Chùa Việt
Chùa Bổ Đà: Danh lam cổ tự vùng Kinh Bắc
Thứ bảy, 09/12/2023 02:35
Khu Di tích Chùa Bổ Đà là một quần thể danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận hành chính của xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa có tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh là đồi núi, xóm làng bao bọc.
Đặc biệt vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị Tăng Ni.
Tổng diện tích gần 8.000m², là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt của các vị tăng, ni dòng thiền Lâm Tế.
Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kỳ. Có khoảng hơn 100 ngôi tháp, mỗi tháp chôn giữ tro, cốt, xá lị của 4 đến 26 vị Tăng Ni.
Phần lớn các ngọn tháp trong vườn cao 3-4 tầng, chiều cao tổng thể từ 3-5m, trong đó những ngôi tháp sư tổ còn lớn hơn nữa.
Được biết, ngọn tháp của các sư tăng, dấu hiệu nhận biết trên đỉnh tháp có bình cam lộ. Tháp của các sư ni, trên đỉnh tháp có hình búp sen.
Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp.
Trong đó, Chùa Cao có từ lâu đời nhất, khoảng 1000 năm trước, chùa được xây dựng, cho đến nay vẫn đón những đoàn khách hành hương đến cầu duyên, cầu bình an tại chùa.
Cô Diệu Ngọc là người dân bản địa, chia sẻ: "Tôi đã qua lại chùa từ ngày còn trẻ, 3 năm trở lại đây tôi đã chuyển hẳn lên chùa để làm công quả, giúp sư thầy dọn dẹp, trông chùa, mở cửa đón khách, bản thân con cái đã lớn cả, tôi không còn vướng bận, nên về với nhà chùa cho nhẹ cõi lòng”.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố lịch sử mà vẫn vững chãi soi mình như vậy nên đây được cho là ngôi chùa lâu năm nhất của vùng Kinh Bắc
Chùa được dựng lên bằng các vật liệu truyền thống như gạch nung, ngói đỏ, sành, đá muối…
Những tài liệu và cổ vật lưu truyền từ những ngày đầu của ngôi chùa. Chùa bắt đầu có từ thời nhà Lý và được xây dựng lại dưới triều vua Lê Dụ Tông.
Chùa thờ vị Phật Đà (Bụt Đà, có nguồn gốc từ chữ Buddha) đã ứng hiện giúp ông tiều phu (ông bổ củi trong truyền thuyết xây dựng chùa Bổ Đà) nên gọi là chùa Bổ Đà. Sau này, chùa bao gồm cả chùa Tứ Ân, nên nó còn có tên Tứ Ân, tự (tên gọi của chùa chính được gọi cho cả quần thể chùa bao gồm chùa Tứ Ân, Quán Âm Sơn tự, chùa Cao...) đây là nơi được coi như trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm và sự linh thiêng của ngôi chùa vẫn luôn hiện hữu và là nơi tìm đến của nhiều tăng ni, phật tử tứ phương.
Những mảng tường bao quanh được đắp bằng đất. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường độc đáo.
Chùa Bổ Đà là một trong những nơi hiếm hoi còn gìn giữ được nét kiến trúc nguyên bản của truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam hiện nay.
Ngôi chùa khiến cho bất cứ ai khi bước chân vào đều cảm thấy tâm trí trở nên thanh tịnh, trầm lắng và bình yên. Dường như mọi bộn bề lo toan đều dừng lại trước cảnh cổng chùa mộc mạc nhưng đầy ấu ấn thời gian.