Chùa Việt

Chùa Côn Sơn tĩnh mặc cùng tháng năm…

Thứ sáu, 23/12/2014 08:59

Một quần thể kiến trúc chùa Việt cổ, nằm giữa không gian thanh bình, tĩnh mặc. Có lúc, tôi như thấy mình lạc vào một “thế giới cổ tích Phật giáo” thu nhỏ. Nơi tôi được cảm niệm sâu sắc những giá trị văn hóa Phật giáo thuần Việt luôn còn mãi với thời gian…

Chiều muộn Chủ Nhật cuối tuần, cũng là ngày cuối cùng của tháng Mười Âm, chúng tôi về với chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương khi chuyến hành hương về chùa Ba Vàng thập phần viên mãn.

Đoàn hơn 100 người mau chóng rời xe ô tô, cùng vào thăm viếng chùa Côn Sơn. Hàng quán hai bên đường dọc lối vào chỉ còn lác đác 2-3 quán. Có người dân vừa dọn hàng ra về bâng quơ: Sao đông người thế nhỉ? Giờ này còn gì mà vào. Chùa cũng sắp đóng cửa…

Cổng Tam Quan nhà chùa

Cái lạnh rít lên từng đợt. Qua “chặng hàng quán” cuối cùng, là khoảng sân rộng nền đá, cổng Tam Quan xa xa nhuốm màu thời gian trầm lặng cùng tường bao trải dài trong áng chiều xanh ngắt. Cây cối xanh mướt, rì rào trong giá buốt mùa Đông…

Qua cổng Tam Quan, là khoảng sân rộng nhanh chóng nhuộm màu trời về tối, ánh đèn vàng từ hệ thống chiếu sáng vòng ngoải chỉ le lói cổng chào rêu phong, xung quanh là những thân cây cao vút, gầy guộc hứng gió Đông.

Cổng chào có thiết kế chùa Việt truyền thống. Những phong ấn thời gian như bám chặt từng mặt ngói, thớ gỗ. Một khoảng tĩnh mặc bao trùm. Phía sau cổng chào, một không gian rộng khắp, cùng những thiết tầng kiến trúc chùa Việt cổ được sắp đặt khoa học, hài hòa.



Bia "Thanh Hư Động": Năm 1369, sau khi dẹp loạn Dương Nhật Lễ, Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán về dựng nhà trên núi Côn Sơn làm nơi lui nghỉ. Vua Trần Duệ Tông về thăm ngự bút đề tặng 3 chữ: "Thanh Hư Động" khắc trên bia. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tự chế bài minh khắc ở sau bia. Sang thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta, khu di tích Côn Sơn bị giặc phá hoang tàn, nhưng tấm bia "Thanh Hư Động" vẫn còn. Năm 1602, nhà sư Mai Trí Bản đưa tấm bia này về sân chùa. Có lẽ bài minh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã bị phai mờ, nhà sư Mai Trí Bản đã khắc bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" vào sau bia. Mặt trước, trán bia khắc bốn chữ Triện: Long Khánh Ngự Thư. Giữa bia là ba chữ: Thanh Hư Động. Đây là bút tích cho vua Trần Duệ Tông - niên hiệu Long Khánh trực tiếp viết. Xung quanh diềm bia trang trí hình triện hóa long. Mặt sau bia khắc bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi", nội dung: Chùa Côn Sơn là nơi vua Trần Minh Tông (1300-1357) về tu thân học đạo. Vị tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang (1254-1334) trụ trì. Nay chùa đã bị đổ nát, nhà sư Mai Trí Bản, hiệu là Huệ Pháp, tự Pháp Nhẫn cùng Tăng chính Nguyễn Pháp Đăng, tự Huệ Hương sinh vào thời thánh trị, Phật đạo hưng thịnh, phụng thờ các bậc tiên hiền tại cổ tích, lại mở rộng đạo Phật, tu tạo tam quan, phòng oản, xây tường, khắc bia, mua ruộng cúng được kê khai trong bia. Nay khắc bia ghi tên, họ những người đã công đức: Niên hiệu Hoàng Định tam niên (1602), trán bia trang trí mặt trời, diềm bia trang trí hoa cúc dây. Bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia ở khu di tích Côn Sơn. Tấm bia này mang dấu tích văn hóa thời trần và chữ viết của vua Trần Duệ Tông, ghi lại sự tín tâm của các vua Trần với khu thắng tích Côn Sơn ở thế kỷ 14. 





