Chùa Việt

Chùa Đống Lân nơi non nước Cao Bằng

Thứ bảy, 18/05/2015 10:59

Chùa Đống Lân, nằm trên gò con lân ở thế đất đẹp, cao ráo... Theo truyền tụng cũng như ghi chép, thì chùa nằm trên các lớp lang văn hóa gắn chặt với vùng non nước Cao Bằng một dải này.

Từ thành phố Cao Bằng, trên đường đến di tích hang Pác-Bó (huyện Hà Quảng), ngay bên tay phải có ngôi chùa. Con đường khá vắng, ngôi chùa lặng yên... Cổng chùa khép hờ, trong là khoảng sân rộng đung đưa hoa nắng khi ánh sáng chiếu xuyên qua những tàng cây...  Chúng tôi tìm thấy những phút giây bình yên lạ lùng của sớm đầu hè khi thăm ngôi chùa vùng biên viễn này. 

Phật giáo đến với vùng đất Cao Bằng có lẽ từ thời Lý- Trần, nhưng phát triển vào thời Lê- Mạc, từ khi vương triều Mạc đóng đô ở đây. Cũng như vậy, chùa Đống Lân có từ thời nhà Lý, sau vua Mạc Kính Cung cho xây dựng khang trang để Hoàng hậu, Công chúa có nơi tụng kinh niệm Phật.
 Tam quan chùa Đống Lân
Đằng sau chùa, còn xây dựng Ly cung làm nơi nghỉ ngơi. Chùa Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lân), nguồn gốc về tên này có nhiều giả thuyết, như Thục Phán tổ chức thi “chín chúa tranh vua” đọc trại từ Tổng Lằn (trống lăn), hay giả thuyết chùa nằm trên gò con lân... Theo “Cao Bằng thực lục”, trước khi được xây chùa, đây vốn còn là ngôi đền “Song tử đường” thờ anh em Trần Quý- Trần Kiên thế kỷ 10 thời “thập nhị sứ quân”, nay chùa vẫn phối thờ hai anh em, người có công lao với nhân dân trong vùng. 

Tham quan chùa, bất giác tôi nghe đâu đây câu ca dao, “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Thật vậy, Cao Bằng là một địa phương độc đáo, không gọi là “xứ”, như xứ Kinh Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng,... mà gọi là “non nước Cao Bằng”. Trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Cao Bằng thường có vị thế độc đáo: trước kia, thời cổ đại, Cao Bằng là vùng đất thuộc nước Tây Âu của Thục Phán; thời nhà Lý, Cao Bằng cũng từng “tự trị” bởi cha con Nùng Tồn Phúc- Nùng Trí Cao, kiên cường chống lại sự xâm lăng của nhà Tống; nhà Mạc nghe theo lời khuyên của Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thế" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt; và khi Hồ Chí Minh sau bao năm bôn ba, về nước, đã đặt chân lên cột mốc 108 thì Cao Bằng được lịch sử chọn để cả dân tộc “nuôi chí bền”... 

Non nước Cao Bằng, vùng biên viễn xa xôi vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Nơi đây, có nhiều thành phần các dân tộc (chủ yếu là Tày, Nùng...), văn hóa, tín ngưỡng đa đang, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn... đạo Phật tưởng như... “bỏ quên”, nhưng đạo Phật đang hồi sinh, khi năm 2005, tỉnh thành lập Ban Đại diện Phật giáo tỉnh, năm 2012, chuyển thành BTS GHPGVN tỉnh, do HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN Trưởng Ban TTTT T.Ư GHPGVN làm Trưởng BTS. 

Nay toàn tỉnh có 6 ngôi chùa, 5 vị tăng ni và gần 10.000 phật tử... Trong những ngôi chùa ít ỏi vậy, thì chùa Đống Lân, một di tích nổi tiếng gắn với các tầng và lớp lang văn hóa nơi đây. Lại nhớ, năm trước Hòa thượng về làm lễ Phật đản tại chùa Đống Lân này, một sự kiện lớn của Phật giáo tỉnh.

Phật giáo tỉnh đang được hồi sinh, phát triển, làm điểm tựa, cột mốc tâm linh nơi vùng đất hiểm yếu này, khi chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khánh thành, rồi nay là chùa Trúc Lâm Tà Lùng - cách cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng khoảng hơn 1km đang được xây dựng.
                                                                               
Hà Quang Đức
loading...