Chùa Việt
Chùa Gò Kén đổi thay sau 100 năm
Chủ nhật, 01/09/2022 02:01
Chùa Thiền Lâm - Gò Kén là một trong những ngôi chùa được xây cất sớm nhất ở Tây Ninh. Đến nay, ngôi chùa hơn 100 năm tuổi này đang từng ngày đổi thay diện mạo, trở thành điểm du lịch tâm linh độc đáo, đẹp mắt bậc nhất ở Tây Ninh.
Chùa Gò Kén nằm ở địa phận Ấp Long Trung, Phường Long Thành Trung, Thị xã Hòa Thành với khuôn viên rộng hơn 6.000m2. Trụ trì chùa là Đại đức Thích Thiện Nghĩa.
Từ TP Tây Ninh, du khách di chuyển theo đường QL22B hướng về TP Hồ Chí Minh khoảng 5km rồi rẽ phải vào con đường nhựa dẫn đến chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Con đường nằm yên ả dưới những bóng cây xanh rợp mát, hai bên là những thửa ruộng xanh ngát, rì rào trong gió. Chùa Gò Kén đã thay đổi diện mạo sau hơn 100 năm và đang trở thành điểm du lịch tâm linh độc đáo ở Tây Ninh. Khó có du khách nào đến Tây Ninh có thể bỏ qua một nơi như vậy trong chuyến hành trình.
Những ngày này, nhà chùa đang tất bật tôn tạo toàn bộ khuôn viên. Từng viên gạch, đá do các tín đồ Phật giáo và người dân khắp nơi đóng góp xây dựng công trình ở chùa đang được các thợ xây tất bật hoàn thiện. Riêng công trình bảo tháp xá lợi cao 9 tầng sắp hoàn thành sau nhiều năm khởi công và xây dựng.
Kể về quá trình hình thành ngôi chùa, theo Đại đức Thích Thiện Nghĩa, ngôi chùa này do Hòa thượng Thích Trí Lượng khởi xây vào khoảng năm 1904 với hình thức ban đầu là tre lá đơn sơ. Ngôi chùa được xây dựng trên một gò đất cao mọc đầy dây kén. Thế nên từ đó, dân gian đã gọi chùa Thiền Lâm là chùa Gò Kén. Tên gọi đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, dù loại dây kén này không còn. Vào năm 1925, Hòa thượng Thích Từ Phong, đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Lượng cùng các tín đồ Phật giáo xây dựng lại ngôi chùa kiên cố trên khuôn viên rộng 20.000m2 (diện tích này đã bị thu hẹp, chỉ còn hơn 6.000m2).
Những ngôi chùa nổi tiếng tại Tây Ninh
Một điều mà không phải ai cũng biết được, là khi nói về chùa Thiền Lâm - Gò Kén, người ta lại nhắc đến đạo Cao Đài, bởi một mối lương duyên vô cùng đặc biệt. Theo lời Đại đức Thích Thiện Nghĩa, ngôi chùa này là chùa Phật giáo nhưng tại nơi đây, vào ngày 18/11/1926 - tức ngày 15/10 năm Bính Dần, nhà chùa đã cho hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mượn chùa để làm nơi khai đạo. Bởi trong thời gian đó, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh vẫn chưa được xây dựng. Mối lương duyên đặc biệt ấy là tiền đề cho đạo Cao Đài Tây Ninh ngày nay phát triển.
Chùa Gò Kén được trùng tu năm 1970 sau khi bị hư hại, hoang tàn do chiến tranh. Tháng 7/2007, Đại đức Thích Thiện Nghĩa được Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh bổ nhiệm giữ chức trụ trì chùa cho đến nay. Từ khi về cai quản ngôi chùa, Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa không ngừng kêu gọi đóng góp để tu bổ, xây dựng thêm các công trình mới tạo nên một diện mạo đặc biệt cho ngôi chùa, xứng đáng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong tỉnh.
Chùa được xây dựng (theo bản vẽ của kiến trúc sự Học Đình) có chiều dài 30m và rộng 15m, khác hẳn với các chùa cổ trong tỉnh. Quần thể ngôi chùa là một kiến trúc hài hòa kết hợp giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, nửa cổ kính, nửa hiện đại. Ngôi chùa đang được tôn tạo đẹp hơn, cao ráo, hiện đại hơn và gần hoàn thiện.
Trước sân chùa, nổi bật là tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni tham thiền dưới bóng cây bồ đề. Bức tượng này được chùa xây dựng vào năm 2009. Đồng thời, còn có tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25m đứng trên con rồng cao 7m; tượng Phật nhập niết bàn dài 25m hoàn thành trong năm 2017. Ngoài ra, nhiều công trình khác như cổng tam quan, điện thờ Đức Phật Di Lặc, vườn Lâm Tỳ Ni, Ngũ Hành Sơn đều đẹp mắt. Riêng công trình bảo tháp xá lợi cao 9 tầng sắp được hoàn thành.
Theo Đại đức Thích Thiện Nghĩa, mục tiêu lớn nhất mà chùa đang hướng đến là hoàn thiện các công trình như giảng đường Phật học để tương lai ngôi chùa trở thành trung tâm Phật giáo của tỉnh Tây Ninh.
Đại đức Thích Thiện Nghĩa cho biết, được sự chỉ dẫn của các phật tử, nhà chùa đã sang nước bạn Campuchia tìm kiếm được dây kén về trồng gây giống, nhằm phục dựng lại di tích ngôi chùa được dân gian gọi tên Gò Kén khi xưa. Cũng theo vị trụ trì, dây kén là một họ dây leo, có trái chín màu đỏ, ăn vào có vị ngọt ngọt, chua chua, ở Việt Nam hiện không tìm thấy.
Dưới thời tiết nắng mưa thất thường ở Tây Ninh vào những ngày cuối tháng 7, ngôi chùa Thiền Lâm - Gò Kén vẫn đang từng ngày đổi thay, như một hoa sen thanh khiết giữa cánh đồng xanh ngát, thơm mùi mạ non.