Chùa Việt

Chùa Đông Tạ trong những ngày đầu Đông

Thứ bảy, 10/10/2015 02:39

Có phải tôi nói hơi quá hay không mà mỗi khi trở về với chùa Đông Tạ tại khu Lam Sơn, thị trấn Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng luôn mang lại cho tôi những điều bất ngờ, thú vị.

Còn nhớ cách đây một tháng, khi lần đầu có dịp trở về chiêm bái chùa, chúng tôi đã bị hút hồn bởi khu La Hán tự thờ 18 vị La Hán. Nhưng lần trở về này, chúng tôi còn cảm nhận được cảnh đẹp chùa Đông Tạ trong những ngày đầu mùa Đông.

Chung sức phục dựng chùa cổ

Thật may mắn cho chúng tôi, khi được gặp Ni sư Thích Diệu Tâm, Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện Vĩnh Bảo, trụ trì chùa mới đi Hạ về. Mải tiếp các phật tử đến chùa lễ Phật, chúng tôi xin phép ni sư được đi chiêm bái chùa trong niềm vui hoan hỉ. 
 
Chùa Đông Tạ nằm ở cuối làng Đông Tạ thuộc thị trấn Vĩnh Bảo. Theo tư liệu lịch sử, chùa Đông Tạ (còn gọi là Đông Ân) có từ thời Vua Hùng thứ 18, không chỉ thờ Phật mà còn là cơ sở hoạt động cách mạng thời kỳ kháng chiến. Trải qua thời gian, cụm di tích vài lần được tu bổ, nhưng từ năm 2004, khi đền và chùa được thành phố công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, việc tu bổ mới được tập trung ở quy mô lớn. Đánh giá bước đầu của chính quyền địa phương cho thấy quá trình xây mới chùa Đông Tạ gần như bắt đầu từ con số không.

Nguồn kinh phí cho 21 hạng mục là rất lớn trong khi nguồn từ địa phương rất hạn hẹp. Nhưng khi Thành hội Phật giáo Hải Phòng vào cuộc, trực tiếp là Thượng tọa Thích Thanh Giác, Phó BTS Thành hội kêu gọi các tăng ni phật tử gần xa ủng hộ 350 triệu đồng từ năm 2004, nhà chùa phát tâm cùng với sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương.

Việc xây chùa Đông Tạ và các hạng mục xung quanh cụm di tích không ồ ạt mà làm cẩn thận, dứt điểm từng hạng mục, từng cấu kiện. Đáng chú ý là nội thất ngôi Bảo Điện có nhiều hạng mục làm bằng gỗ tứ thiết, trong đó có các hệ thống cột bằng gỗ lim vững chắc, mỗi cột cao 9,5 mét. Nhưng với gỗ lim, ngôi chùa sẽ được tôn lên vẻ đẹp của ngôi chùa truyền thống. Bởi vậy, nhà chùa đề cao sự công phu từ lúc chọn mua gỗ đến việc xử lý chất liệu, từ tạo dáng cột lớn đến các cấu kiện tinh vi. Những người thợ mộc từ Ninh Giang (Hải Dương) đã  rất khéo léo trong việc đục chạm, tạo hình khối, đường nét các hoa văn họa tiết.

Họ làm công nhật, trung bình 10 công cho một họa tiết, tốc độ không thể nhanh so với khoán gọn, nhưng làm đến đâu đẹp, chắc chắn đến đó. Tổng số gỗ cho ngôi Bảo Điện khoảng 350 m3, với kinh phí lên tới tiền tỷ.
 
