Chùa Việt
Chùa Cổ Lễ và huyền tích cởi áo cà sa ra trận
Thứ bảy, 15/02/2017 03:30
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, chùa Cổ Lễ còn đi vào sử sách của Phật giáo với sự kiện khi đất nước binh đao, 27 nhà sư ở đây đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận.
Chùa Cổ Lễ tại Nam Định. Ảnh: Văn Đông |
Lâu đài thờ phật
Theo truyền thuyết dân gian và tài liệu lịch sử, chùa Cổ Lễ (TT.Cổ Lễ, H.Trực Ninh, tỉnh Nam Định) được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới thời vua Lý Thần Tông, thờ Phật và Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không.
Chùa Cổ Lễ trước đây có kiến trúc bằng gỗ, trải qua thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, Sư tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì và tiến hành tái thiết chùa với lối kiến trúc mới. Bắt đầu từ đây, chùa Cổ Lễ được biết đến là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với quần thể kiến trúc độc đáo có một không hai ở VN. Trên diện tích rộng 9 mẫu, các tòa tháp, cung, điện, được thiết kế theo lối: tiền Phật, hậu Thánh. Trong đó, điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng của chùa Cổ Lễ chính là tòa tháp cổ Cửu Phẩm Liên Hoa được dựng trước lối vào chùa. Tháp cao 32 m với 64 bậc, xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, được xây dựng hoàn toàn bằng các vật liệu cổ truyền như vôi, gạch, cát, mật... Tháp có tiết diện hình bát giác với nhiều nét kiến trúc độc đáo.
Từ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, bước qua cây cầu cuốn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể chùa Cổ Lễ độc đáo với sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với lối kiến trúc Gô tích, được cấu tạo theo thế cửu trùng - gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối và đều được xây dựng bằng vật liệu vôi, cát và mật.
Đại tá Đinh Thế Hinh. Ảnh: Văn Đông |
Cởi áo cà sa, khoác chiến bào
Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, người đã trụ trì chùa Cổ Lễ qua nhiều năm cho biết: “Trong các thời kỳ chiến tranh, rất nhiều nhà sư ở chùa Cổ Lễ nói riêng và các chùa ở Nam Định xung phong nhập ngũ. Nhưng sự kiện cả 27 nhà sư từ chùa Cổ Lễ cùng cởi áo cà sa để đi cứu nước thì chỉ có ở đây, tạo thành một huyền tích về tinh thần “đạo nhập đời” cũng như tinh thần yêu nước của phật tử VN”.
Tại chùa hiện nay còn nhiều dấu tích về sự kiện này, nhưng những ghi chép của đại tá Đinh Thế Hinh (90 tuổi, quê ở làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, H.Xuân Trường, Nam Định, hiện trú tại nhà 302, E3, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên nhà sư - pháp danh đại đức Thích Pháp Lữ, một trong 27 tăng ni chùa Cổ Lễ khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” đã thể hiện rất chi tiết về sự kiện này.
Đại tá Đinh Thế Hinh sinh ra trong một gia đình cách mạng, có truyền thống yêu nước. Năm 13 tuổi, ông xuất gia tu tại chùa Một (xã Liêu Thượng, H.Xuân Trường, Nam Định). Sau đó, ông theo học đạo Phật tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương), rồi về chùa Cổ Lễ. Hồi ký của ông ghi: “Cuối năm 1946, giặc Pháp tiến hành chiếm đóng các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Thế nước lâm nguy, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hiệu triệu toàn dân tộc, đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ (sau này là Phó chủ tịch Hội Phật giáo VN), cho gọi tôi (Thích Pháp Lữ) và đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu tiên - rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”. Ngay lập tức, cả 2 vị đệ tử của hòa thượng Thích Thế Long đồng lòng đề nghị: “Thời loạn nay, việc tu hành cũng chẳng thể yên. Mong sư phụ làm lễ “giải pháp y”, thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”.
Được hòa thượng Thích Thế Long đồng ý, đúng 8 giờ 30 ngày 27.2.1947, sau lễ chào cờ trang trọng, 27 nhà sư đến từ các chùa trong khu vực gồm 25 sư nam và 2 ni cô Đàm Nhung, Đàm Lân xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam bảo nơi lập lễ đài. Hòa thượng Thích Thế Long đỡ 27 tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật, đội mũ gắn sao vàng lên đầu 27 nhà sư để thành lập một đơn vị gồm 27 chiến sĩ vệ quốc đoàn trực thuộc Trung đoàn 34.
Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ TP.Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc. 12 vị sư - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. 15 người còn lại, vài người ở lại con đường quân ngũ như đại tá Đinh Thế Hinh hoặc trở về đời thường, còn lại hầu hết đều quay về chùa, tiếp tục con đường tu hành. Tại chùa Cổ Lễ hiện nay, ngoài lưu giữ một số kỷ vật của nhà sư - chiến sĩ trong phòng truyền thống, nhà chùa đã khắc lên bia đá bài phát nguyện của 27 nhà sư trước lúc lên đường:
Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao
Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào.
Văn Đông
Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/theo-dau-xua-chuyen-cu-chua-co-le-va-huyen-tich-coi-ao-ca-sa-ra-tran-791424.html