảo vọng lại những hồi chuông, góp phần thức tỉnh người lữ khách trở về với thực tại, để không quên mình còn chưa lễ Phật…

loading...