Tính cả phần mộc và nề, có ngày có tới 100 thợ cùng làm. Các hạng mục xây mới gồm móng chùa, tường hầm, tường bao, nhà bếp, vườn tháp… đều bám sát quy hoạch và thiết kế, cụm di tích được giữ nguyên những hạng mục đã có như lăng mộ (xây lại từ năm 1994), cổng Tam quan (xây từ năm 1998), nhà Tổ, sân (xây các năm 2001-2003). Từ ít đến nhiều, từ chỗ phát tâm ở diện hẹp, đến nay, cụm di tích đền chùa Đông Tạ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bà con khắp nơi về cả tài trí lẫn vật lực, trong đó có bà Lê Thị Phương và Lý Thị Hoài Lan là Việt kiều ở Anh cung tiến kinh phí xây hồ Quan Âm hình tròn (trước đây là hồ bán nguyệt). Các tăng ni, phật tử khác phát tâm công đức kinh phí, vật liệu, cột đá, xây dựng khu vườn tháp 5 ngôi (có hai tháp có xá lị hai nhà sư từng trụ trì đã viên tịch). Riêng nguồn gỗ mít để chế tác các pho tượng cũng được tập kết về di tích với số lượng đáng kể.

Sau những lo toan vất vả và sự cố gắng của Thầy trụ trì và các cấp chính quyền, phật tử gần xa. Ngày 13/12/2009, chùa Đông Tạ tổ chức khánh thành sau gần 6 năm xây dựng theo thiết kế mới trên nền chùa cũ. 

Chiêm bái cảnh đẹp đầu Đông

Hôm nay chúng tôi đến chùa Đông Tạ cũng là ngày đầu tiên miền Bắc đón không khí lạnh đầu mùa. Những hàng liễu rủ cành lá cạnh hồ Phật Quan Âm như dáng thiếu nữ đang vươn mình chuẩn bị thay áo mới để đón mùa Đông. Không gian chùa Đông Tạ trở nên thoáng đãng và dịu mát khác hẳn lần viếng thăm nóng bức oi nồng đợt trước. Đứng trước cổng Tam quan cao bề thế được quét màu vàng tươi như màu áo của nhà Phật, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác giữa đời thường, nó hư hô huyền ảo lung linh sắc màu Phật giáo. Nhìn cổng Tam quan chúng tôi có thể cảm nhận được bề dầy truyền thống của nhà chùa và Tâm – Đức, công lao của thầy trụ trì đối với chùa và việc hành Đạo nơi đây.
 
Có lẽ chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu khi nói về cảnh sắc chùa Đông Tạ. Vì tôi thấy chỗ nào của chùa cũng đẹp, cũng ẩn chứa nhiều dấu ấn thời gian. Bước qua cổng Tam quan là sự bề thế của ngôi chùa cổ. Bên trái là khu nhà La Hán Đường chạy dài thẳng tắp cổ kính rêu phong, nhìn ra hồ Quan Âm với hương sen thơm ngát. Có rất nhiều ngôi chùa chúng tôi đã đến chiêm bái và ghé thăm, nhưng chưa có ngôi chùa nào chúng tôi lại ấn tượng với hồ Phật Quan âm đến vậy. Hồ được xây kiên cố có bán kính rộng, có độ sâu và được trồng hoa sen. Tượng Phật Quan Âm được toạ lạc ngay ở chính giữa hồ, nằm trên lưng 4 con rồng đang uốn lượn miệng đang nhả ngọc. Xung quanh hồ được sư thầy Diệu Tâm cho trồng nhiều loại cây khác nhau, từ các loại hoa, liễu đến những cây ăn quả….tạo cảnh quan cho hồ Quan Âm. 

Đi ra bên phía tay phải của ngôi chính Điện là khu vườn Tháp cổ nơi an nghỉ của 5 vị trụ trì tiền nhiệm. Theo Ni sư Thích Diệu Tâm, trụ trì chùa cho biết: “Vườn Tháp này là 1 trong 21 hạng mục của chùa Đông Tạ. Trong số các khu tháp cổ ở đây có 1 khu tháp thờ vị sư trụ trì có công với cách mạng bị kẻ thù bắn chết. Hiện nay nhà chùa và chính quyền địa phương hoàn thiện thủ tục để công nhận là liệt sĩ. Trước đây khu vườn tháp của chùa rất đơn sơ và mỗi một tháp nằm nơi khác nhau. Sau đó được các phật tử gần xa phát tâm công đức, nhà chùa tiến hành xây dựng lại mới theo kiến trúc cổ, trong đó có ngôi tháp ở giữa làm bằng đá xanh nguyên khối từ Thanh Hoá mang về”.

