Chùa Việt

Chùa Hoa Nghiêm bên dòng sông Nhuệ

Chủ nhật, 12/05/2015 09:11

Từ trung tâm Hà Nội xuôi về phương Nam chừng 25km, nằm ở huyện Thường Tín, xã Nguyễn Trãi ấy, bên đê sông Nhuệ - thôn Gia Khánh có chùa Hoa Nghiêm đang được xây dựng. 

Thôn Gia Khánh vốn là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”- bốn bề có các dòng sông bao bọc, quanh năm hiền hòa. Người làng Gia Khánh có truyền thống cách mạng chống Pháp, chống Mỹ, có bề dầy văn hóa tâm linh, với hệ thống đình cổ, miếu cổ…                              
 
Ngôi chùa cổ của làng được xây từ xa xưa, nhưng đến năm Tự Đức thứ 3 (năm 1849) do vỡ đê sông Hồng, nước làm sập hoàn toàn phần Đại Bái, Tam bảo chỉ còn lại hậu cung. Năm 1947, thực dân Pháp ném bom, bắn phá làm cho phần hậu cung đổ nốt. Từ đó đến nay nhân dân không có nơi lễ Phật, giáo dục cho con cháu ăn ở hiền lành theo lời Phật dạy. Có phép màu nhiệm nào dựng lại ngôi chùa cổ bình dị như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam? 
                     
Lúc sinh thời, Trưởng lão Hòa thượng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN Thích Thanh Bích, khi về đây nhìn thế đất đầu làng cũng đã nói lên tâm nguyện phục dựng lại ngôi già lam cho nhân dân địa phương tu tập. Nhưng nguyện ước của bậc cao tăng, chân tu chưa kịp thành tựu thì người đã viên tịch.  
 
 
Một hôm trời đẹp- làng đón một vị sư trẻ về, cũng nhận nhiệm vụ mà có lẽ Phật giao là phục dựng lại ngôi chùa cổ xưa. Cơ duyên đã đến! Thế là già trẻ trai gái hơn 1.800 người trong thôn Gia Khánh hưởng ứng, đồng tâm quyết chí, gom góp sức người sức của cùng nhà chùa bắt đầu xây dựng lại.
                    
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng thôn Gia Khánh vô cùng hoan hỉ, dẫn tôi đi tham quan các hạng mục công trình còn đang ngổn ngang xây dựng, mà mới chỉ cơ bản xong được nhà Tổ. Thật là đất lành, khi nhà Tổ vừa được xây dựng xong, thì có các cháu thanh niên tu pháp môn thiền đến xin mượn địa điểm tu và lập một đạo tràng, tu tập đều hàng tuần. Ngày tôi đến thăm, cụ bà Diệu Bảo- người phụ trách “khóa tu mùa hè” của chùa Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội), được sự thỉnh mời của các thiền sinh trẻ đã đến “thắp lửa”. Bà Diệu Bảo nói, “các cháu thật là hạnh phúc, như bà đây mới biết đến Phật pháp có mười năm nay thôi, trong khi các con đây còn rất trẻ. Như Thượng tọa Thích Thọ Lạc trụ trì chùa Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội) nói, “đạo Phật có phát triển được là ở vào lớp trẻ”. Nhìn các con biết rủ nhau tu tập thế này, chính bà thấy vui và hạnh phúc lắm”. 
     
Từ trên đê sông Nhuệ, khách thập phương đã thấy là bức tượng Phật A Di Đà bằng đá trắng, đã được an vị trên bệ cao sừng sững. Ông Trần Văn Vọng, Trưởng ban kiến thiết thì cho biết, để có mảnh đất rộng 2 ha vốn là đất ruộng này đã có hơn 60 gia đình hiến không đất cho chùa (không đòi tiền đền bù), mới thấy lòng yêu đạo của dân thôn thế nào.
                     
“Nhà có vàng không bằng làng có sư”, có lẽ thật, giàu như chính tên của làng “Gia Khánh”, không chỉ là giàu vật chất mà còn giàu về đời sống tâm linh chân chính, khi đạo đức bắt nguồn từ mạng mạch Phật giáo đang được thắp sáng lên ở nơi đây. 

Hà Quang Đức
loading...