Chùa Việt
Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử
Chủ nhật, 18/09/2019 01:48
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Thiên Trúc (Chùa Đồng) trên đỉnh núi Yên Tử do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm cúng dường, ngôi chùa nhỏ ở dạng một khối đồng hình chữ nhật cao 1,35m, dài 1,4m , rộng 1,1m, qua thời gian đã hư hỏng nhiều. Ngày 23-10-2005 UBND tình và Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh đã làm lễ khởi công xây dựng lại chùa Đồng hoàn toàn bằng chất liệu đồng với khoảng 70 tấn đồng, diện tích khoảng 20m vuông, chiều cao từ cột nền tới mái lá 3,35m mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa, mỗi cột nặng 1 tấn. Trong đại lễ khánh thành Chùa Đồng ngày 30-1-2007, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục: Thiên Trúc Tự – Ngôi chùa bằng đồng lớn nhất Việt Nam trước hàng ngàn chư tôn đức tăng ni, quan khách, phật tử và khách tham dự.
Xung quanh khu vực núi Yên Tử là còn có các di tích và danh thắng quan trọng như khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh). Hệ thống các di tích và danh thắng này được gộp chung thành Quần thể di tích danh thắng Yên Tử để đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.