Chùa Việt
Chùa Giác Lâm buổi chiều thanh bình, an tịnh
Thứ bảy, 01/08/2015 05:00
Giờ, em sẽ đưa anh về thăm chùa Giác Lâm, cách Tổ đình Quán Thế Âm mấy cây số thôi. Anh sẽ được thăm ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn, chuẩn bị tha hồ mà chụp hình nhé…
Cổng Tam Quan, thoáng nhìn từ trục đường giao thông chính, chắc hẳn ai lần đầu về thăm chùa cũng sẽ nghĩ đây là ngôi chùa nhỏ vừa… Nhưng, chỉ sau một vài bước chân, bạn sẽ ngỡ ngàng trước một quần thể di tích rộng khắp, cây cối xanh mướt, ngút ngàn.
Ngay khoảng sân bên trái nhìn từ cổng Tam Quan là Bảo tháp Xá Lợi bảy tầng. Theo lối đi chính, qua một cổng chào nhỏ dẫn vào bên trong, không gian rộng khắp bao trùm. Chủ đạo là màu sơn vàng, ngói đỏ.
Vẫn theo tầm bao quát bên trái, chênh chếch cổng chào chừng vài chục mét là gian thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngoài trời. Từ đó, qua một lối đi thiết kế viền bao kín, nhìn lên là khoảng sân mặt trước gian Chính điện Tam Bảo.
Trở lại hướng lối đi chính, đi tiếp chừng 100-150 mét, cũng phía bên trái là Vườn Quán Âm lộ thiên. Một khu vườn thu nhỏ, yên tĩnh trong nắng vàng rực rỡ. Nắng Sài Gòn độ tháng 4, sáng ngời nhưng không gắt, dịu nhẹ từng nhịp thư thái nơi người lữ khách lần đầu về thăm chùa.
Chiếc máy ảnh chắc chắn bên tay phải, từng bước chân chậm rãi qua những khoảng sân. Mồ hôi lấm tấm ngang trán nhưng không hề có cảm giác nóng. Thêm một quãng, chúng tôi tới ngã rẽ bên trái, hướng về khoảng không gian lớn mà tôi đoán là nơi dựng xây thiền đường. Cõi an tịnh thu nhỏ, ngay trước cổng vào phía bên trong, một bên là gác trống, bên kia gác chuông. Đúng như tôi đoán, nơi cổng chính gác mái hai tầng, phía trong đề “Giảng Đường Huệ Sanh”, bên ngoài đề “Thiền Đường Hải Tịnh”.
Từng hàng cây rì rào, rì rào. Theo hướng gió thanh mát, chúng tôi hướng về gian Tam Bảo. Nơi khoảng sân gần cuối hậu viên nhà chùa, bên phải là vườn tháp, bên trái là lối dẫn lên Chính điện.
Bên trong Chính điện, dường như hết thảy các tầng kiến trúc, từ gác mái, hoành phi, có những tôn tượng đều bằng gỗ. Nhiều thiết tầng có thiết kế hoa văn thật đẹp. Không gian trầm tịch, uy nghiêm khiến mọi mảng bám trần ai nơi người lữ khách bỗng chốc được rũ trôi.
Tôi ước tính có đến cả trăm pho tượng. Trầm hương quyện tỏa dịu nhẹ thật dễ chịu. Chút mồ hôi còn bám vành tai, mép gáy áo. Nhưng tôi thấy thanh mát lạ kỳ. Cảm giác khó thể diễn tả bằng lời. Thật kỳ diệu!
Chụp thêm chừng 10-15 kiểu ảnh, tôi đỉnh lễ Tam Bảo rồi ra về. Em tên Hoa Sen Gió, đạo hữu lần đầu gặp gỡ, vậy mà rong ruổi chở tôi bằng xe máy khắp các nẻo đường.
Vừa ra khỏi Chính điện, đang ngó tìm, tôi đã nghe tiếng ngay bên cạnh: Anh chụp hình lâu đến cả giờ đồng hồ, gần hai tiếng đó. Nhiều hình vậy có viết nhiều bài không anh?
Tôi khẽ mỉm cười: Chắc chắn sẽ có bài viết em ạ. Cảm ơn em, một buổi chiều vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi ra về, nắng vẫn rạng rỡ. Trên cao thẳm từng không, gió lùa những tán lá, khẽ thì thào theo từng nhịp mõ thanh tịnh đều đặn ngân xa…
* Di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia “Tổ đình chùa Giác Lâm”, địa chỉ 565 đường Lạc Long Quân, P. 10, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh:
Chùa Giác lâm được thành lập năm 1744, do cư sĩ người Minh Hương tên Lý Thụy Long đứng ra xây cất. Trước kia chùa có tên Sơn Can và Cẩm Đệm, sau khi lập chùa, Lý Thụy Long giao cho một Thiền Sư pháp hiệu là Phật Ý - lúc bấy giờ là trụ trì chùa Từ Ân. Sau một thời gian, Phật Ý mới cho đệ tử là thiền sư pháp hiệu Viên Quang về trụ trì. Từ đó đến nay, chùa Giác Lâm trải qua 11 đời trụ trì: Tổ sư, Tổ tông (Viên Quang) đời thứ 36, Tiên Giác (Hải Tịnh), Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng, Hồng Hưng, Nhựt Dần, Lệ Sành. Đây là những vị tổ kế thừa thuộc phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Ngươn, do quá trình đó nên chùa còn được gọi là Tổ Đình Hiện Hòa Thượng Thích Huệ Trung Viện Chủ. Đương kim trụ trì là Đại đức Thích Từ Tánh (Trung Bằng). Chùa có hai lần trùng tu lớn: vào những năm 1799 - 1804 và 1906 - 1909.
Chùa có kiến trúc chữ Tam, gồm 98 cột chống đỡ, bên trong bài trí 113 pho tượng cổ, trong đó có 7 tượng đồng, 86 câu đối, 9 bảo lam, 19 hoành phi và một số bàn thờ, đồ thờ cổ.
Trải qua gần 270 năm, chùa đã gắn bó với đất nước và dân tộc, là một ngôi chùa cổ nhất ở thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại đến nay. Chùa Giác Lâm là một Di tích Lịch sử Văn hóa được xếp hạng ngày 16/11/1988.
Thường Nguyên