Bia "PHỤNG LỆNH DỤ CUNG CẤP TAM BẢO TẠO LỆ BI KÝ": Bia dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653), trán bia khắc rồng chầu mặt trời. Diềm bia trang trí hoa dây, nội dung:
Mặt 1: Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thanh vương vâng Lệnh dụ: xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn nguyên phụng lệnh, tạo lệ chùa Côn Sơn Tư Phúc, là nơi cổ tích danh lam. Hoàng đế triều Trần Nam Việt xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Vương Phật (vua Trần Nhân Tông). Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ đệ nhị Pháp Loa Tôn Giả. Xuất gia Trúc Lâm đầu đà Tịnh Huệ đệ tam Huyền Quang Tôn Giả. Hoàng đế xuất thế từ đó đến nay, danh hiệu lưu truyền đến đời thứ 3 (Huyền Quang Tôn Giả) chủ trì chùa Côn Sơn Tư Phúc. Nay phụng mệnh Quốc vương Lê triều hoàng đế khâm thử. Đề đốc Ninh Quận công Thân tướng công có lòng tích đức phát tâm bồ đề, cung phát tiền của thóc gạo, đinh sắt, gỗ lim cùng các đồ gốm sứ, chẳng tiếc gia tài đem lòng tu tạo cúng dàng.
Mặt 2 - Những vị đi đầu hưng công: Nội cung tần đệ tam phi Nguyễn Thị Ngọc Liêu, cúng bạc tốt 20 hốt cùng số tiền 100 quan. Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Hoàng, cúng bạc tốt 4 hốt. Nội phủ cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân, cúng bạc tốt 20 hốt. Hữu đô đốc Dĩnh quận công Ngô Hữu Dụng, cúng bạc tốt 3 hốt. Nội phủ thị nhũ Phạm Thị Ngọc Khu, cúng bạc tốt 2 hốt, bia đá 1 tấm. Nội phủ thị nhũ Phạm Thị Ngọc Ngàn, cúng bạc tốt 1 hốt. Dựng khởi lại thượng điện, gác chuông, cửu phẩm liên hoa, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang và tam quan. Trụ trì nối tiếp duyên Phật sa môn Đỗ Công Triều, tự Huyền Chân Thiền Sư, thôn Trung, xã Hạ Dương, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Lê triều hoàng đế vạn vạn niên, tiết giữa Đông năm Quý Tỵ (1653).




BIA “CÔN SƠN TƯ PHÚC TỰ BI”: Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định tứ 8 (1607). Bia có 6 mặt, tóm tắt nội dung như sau: Chùa Côn Sơn có từ thời Trần. Là nơi trụ trì của Đệ tam tổ thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Huyền Quang Tôn Giả. Năm 1067, sư trụ trì là Mai Trí Bản trùng tu, xây dựng thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, thượng điện,… Trùng tu tượng Phật, lại khắc các Kinh sách. Các hội chủ và tín nữ trên 150 người công đức tiền xây dựng 16 gian hành lang, 13 gian Đông hành lang, xây dựng tam quan, hậu đường và Tây hành lang nhà chùa. Trong bia có bài minh nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Côn Sơn.

Trời xây Nam quốc,
Đất dựng Bắc thành.
Tráng thay huyện Phượng,
Đẹp thay động Thanh.
Ba nghìn thế giới,
Khoe đệ nhất hình.
Yên Tử dựng trụ,
Bình Than tây thành.
Huyền Đinh sau trấn,
Lục thủy tiền nghênh.
Phong cảnh tuyệt mỹ,
Hạc ca trời ấm.
Nguy nga tự vũ,
Diệu tướng kim tinh.
Lâu đài trăng sáng,
Chuông trống gió rung.
Tay vui ghế tựa,
Miệng đọc chân kinh.
Suối rồng phun ngọc,
Đất thánh phúc sinh.
Thân tu thành Phật,
Con cháu trâm anh.
Phúc dày lộc hậu,
Ngựa kéo xe nhanh.
Quyền cao chức trọng,
Nổi danh triều đình.
Đất trời xoay chuyển,
Thiên hạ thái bình.
Vạn phương thần phục,
Thánh chúa vạn minh.
Vạn năm công đức,
Vạn đại bi danh.

Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn, Người đã đọc tấm bia này. Hình ảnh Cụ Hồ đọc bia chùa Côn Sơn như biểu tượng văn hóa của xứ Đông.

4 gian đặt bia đá cổ được đặt ngay khoảng sân rộng hướng chính điện Tam Bảo. Trời tối, không nhiều thời gian nên tôi cũng khó quan sát kỹ. Phía trái gian Tam Bảo là gian nhà mái dài, chạy suốt tới cuối hậu viên nhà chùa, nơi đặt hình tượng 18 Vị La Hán được thiết kế khéo léo kiểu “tranh màu nổi” áp tường.



Gian hành lang nơi trang trí hình tượng 18 Vị La Hán

Tranh thủ được chút ít, tôi chỉ kịp quan sát phía sau gian chính điện là hệ thống tháp cổ, qua ánh sáng le lói, trầm mặc, từng ngọn tháp thoáng hiện đậm nét phong hóa từ tháng năm…

Bên trong gian chính điện, các ban thờ được sắp đặt đầy đủ theo truyền thống, đảm bảo tiết kiệm không gian, thuận điều kiện gồm: Ban Tam Bảo ở chính giữa, Nhị vị Hộ Pháp hai bên, ban thờ Đức Ông, ban thờ Đức Thánh Hiền, ban thờ Mẫu…











Bên trong gian chính điện Tam Bảo

Hệ thống tôn tượng, lần đầu được chiêm bái, tôi cảm nhận đó là những pho tượng cổ, niên đại cũng ngót ngàn năm tuổi.

Một quần thể kiến trúc chùa Việt cổ, nằm giữa không gian thanh bình, tĩnh mặc. Có lúc, tôi như thấy mình lạc vào một “thế giới cổ tích Phật giáo” thu nhỏ. Nơi tôi được cảm niệm sâu sắc những giá trị văn hóa Phật giáo thuần Việt luôn còn mãi với thời gian…

[Lược sử, theo vi.wikipedia.org]: Chùa Côn Sơn (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự, hay chùa Hun) là ngôi chùa ở trên ngọn núi Côn Sơn (hay còn gọi là núi Hun) ở phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994. Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Sân trước gian chính điện Tam Bảo

Năm Hưng Long thứ 12 (1304), nhà sư Pháp Loa cho xây dựng một liêu (chùa nhỏ) gọi là Kỳ Lân. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329) chùa được xây dựng mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, giao cho Huyền Quang chủ trì.

Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Nơi đây đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Vẻ trầm mặc còn mãi với thời gian...

Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp và từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn.

Vào đời nhà Lê, lúc Thiền sư Mai Trí Bản hiệu Pháp Nhãn trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng. Khi đó chùa có đến 83 gian, bao gồm các công trình như: tam quan, thượng hạ điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống. Nhưng do bị chiến tranh tàn phá, ngày nay chùa Côn Sơn chỉ còn là một ngôi chùa nép mình dưới tàn lá xanh của những cây cổ thụ.

Trước sân tiền đường chùa Côn Sơn có những cây đại cổ, làm tăng cảnh đẹp và tôn nghiêm của chùa.





Phong hóa, hao mòn có mấy dư
Thiền môn thanh cảnh chốn tịnh thư
Tiền triều vang danh lưu sử sách
Côn Sơn Cổ Tự thật chẳng hư...


Chùa Côn Sơn xưa là một công trình kiến trúc hoàn thiện, có 385 pho tượng. Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng, ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có tự bao giờ. 

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, các tăng, ni, phật tử dã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi. Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp. Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.

Cổng chào nơi khoảng sân trước, sau cổng Tam Quan

Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc đời ẩn dật. Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Tại chùa Côn Sơn, đáng chú ý nhất là tấm bia viết ba chữ "Thanh Hư động", là bút tích của vua Trần Duệ Tông khi vua về thăm Côn Sơn năm 1373. Ba chữ này được viết theo kiểu chữ Lệ là một di vật quý của chùa. Bia đặt trên lưng rùa, được để trong một nhà bia nằm bên phải cổng vào.

Bên trái là một bia đá sáu mặt, tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, cũng là một di vật quý. Năm 1965 khi về thăm chùa Côn Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chăm chú đọc tấm bia này…

Thường Nguyên
loading...