Chùa Việt
Chùa Giác Hoa: Ngôi cổ tự trăm tuổi với kiến trúc độc đáo ở Bạc Liêu
Thứ bảy, 28/01/2023 01:15
Chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) được xây dựng cách nay hơn 100 năm, với kiến trúc nghệ thuật kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.
Chùa Giác Hoa (tọa lạc ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) thờ Phật theo phái Bắc tông. Tháng 3/1919, cô Hai Ngó (Huỳnh Thị Ngó) hiến tiền, đất xây dựng ngôi chùa theo lối “nội công, ngoại quốc”, kết hợp kiến trúc nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây.
Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ, được bố trí chặt chẽ, cân đối. Phía trước là Chánh điện, phía sau là sân Thiên tịnh và ngôi nhà Hậu tổ (thờ gia tiên và cô Hai Ngó, người sáng lập ra ngôi chùa).
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Và người dân ở các nơi đến cầu tự, tham gia các hoạt động lễ hội thường niên như: rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười, ngày lễ Phật đản…
Từ năm 1940 đến 1975, ngôi chùa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi đóng quân của bộ đội 1046 và bộ đội Năm Chà, là địa điểm liên lạc của các cán bộ cách mạng.
Đây cũng là nơi tập kết đưa cán bộ vào nội ô thị xã Bạc Liêu và căn cứ của Thị ủy Bạc Liêu ở ấp Đông Hưng, xã Vĩnh Hưng hoạt động. Có thể kể như bà Trần Thị Mạnh (Ba Đào), Nguyễn Văn Đằng (hòa thượng Thích Hiển Giác), Trần Thanh Hồng (Tư Hồng)…
Đặc biệt giai đoạn năm 1940 - 1951, cô Hai Ngó lúc còn sống đã ủng hộ cho cách mạng 40 tấn lúa, nhiều thuốc men chữa bệnh, văn phòng phẩm và nhiều đồ dùng cần thiết khác...
Dưới đây là một số hình ảnh về chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu:
Chùa Giác Hoa vừa có giá trị về mặt lịch sử cách mạng, vừa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật bởi nó là một công trình kiến trúc có sự kết hợp nhuần nhuyễn đường nét Đông - Tây hiếm thấy ở miền Tây Nam bộ.