Đứng trước ngôi Bảo Điện uy nghi đậm chất chùa bắc bộ, chúng tôi như lạc vào thế giới nhà Phật. Đúng là tạo hoá vô thường đã cho chúng tôi trở về với thế giới hư vô huyền ảo. Bức phù điêu bằng đá nguyên khối nằm giữa hiên chính Điện với hai hình rồng bằng đá áng ngữ càng làm tôn cho vẻ uy nghiêm, linh thiêng cho chùa. Bước vào ngôi Tam Bảo thật rộng lớn đa sắc màu. Từ màu nâu của hệ thống tượng Phật, đến các đồ thờ tự và màu nâu của gỗ đã đủ nói lên sự huyền bí của ngôi chùa quê. Các vỉ kèo, các câu đối và bức trướng được các người thợ Cúc Bồ, huyện Ninh Giang đục đẽo tỉ mỉ, khéo léo như mang cả trái tim và khối óc của những tim người thợ vào từng sản phẩm của mình. Những cột chính của chùa được bào nhẵn nhụi, đen bóng có những cột thân to người ôm không hết. Toà Tam Bảo gồm 7 gian tiền đường và 5 gian hậu cung. Cuối gian hậu cung ở trên cùng đặt 3 pho tượng to màu nâu sòng. Ở mỗi một gian, trên các cột đều được Ni sư Diệu Tâm treo các câu đối bằng gỗ đục đẽo hoa văn với hai tông màu chính là màu nâu và màu vàng – đó cũng là hai màu tượng trưng cho nhà Phật. 
 
Mải ngắm ngôi chùa đẹp đến mê lòng mà chúng tôi quên mất các khách thập phương đang sắp lễ vào lễ Phật. Tếng nhạc réo rắt Quan âm hoà quyện với khói hương trầm đưa chúng tôi trở về với thực tại. Khu phía sau ngôi Tam bảo là nhà Tổ được xây hai tầng nhỏ với tầng 1 là nhà khách. Lúc này chúng tôi mới để ý khi xung quanh chùa có rất nhiều cây xanh và hệ thống bảng kiếp luân hồi của con người. Phía xa xa gần cuối chùa là dãy hội trường rộng lớn kiên cố được nhà chùa mới cho xây dựng cách đây vài năm để làm nơi hội họp, truyền bá đạo Phật và tổ chức các khoá tu cho chúng sinh.
 
Dạo một vòng chùa Đông Tạ đã cho chúng tôi hiểu được nhiều điều về thế giới nhà Phật và những người hành đạo. Những cơn gió mùa ngày một nhiều và lớn khiến cho những cành cây liễu cong mình đung đưa trước hồ Phật Quan Âm và chúng tôi chợt nhớ mùa Đông đã về.

“Chùa Đông Tạ có được như ngày hôm nay là công sức rất lớn của Ni sư Thích Diệu Tâm và Quý chư tôn đức Hải Phòng và lòng hướng Phật của các phật tử gần xa. Từ hồ ao bùn lầy, thùng vũng…. Đến một chùa đẹp như trong tranh vẽ tạo hoá là cả một quá trình lâu dài khổ cực chú ạ! Ai có Tâm, ai có lòng hướng Phật đều có thể về chùa Đông Tạ” – bà chùa tâm sự với chúng tôi khi tiễn chúng tôi ra cổng trong sự hoan hỉ vô thường.

Đức Tuỳ
loading...