Chùa Việt
Chùa Cổ Lễ: Báu vật nặng 9 tấn nằm giữa lòng hồ ở Nam Định
Thứ bảy, 31/05/2023 01:20
Chuông cổ đặt giữa hồ nước gần một thế kỷ, chưa một lần cất tiếng vang. Đại Hồng Chung mang trong mình câu chuyện gắn liền với lịch sử, là chứng nhân của những năm tháng chống Pháp.
Chùa Cổ Lễ nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa Cổ Lễ được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ Phật và sau này thờ quốc sư Lý triều hay Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến cuối thế kỉ XIX, chùa Cổ Lễ chỉ còn lại một am nhỏ hoang phế. Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đến trụ trì tại chùa và phát tâm công đức xây lại chùa. Trụ trì Phạm Quang Tuyên với tài năng thiết kế của mình đã cùng với nhân dân xây dựng lại chùa từ những vật liệu sẵn có như: gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản,.... Tiếp bước Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, Hòa thượng Phạm Thế Long và các thế hệ sư trụ trì đời sau đã kêu gọi các tín đồ phật tử đóng góp xây dựng, hoàn thiện thêm những công trình thờ tự khác để hòa nhập với tổng thể cảnh quan, tạo thêm sự bề thế cho ngôi chùa.
Đặc biệt, sau lưng chùa Trình có một hồ nước lớn, giữa hồ đặt một quả chuông được coi là nét độc đáo chỉ riêng chùa Cổ Lễ mới có. Chuông được lưu giữ gần một thế kỷ và là bảo vật thu hút du khách thập phương đến khám phá và tìm hiểu sự đặc biệt của nó.
Quả chuông này có tên gọi là Đại Hồng Chung, được đúc năm 1936 niên hiệu Bảo Đại thứ 11 do Hòa thượng Phạm Thế Long chủ trì, phường thợ đồng Ngũ Xá, Hà Nội thi công. Theo lời kể của chị Tâm, người dân ở cạnh chùa, trong quá trình nấu đồng đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng vàng hòa tan trong đó với mong muốn góp phần nhỏ bé hướng tâm nguyện của mình nơi cửa phật để cầu bình an. Chất kim loại đã được luyện qua lửa mà thành chuông khiến chuông trường kì với thời gian, thậm chí không cần bao sái mà vẫn đẹp một cách cổ kính.
Theo đo đạc, chuông chùa Cổ Lễ cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm, nặng 9000 kg. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quai chuông hình đôi rồng tráng kiện đấu đuôi vào nhau. Trên thân chuông có khắc dòng chữ “Chuông đồng nặng 9000kg đúc năm 1936”.
Theo Phật giáo, chuông Đại Hồng Chung thường được gióng vào đầu đêm và cuối đêm. Tiếng chuông đầu đêm nhắc nhở mọi người buông bỏ cơn vô thường, an yên bản thân để nghỉ ngơi. Tiếng chuông cuối đêm thức tỉnh mọi người, tỉnh táo trở dậy để tấn tu, bắt đầu một ngày mới.
Mỗi lần chuông Đại Hồng vang lên, đánh 108 tiếng, đại diện cho tiêu trừ 108 phiền não. Nghe chuông này tâm hồn thanh tịnh, tâm trí nhẹ nhàng, trút bỏ khổ não, phiền đau, tiến tới an vui, hạnh phúc.